Tiêm kích tàng hình Sukhoi Su-57 là một trong những sản phẩm quốc phòng Nga thu hút được nhiều sự chú ý nhất của truyền thông quốc tế trong suốt thời gian qua, nó được coi là đối trọng của chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất trên thị trường vũ khí thế giới.
Mặc dù nhiều quốc gia quan tâm và mong muốn đặt mua nhưng đáng tiếc rằng điều này khó mà thành hiện thực trong tương lai gần, lý do chính liên quan tới tiến độ hoàn thiện chiếc Su-57, khi mà hiện nay nó mới chỉ được lắp ráp rất "nhỏ giọt" để hiệu chỉnh tính năng.
Chuyên gia quân sự Nga, Đại tá Makar Aksenenko thậm chí còn khuyên rằng khách hàng không thể xem xét khả năng đưa vào biên chế một máy bay chưa được bắt đầu sản xuất hàng loạt với số lượng lớn tại chính quốc gia phát triển nó, và không nên nhầm lẫn giữa ước mơ với hiện thực.
Ngoài ra cũng cần lưu ý tới việc trong cuộc họp báo tại Triển lãm hàng không Paris Airshow 2017, Tổng giám đốc Rosoboronexport, ông Aleksandr Mikheev đã nói rằng "Trong tương lai gần, Nga sẽ không xuất khẩu những vũ khí hiện đại nhất, trong đó có tiêm kích thế hệ 5 Su-57".
Không quân Singapore đã chính thức đặt mua F-35, đưa họ thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên sở hữu tiêm kích thế hệ 5
Tuy nhiên một diễn biến rất có thể sẽ làm đảo lộn suy tính ban đầu của Nga với Su-57, khi mới đây Bộ Quốc phòng Singapore đã công bố kế hoạch đặt mua tới 12 tiêm kích tàng hình F-35, trong giai đoạn đầu họ sẽ nhận trước 4 chiếc để tiến hành các bài đánh giá một cách chi tiết hơn.
Việc Không quân Singapore chính thức vận hành chiến đấu cơ thế hệ 5 có thể thúc đẩy một số quốc gia Đông Nam Á có tiềm lực tài chính khá hùng hậu như Malaysia hay Indonesia sẽ sớm cân nhắc khả năng mua Su-57.
Được biết những quốc gia trên đã có thời gian quan sát chiếc Su-57 khá lâu, ý định đặt mua của họ có thể xem là nghiêm túc, đặc biệt khi Nga cho rằng máy bay của mình vượt trội F-35 và không hề thua kém chiếc F-22 vốn không được Mỹ xuất khẩu kể cả cho những đồng minh thân thiết nhất.
Tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ được Nga xuất khẩu khi chưa thực sự hoàn thiện?
Hiện nay vấn đề còn tồn tại lớn nhất của chiếc Su-57 chính là động cơ chuẩn thế hệ 5 Izdeliye 30 chưa sẵn sàng, máy bay vẫn phải dùng tạm loại AL-41F1S vốn lắp cho tiêm kích thế hệ 4 Su-35S, khiến nó chưa thể bay hành trình ở tốc độ siêu âm cũng như che giấu tín hiệu hồng ngoại.
Nhưng theo các chuyên gia quân sự Nga thì vấn đề này không ảnh hưởng nhiều lắm đến năng lực tác chiến của Su-57, bởi với hệ thống điện tử hàng không và cảm biến tinh vi thì nó vẫn dễ dàng vượt qua F-35 trong không chiến tầm xa, đây có lẽ là điều mà khách hàng cảm thấy chấp nhận được.
Bên cạnh đó, nếu mua Su-57 trong giai đoạn đầu với động cơ AL-41F1S thì đối tác vẫn có thể lựa chọn nâng cấp lên Izdeliye 30 khi sản phẩm này sẵn sàng, việc hoán đổi động cơ cho máy bay theo đánh giá cũng không quá phức tạp khi chỉ cần cài đặt lại gói phần mềm điều khiển.
Viễn cảnh đang được nhắc tới chính là Nga sẽ tiến hành chào bán "lúa non" tiêm kích tàng hình Su-57 tới khu vực Đông Nam Á nhằm giữ thị phần trước áp lực cực lớn của F-35, bởi nếu chậm trễ họ có nguy cơ không giành được chỗ đứng trong tương lai.
Khó khăn lớn nhất của Nga lúc đó có lẽ chỉ là thuyết phục đối tác hãy mạnh dạn đặt mua Su-57 phiên bản chưa hoàn thiện mà thôi. Trong trường hợp khách hàng cảm thấy không thể bị tụt hậu lâu hơn nữa so với láng giềng thì khả năng cao Moscow sẽ thành công.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen giải trình về kế hoạch mua tiêm kích tàng hình F-35