JF-17 Pakistan không có cửa thắng Su-30MKI Ấn Độ, kể cả khi có tên lửa PL-15 tầm siêu xa

Nam Đồng |

Trên các trang quân sự Pakistan vừa xuất hiện hình ảnh tiêm kích hạng nhẹ JF-17 của nước này mang tên lửa không đối không tầm siêu xa PL-15 dưới cánh.

PL-15 là tên lửa không đối không tầm siêu xa thế hệ mới nhất do Trung Quốc nghiên cứu phát triển với mục đích thay thế loại PL-12 vốn còn tồn tại khá nhiều hạn chế và có tầm bắn chưa thực sự đạt yêu cầu (100 km).

Theo những thông tin ban đầu, tên lửa PL-15 được áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như tích hợp đầu dò radar chủ động (AESA) và trang bị động cơ nhiên liệu rắn với khả năng thay đổi vector hướng phụt cho khả năng siêu cơ động ở vận tốc Mach 4, khiến tiêm kích đối phương rất khó lẩn tránh.

Tầm bắn của tên lửa PL-15 hiện vẫn chưa được công bố rõ ràng, tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng nó có thể vươn tới cự ly 400 km, tức là vượt trội mọi loại tên lửa không đối không tiên tiến nhất hiện nay. PL-15 là sự tổng hòa các ưu điểm giữa R-37 của Nga với Meteor của châu Âu và có thể xem như vũ khí quan trọng của chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (A2/AD).

JF-17 Pakistan không có cửa thắng Su-30MKI Ấn Độ, kể cả khi có tên lửa PL-15 tầm siêu xa - Ảnh 1.

Tiêm kích JF-17 Thunder của Không quân Pakistan đã được nhìn thấy mang tên lửa PL-15 dưới cánh

Các nguồn tin từ báo chí Trung Quốc từng cho biết nước này đã chuyển giao cho Pakistan khoảng 100 quả tên lửa PL-15, tuy nhiên phải đến bây giờ hình ảnh đầu tiên của vũ khí này mới chính thức xuất hiện.

Với tên lửa không đối không PL-15, giờ đây tiêm kích JF-17 Thunder của Không quân Pakistan (PAF) được cho là đã có khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn tương đương với Su-30MKI của Không quân Ấn Độ (IAF), khiến kế hoạch tăng cường các phi đội MiG-29UPG và Su-30MKI lên sát đường phân giới LoC nhằm chiếm ưu thể áp đảo của New Delhi bị phá sản từ sớm.

Hiện nay chưa rõ phiên bản tên lửa PL-15 dành cho xuất khẩu sẽ có tầm bắn bao xa, nhưng kể cả khi bị cắt giảm cự ly xuống còn khoảng 200 km thì nó vẫn vượt trội R-77 đời đầu (90 km) hay thậm chí là R-77M1 (175 km) có trong biên chế IAF.

JF-17 Pakistan không có cửa thắng Su-30MKI Ấn Độ, kể cả khi có tên lửa PL-15 tầm siêu xa - Ảnh 2.

Tên lửa không đối không tầm xa PL-15 được treo dưới cánh tiêm kích J-10 cùng với tên lửa tầm ngắn PL-10

Tuy nhiên theo nhiều nhận định từ giới quan sát, nếu chỉ trông đợi duy nhất vào tên lửa PL-15 thì tiêm kích JF-17 Thunder của PAF vẫn khó có cửa chiến thắng Su-30MKI trong không chiến ngoài tầm nhìn.

Yêu cầu đối với tên lửa tầm siêu xa nếu muốn nó phát huy đầy đủ tính năng tác dụng đó là phải được triển khai từ tiêm kích có radar đủ mạnh. Lý do là bởi sau giai đoạn đầu bay theo quán tính thì đạn vẫn cần máy bay mẹ dẫn bắn pha giữa, trong đó liên tục cập nhật tham số mục tiêu để đưa nó tới vị trí tiếp cận tối ưu.

Mặc dù PL-15 được lắp đầu dò radar chủ động nhưng đây là loại công suất rất nhỏ, có góc nhìn và phạm vi hoạt động thua xa radar trên máy bay phóng, bởi vậy khó lòng tác chiến độc lập một cách chính xác kể cả khi tích hợp khả năng khóa mục tiêu sau khi phóng.

Trong khi đó tiêm kích JF-17 Thunder Block 2 của PAF vẫn chỉ được lắp đặt radar KLJ-7 có tầm trinh sát tối đa 75 km, cự ly dẫn bắn hiệu quả chắc chắn còn nhỏ hơn nhiều, bởi vậy nó không thể tận dụng hết ưu thế về tầm bắn của tên lửa PL-15.

Ở chiều ngược lại, Su-30MKI của Ấn Độ với radar N011M BARS công suất cao, tầm hoạt động lớn nhất 400 km vẫn đủ khả năng giúp nó nhìn thấy tiêm kích JF-17 Thunder từ xa để tung đòn tấn công trước nhằm vô hiệu hóa tên lửa PL-15.

Tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 mang tên lửa không đối không tầm siêu xa trong khoang bụng bay biểu diễn tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại