Kẻ thù buộc ta ôm cây súng: Lời hịch hùng tráng, cương mãnh trong giờ phút hiểm nghèo của dân tộc Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch đi vào lịch sử dân tộc VN với tư cách một văn kiện quan trọng nhất, quyết định đến vận mệnh quốc gia trong giờ phút hiểm nghèo.

Một trong những văn bản quan trọng nhất của dân tộc ta nói chung, của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ Tổ quốc nói riêng là "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo tháng 12.1946.

Đó là một văn bản hết sức ngắn gọn nhưng súc tích và đầy đủ. Chỉ với 18 câu và 198 âm tiết, "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" đã nêu một cách đầy đủ hoàn cảnh lịch sử đất nước thời điểm đó, quyết tâm của toàn dân Việt Nam, đường lối kháng chiến và khẳng định thắng lợi cuối cùng của kháng chiến.

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng: Lời hịch hùng tráng, cương mãnh trong giờ phút hiểm nghèo của dân tộc Việt Nam - Ảnh 1.

Phố Hàng Đào, Cầu Gỗ tại Hà Nội sẵng sàng chiến đấu.

Chúng ta muốn hòa bình, kẻ thù buộc ta phải chiến đấu

Nói chung, dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình. Trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc Việt, chúng ta đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh nhưng hầu như đó toàn là những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Cá biệt, có đôi lần phải áp dụng chiến thuật "tiên phát chế nhân"- xuất quân đánh trước nhưng cũng chỉ nhằm phá tan âm mưu xâm lược của kẻ thù mà thôi.

Trong chiều dài lịch sử đó, mỗi khi đất nước đứng trước họa xâm lăng, các lãnh tụ, anh hùng dân tộc thường có lời kêu gọi gửi đến binh sĩ hoặc toàn dân đứng lên đánh giặc như "Hịch tướng sĩ" của Hưng Đạo Đại Vương, "Chiếu cần vương" của vua Hàm Nghi v.v...

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng: Lời hịch hùng tráng, cương mãnh trong giờ phút hiểm nghèo của dân tộc Việt Nam - Ảnh 2.

Ngày 2.9.1945, tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tuy nhiên, ngay sau đó ít ngày- ngày 23.9 cùng năm thực dân Pháp đã quay lại gây hấn ở Nam Bộ.

Với những lợi thế không nhỏ về quân số, trang bị và kinh nghiệm tác chiến,... vùng tạm chiếm do thực dân Pháp chiếm đóng ngày càng nhiều. Đất nước vừa mới giành được độc lập đứng trước nguy cơ một lần nữa rơi vào vòng thuộc địa.

Trong hoàn cảnh ấy, ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người chỉ rõ lý do dân tộc ta buộc phải tiến hành chiến tranh:

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!"

Thật là ngắn gọn song cũng vô cùng đầy đủ và minh bạch: chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã phải lùi nhiều bước trong các cuộc đàm phán, thương lượng. Nhưng kẻ thù của chúng ta không muốn thế, chúng liên tục lấn lướt dồn đẩy chúng ta đến chân tường.

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng: Lời hịch hùng tráng, cương mãnh trong giờ phút hiểm nghèo của dân tộc Việt Nam - Ảnh 3.

Liên khu II Hà Nội dựng thanh tà vẹt xây dựng.

Trên thực tế, chúng ta đã nhân nhượng qua hai lần kí kết Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp ngày 6.3.1946 rồi Tạm ước Việt - Pháp ngày 14.9.1946. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sang tận Pháp để hòa đàm, nhưng dã tâm xâm lược của thực dân Pháp là quá lớn.

Trong hoàn cảnh ấy, cần phải có một thái độ rõ ràng, dứt khoát. Đó là:

"Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!"

Hiểu rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Người chỉ rõ đối tượng tham gia kháng chiến- đó là "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc".

Không chỉ vậy, Người còn chỉ ra phương tiện giết giặc: "Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng: Lời hịch hùng tráng, cương mãnh trong giờ phút hiểm nghèo của dân tộc Việt Nam - Ảnh 4.

Chiến đấu trong thành phố Hà Nội, 1947

Đối với những người chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên mặt trận chống quân thù, Người động viên, khích lệ:

"Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước".

Và với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài, Người đã dự đoán được kết quả cuối cùng của cuộc kháng chiến: "Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!".

Thật là không thể ngắn gọn, rõ ràng hơn! Cũng không thể cương quyết, hào sảng hơn!

Hơn cả những hịch văn, chiếu chỉ

Mọi sự so sánh đều khập khiễng song dễ dàng nhận thấy "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch có những điểm khác hẳn "Hịch tướng sĩ" hoặc "Chiếu cần vương".

Về đối tượng kêu gọi, nếu như "Hịch tướng sĩ" nhằm đến các tướng sĩ dưới quyền, "Chiếu cần vương" gửi đến các thần dân thì "Lời kêu gọi..." nhằm đến toàn dân tộc, trong đó có cả Người và Chính phủ do Người lãnh đạo.

Kẻ thù buộc ta ôm cây súng: Lời hịch hùng tráng, cương mãnh trong giờ phút hiểm nghèo của dân tộc Việt Nam - Ảnh 6.

Xe tăng hạng nặng của quân Pháp vây đánh các ổ đề kháng của ta ở khu vực Bắc Bộ Phủ bị tiêu diệt, 12/1946.

Về mục đích cuộc kháng chiến, nếu như "Hịch tướng sĩ" nhắm đến những quyền lợi các tướng sĩ có được, "Chiếu cần vương" cũng hứa hẹn chức tước, bổng lộc thì ở "Lời kêu gọi..." mục đích đó chỉ có một - đó là độc lập dân tộc, là "nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Không chỉ vậy, "Lời kêu gọi..." của Hồ Chủ tịch còn nhắm tới kẻ thù - thực dân Pháp. Người muốn bọn thực dân xâm lược hiểu được quyết tâm của dân tộc Việt Nam, gửi tới chúng lời răn đe mạnh mẽ, quyết không khuất phục dù phải hy sinh tất cả dù "phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng".

Cũng vì vậy nên lời lẽ, văn phong, giọng điệu của "Lời kêu gọi..." hùng tráng, cương mãnh như một lời tuyên chiến chính thức. Thực chất, đó là một "văn bản kép", vừa tuyên chiến cảm tử với kẻ thù (thực dân Pháp), lại vừa động viên, kêu gọi toàn dân đứng lên đánh giặc.

Đối tượng người nghe cuối cùng của Lời kêu gọi, đó là toàn thể cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát ra một thông điệp về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam với toàn thế giới.

Nếu như bản "Tuyên ngôn độc lập" được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" là văn bản kêu gọi toàn dân đứng lên bảo vệ thành quả cách mạng và tuyên chiến với thực dân Pháp.

Hơn tất cả những hịch văn, chiếu chỉ, "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" ngày 19.12.1946 của Hồ Chủ tịch sẽ đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam với tư cách một văn kiện quan trọng bậc nhất quyết định đến vận mệnh quốc gia trong những giờ phút hiểm nghèo nhất và sẽ còn vang mãi trong tâm khảm mọi người dân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại