Kế hoạch OP-32 của CIA và Bộ Tư lệnh Mỹ phá sản

Nguyễn Đăng Song |

Tài liệu được giải mã sau chiến tranh tiết lộ, trong số 240 điệp viên “dài hạn” được tung vào miền Bắc có 8 tên chết khi nhảy dù, 33 tên bị tiêu diệt, 33 tên chết vì bệnh tật, 146 tên bị bắt hoặc mất tích, 17 tên phải tháo lui. Rất nhiều tên bị bắt ngay sau khi xuống đất mà chưa kịp có bất kì hành động nào.

LTS: Trong cuốn "Chiến tranh Việt Nam : được và mất", Nhà sử học Nigel Cawthorne từng nhận định: "Trong khi phía Mỹ không bị tổn thương về mặt thể xác thì sự hủy hoại về mặt tâm lý phải gánh chịu không thể tính toán hết.

Việt Nam là cuộc chiến tranh đầu tiên mà Mỹ thất bại trong việc giành chiến thắng và đã đẩy đất nước Mỹ đến những phân rẽ cay đắng.

Rất nhiều người trong số 2.700.000 lính Mỹ phục vụ ở Việt Nam đã phải gánh chịu những chấn thương tâm lý trong nhiều thập kỷ và nước Mỹ buộc phải chấp nhận một điều rằng dù với tất cả sức mạnh và sự ưu việt về kỹ thuật của mình, họ vẫn không thể đánh bại một đối thủ tuy nhỏ bé nhưng đầy quyết tâm".

Nhân kỷ niệm 44 năm sự kiện lịch sử, chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm ký dài 10 kỳ về cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, với góc nhìn khách quan và nhiều chi tiết lịch sử được xâu chuỗi.

---------

Phần 1: Chú SAM vào cuộc

---------

Phần 2: Kế hoạch OP-32 của CIA và Bộ Tư lệnh Mỹ phá sản

Ngay sau Hiệp định Geneve, theo chỉ đạo của Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ ( CIA) lúc bấy giờ là Alen Dulles, chuyên gia lật đổ Edward Lansdale đã được phái đến Việt Nam đứng đầu Phái bộ quân sự Sài Gòn (SMM) với nhiệm vụ tiến hành các hoạt động bán quân sự ở miền Bắc Việt Nam trước khi Cộng sản nắm quyền.

Một trong những việc làm đầu tiên của ông này, với sự trợ giúp của thiếu tá tình báo Lucien Conein, là tổ chức cài cắm điệp viên bí mật nằm chờ cho đến khi được gọi đến. Vũ khí, điện đài và vàng được cất giấu cẩn thận ở những nơi được cho là cơ quan an ninh Việt Nam chưa biết đến…

Mặt khác, Lansdale xúc tiến tổ chức đưa các điệp viên người Việt Nam đến huấn luyện tại căn cứ của CIA trên đảo Saipan/Philippines (giai đoạn sau là căn cứ Long Thành) để chờ dịp tung ra miền Bắc móc nối với các "chiến hữu" nằm vùng.

Ngày 16/12/1959, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) thông qua Chỉ thị số 5809 về việc đối phó với "tình hình khẩn cấp" ở khu vực châu Á, kêu gọi tăng cường nỗ lực chi viện cho chính phủ Diệm, đồng thời ngăn chặn miền Bắc Việt Nam giành một thắng lợi dễ dàng.

Trên cơ sở Chỉ thị 5809, CIA phối hợp với Bộ Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương đã soạn thảo Kế hoạch 32-59 (OP-32) mà nội dung chủ yếu là tiến hành cuộc chiến gián điệp chống miền Bắc nước ta.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu "phối hợp các hoạt động quân sự và ngoại giao, làm cho ban lãnh đạo Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) tin rằng sự ủng hộ và sự chỉ đạo của họ đối với cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và ở Lào cần phải được xem xét lại và chấm dứt".

Cái mà các tác giả của Kế hoạch tìm kiếm là "sự thay đổi trong những tính toán chính trị của Hà Nội"; ngoài ra, thông qua các hoạt động có phạm vi rộng lớn ở ngay trong lòng miền Bắc và chống lại miền Bắc, Kế hoạch còn trực tiếp trả đũa cho cái gọi là hành động "xâm lược" của Hà Nội đối với miền Nam.

Các toán gián điệp "đánh" ra miền Bắc trước hết có nhiệm vụ thu thập tin tình báo, bước thứ hai chuyển sang phá hoại và quấy rối, sau đó tiến hành chiến tranh tâm lí và cuối cùng, thực hiện tham vọng thiết lập căn cứ cho "các hoạt động kháng chiến của du kích".

Kế hoạch OP-32 của CIA và Bộ Tư lệnh Mỹ phá sản - Ảnh 2.

Alen Dulles.- Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đồng tác giả của Kế hoạch OP-32

Loại 1, hoạt động quấy nhiễu, bao gồm các hoạt động nhỏ mang tính phá hoại; các hoạt động tâm lí mức độ "vừa phải"; các hoạt động thu thập tin tình báo quy mô nhỏ gồm trinh sát chiến thuật của các đơn vị nhỏ để thu thập tin tình báo bằng mắt thường, cung tù binh, tài liệu, các tài liệu công khai; tạo ra sự quấy nhiễu; và tạm thời cắt đứt các tuyến giao thông.

Mục đích của hoạt động loại này là làm cho đối phương ý thức được sự chống đối, gây cho họ sự khó chịu, buộc họ phải tăng cường tình trạng sẵn sàng đồng thời giảm sự đi lại, vận chuyển người và trang thiết bị.

Tuy nhiên, Kế hoạch xác định cố không để đối phương có hành động trả đũa lớn đối với các hoạt động này.

Các hoạt động được vạch trong Kế hoạch sẽ được tiến hành trong điều kiện "dưới mức chiến tranh" và có phối hợp với các hành động chính trị, quân sự khác. Các hoạt động bao gồm những hành động "có chọn lọc" và chia làm 4 loại.

Loại 2, các hoạt động tiêu hao, bao gồm các hoạt động chống phá quy mô nhỏ, các cuộc oanh kích vào các cơ sở quân sự và dân sự, chú trọng các mục tiêu quan trọng.

Mục tiêu của các hoạt động này là đặt ra mối đe dọa rõ ràng đối với các cơ sở vật chất, các lực lượng an ninh, tạo áp lực đối với ban lãnh đạo VNDCCH. Phản ứng dự kiến từ phía đối phương là các hành động trả đũa ở miền Nam và yêu cầu viện trợ từ các đồng minh.

Loại 3, các hoạt động trừng phạt, bao gồm các hoạt động phá hoại vật chất nhằm gây thiệt hại và/hoặc phá hủy các phương tiện, các cơ sở thiết yếu đối với nền kinh tế, phát triển công nghiệp và an ninh của VNDCCH.

Đó sẽ là các cuộc tập kích của các lực lượng cỡ đại đội, tiểu đoàn, cố duy trì càng bí mật càng tốt, còn nếu trong trường hợp bị lộ, sẽ tạo (cho đối phương) cảm giác là do các đơn vị thuộc chính quyền bù nhìn VNCH thực hiện.

Các toán biệt kích sẽ đặt mìn phá hoại các cây cầu, bến phà, đường bộ; tập kích các trạm gác tại các cửa sông; phá hoại các tuyến đường xe lửa theo cả 2 phương thức: hoạt động lâu dài và tiến công kiểu "đánh và chạy".

Loại 4, tiến công đường không, tức tiến hành các cuộc oanh kích phối hợp cường độ thấp nhằm vào các mục tiêu như các kho xăng dầu, các nhà máy nhiệt điện, nhà máy gang thép.. Mất những cơ sở này sẽ gây tác động què quặt đến khả năng duy trì một nền kinh tế ổn định, phát triển công nghiệp của VNDCCH.

Dự kiến, phản ứng của VNDCCH phụ thuộc vào sự sẵn sàng của họ chấp nhận những thiệt hại để tiếp tục cuộc chiến tranh ở miền Nam.

Trong thực tế, rất nhiều nội dung của cả 4 loại hình hoạt động nêu trên chỉ nằm trên giấy mà không thực hiện được.

Kế hoạch còn dự kiến tiến hành các hành động gây sức ép chính trị (chẳng hạn thông qua Liên Hợp quốc) buộc các nhà lãnh đạo VNDCCH phải chấm dứt sự chỉ đạo và "xâm lược" miền Nam Việt Nam và ở Lào, nếu không sẽ có những hành động trả đũa gây thiệt hại nhiều hơn cho miền Bắc.

Việc thu thập tin tức tình báo được tiến hành thông qua: chụp ảnh từ trên không, trinh sát bờ biển đối với các mục tiêu dự kiến; các hoạt động tình báo thông tin/tình báo liên lạc (COMINT/ELINT) và tình báo chiến thuật.

Các hoạt động tâm lí chiến sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có (tờ rơi, VTĐ, thư tín...) để đạt được sự quấy nhiễu, chia rẽ tối đa và tạo ra sự chống đối bên trong VNDCCH.

Các nguồn lực dự kiến được sử dụng là: tàu tuần tiễu cao tốc đặt mua của Na Uy, máy bay vận tải C-123 có lắp các thiết bị tác chiến điện tử, các phân đội chiến tranh tâm lí được tăng cường lực lượng và phương tiện, các phương tiện đi biển, các phương tiện vô tuyến, các phi hành đoàn của đồng minh (Đài Loan) được huấn luyện kĩ càng...

"Nguồn lực" quan trọng nhất là hàng chục vạn người "tị nạn" di cư từ miền Bắc, trong đó có thể lựa chọn hàng nghìn "tình nguyện viên" để huấn luyện các hoạt động đặc biệt.

Phần lớn ứng viên là đảng viên đảng Đại Việt, một số thuộc Việt Nam Quốc dân đảng, chủ yếu là những người dân tộc thiểu số.

Các toán gián điệp được đào tạo tại trại Long Thành thường gồm: các toán kết hợp, là toán có thành viên là người thuộc trên 2 nhóm dân tộc; các toán kép, gồm người Kinh và một nhóm dân tộc khác. Có một số toán kép gồm người Thổ – Nùng hoặc Nùng – Mường.

Thực hiện Kế hoạch, chỉ trong các năm 1961-1967, CIA đã tung ra miền Bắc 52 toán gián điệp gồm 240 tên, bằng cả đường bộ, đường biển và đường không (chủ yếu là bằng đường không).

Trừ tên gián điệp đầu tiên, bí danh Ares (đổ bộ tháng 2/1961 vào bờ biển Quảng Ninh) và tên gián điệp Goldfish (xâm nhập ngày 13/9/1967), hoạt động đơn tuyến, các toán còn lại thường gồm khoảng 4-5 tên.

Kế hoạch OP-32 của CIA và Bộ Tư lệnh Mỹ phá sản - Ảnh 4.

Nhóm gián điệp - biệt kích chính quyền Sài Gòn trong thời kỳ huấn luyện


Cá biệt có những toán đông hơn, như toán Buffalo đột nhập ngày 19/6/1964, có 10 tên; toán Romeo được thả bằng trực thăng ngày 19/11/1965, gồm 10 tên; toán Hector được thả bằng trực thăng ngày 22/6/1966, gồm 15 tên; toán Hadleyvà toán Nansen thả đầu năm 1967, mỗi toán gồm 17 tên…

Thời kì đầu, các phi vụ thả gián điệp do các phi công Đài Loan thực hiện. Thời kì sau, CIA bố trí để Hãng Hàng không Trung Hoa (CAT/Đài Bắc) thành lập tại Sài Gòn một chi nhánh lấy tên là Cục Vận tải đường không Việt Nam (VIAT), làm bình phong để huấn luyện phi công không lực VNCH tiến hành các phi vụ ra miền Bắc.

Tài liệu được giải mã sau chiến tranh tiết lộ, trong số 240 điệp viên "dài hạn" được tung vào miền Bắc có 8 tên chết khi nhảy dù, 33 tên bị lực lượng an ninh VNDCCH tiêu diệt, 33 tên chết vì bệnh tật, 146 tên bị bắt hoặc mất tích, 17 tên phải tháo lui.

Rất nhiều tên bị bắt ngay sau khi xuống đất mà chưa kịp có bất kì hành động nào. Một số tên bị đối phương sử dụng làm điệp viên hai mang. Bất chấp những nỗ lực "tẩy não" trong trại huấn luyện, đại đa số điệp viên bị bắt đều khai báo.

Theo William Colby (năm 1962 là Phân cục trưởng CIA tại Sài Gòn, trong các năm 1973-1976 là Giám đốc CIA), "Bắc Việt Nam không phải là nước Pháp kháng chiến", và Kế hoạch OP-32 đã thất bại thảm hại.

"Điệp viên được đánh vào bằng nhiều đường (không, bộ, biển), theo toán hay đơn tuyến, song kết quả gần giống nhau: bị đánh trở lại, bị xóa sổ, không có liên lạc, mất liên lạc, bị bắt, hoặc "hoạt động" dưới sự kiểm soát của đối phương".

William Colby cũng đổ lỗi cho thất bại của Kế hoạch OP-32 ở các nguyên nhân: Thứ nhất, CIA không phải là người tuyển mộ và kiểm tra các điệp viên được lựa chọn tham gia các toán xâm nhập.

Đồng nghiệp Việt Nam cộng hòa của họ phụ trách việc lựa chọn điệp viên trong số những người miền Bắc di cư lúc bấy giờ đang sống ở miền Nam. Thứ hai, các toán được cài cắm nằm rải rác trên khắp miền Bắc và không ai chú ý tập trung vào một địa điểm nhất định rồi mới tản ra.

Kiểu cài cắm này, được Colby đặt tên là "thả tù mù" (blind drop), làm các điệp viên không có manh mối để hoạt động; không có ai để điệp viên bắt liên lạc và để bắt đầu một "phong trào kháng chiến".

Thứ ba, các toán gián điệp hoạt động phụ thuộc vào tiếp tế đường không, mà CIA thì có rất ít máy bay. Thứ tư, các toán không được trợ giúp nhiều về mặt giấy tờ giả để sống và hoạt động ở một xứ sở "được kiểm soát rất tốt về an ninh".

Kế hoạch OP-32 của CIA và Bộ Tư lệnh Mỹ phá sản - Ảnh 6.

Chuẩn bị kế hoạch giăng bẫy bắt gián điệp - biệt kích Mỹ - VNCH.


Còn W.Hassard, người phó của Colby tại Sài Gòn, nêu lên 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đổ vỡ của OP-32 và các điệp vụ tương tự của CIA chống miền Bắc Việt Nam:

1.Sự thiếu thống nhất, nhanh nhậy trong chỉ đạo hoạt động. Điệp viên có nhiệm vụ gì sau khi được "đánh" hoặc cài cắm, nhiều khi không rõ. Nhiệm vụ của các toán gián điệp thường xuyên bị xem xét lại. Washington thường lo nhiều về chiều sâu của hoạt động hơn là lo đến cách thức hoạt động của điệp viên.

2. Thiếu chuyên gia giỏi. Trong lí luận cũng như trong giáo trình ở trường huấn luyện không có một khoa mục chuyên về loại điệp vụ này. Nhân viên CIA thiếu hiểu biết về đối phương và về Bắc Việt Nam.

3. Khiếm khuyết trong tuyển chọn, xây dựng động cơ và huấn luyện điệp viên. "Các điệp viên có trong danh sách bảng lương, nhưng lại tỏ ra không hăng hái khi được giao nhiệm vụ. Họ không hề bộc lộ chút nào lòng yêu nước đối với VNCH".

4. Tài nghệ của Hà Nội trong tiến hành cuộc chiến phản tình báo mang cả tính tiến công và tính phòng thủ.

Hà Nội tỏ ra rất biết cách: Đặt ưu tiên hàng đầu cho nhận dạng, truy tìm, phát hiện, bắt giữ, vô hiệu hóa các toán gián điệp, biệt kích và lôi kéo chúng hoạt động cho mình. Đồng thời, dành những nguồn lực đáng kể cho các nhiệm vụ an ninh nội bộ và phản tình báo.

Điều này được phản ánh rõ qua quy mô, công tác huấn luyện và chế độ chuyên nghiệp hóa của bộ máy an ninh, tình báo. Và hơn nữa là nâng lên tầm nghệ thuật việc vạch ý đồ đối phương cũng như đánh lừa, nghi binh.

Ở chi tiết cuối này, Hassard (và cả Colby) đã thừa nhận một thực tế quyết định số phận các toán điệp viên được "đánh" ra miền Bắc cũng như số phận của Kế hoạch OP-32 nói chúng, đó là tinh thần cảnh giác của người dân và trình độ nghiệp vụ của lực lượng an ninh ta.

"Tình báo Việt cộng đã nắm được nội dung OP-32 ngay từ khi kế hoạch này còn manh nha", tiếp đó, đại đa số các điệp vụ đều bị phát hiện sớm.

Không lạ gì khi nhiều tên gián điệp đã tiếp đất trong một cái lưới đã bủa sẵn. Phía VNDCCH đã triển khai một cuộc chiến quy mô, bài bản chống sự xâm nhập của các toán gián điệp và vô hiệu hóa chúng. Trong khi người dân thực hiện "ba không", thì Chính quyền thực hiện một loạt các biện pháp khẩn cấp.

Tháng 1/1960 đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát các tuyến biên giới trên bộ, trên biển, các tuyến đường quan trọng. Lực lượng biên phòng thực hiện thống nhất quy định hàng ngày, hàng tuần báo cáo mọi hoạt động khả nghi dọc biên giới về cơ quan tham mưu.

Họ được quyền sử dụng các thiết bị vô tuyến điện để đảm bảo tính thời gian. Các bức điện được "ngụy trang, nghi binh" nhằm cản trở khả năng nghe trộm cũng như khả năng giải mã của tình báo Mỹ và ngụy Sài Gòn.

Hệ thống mật mã T-90 được đưa vào sử dụng thay cho hệ thống mật mã cũ DB-2. Là một dạng cải tiến của mật mã KTB-4 và không phổ biến rộng rãi trong suốt 7 năm, hệ thống T-90 có độ an toàn gấp đôi so với DB-2, được xem là chìa khóa khiến miền Bắc đối phó thành công với các toán điệp viên của CIA.

OP-32 chỉ là một trong nhiều kế hoạch tình báo mà CIA cùng chính quyền ngụy Sài Gòn tiến hành trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các kế hoạch đó, dù là OP-34, OP-37 hay Phượng Hoàng… đều bị thất bại thảm hại, hệt như kết cục chung của cả cuộc chiến tội lỗi ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại