Máy bay chiến đấu tấn công điện tử EA-18G Growler của Hải quân Mỹ là một trong số ít các loại máy bay quân sự dành riêng cho nhiệm vụ gây nhiễu và có khả năng phá hủy các radar dẫn đường cho tên lửa đất đối không. Nhiệm vụ này được gọi là chế áp phòng không đối phương (SEAD).
Về cơ bản, nếu một lực lượng không quân hiện đại muốn tấn công kẻ thù có hệ thống phòng thủ phòng không đáng kể, họ cần có phương tiện SEAD hiệu quả.
Growler có nguồn gốc từ máy bay chiến đấu F-18 Super Hornet nhưng nhanh hơn, cơ động hơn và được trang bị vũ khí mạnh hơn so với các nền tảng gây nhiễu trên không trước đó dựa trên các máy bay vận tải và cường kích.
Điều này cho phép EA-18G Growler hỗ trợ hỏa lực cho các nhiệm vụ tấn công, bắt kịp các máy bay chiến đấu mà nó đang hộ tống và có khả năng tiếp cận gần hơn các tuyến phòng không thù địch.
Các kỹ sư hàng không Trung Quốc dường như đã tạo ra một phiên bản Growler của riêng họ.
Chiếc máy bay này một biến thể của tiêm kích J-16 hai chỗ ngồi. Mà J-16 lại là bản sao Trung Quốc của tiêm kích Su-30MKK do Nga chế tạo.
J-16 được nói là gần tương đương với F-15E của Mỹ, cải tiến so với bản gốc của Nga với hệ thống điện tử hàng không mới bao gồm radar mảng quét điện tử chủ động (AESA).
Trong khi Trung Quốc gặp vấn đề lớn trong việc phát triển động cơ phản lực hiệu suất, họ thành công hơn trong việc sản xuất các thiết bị điện tử tiên tiến, có lẽ là do sự giao thoa với lĩnh vực điện tử dân sự, theo nhận định của National Interest.
Biến thể J-16D (D xuất phát từ tiếng Trung có nghĩa là “dianzi” hay điện tử) có chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12/2015. J-16D đã loại bỏ pháo 30 mm và cảm biến hồng ngoại; đây không phải là một chiếc máy bay chế tạo cho nhiệm vụ không chiến tầm ngắn.
Thay vào đó, nó có một số ăng-ten mới và các thiết bị tác chiến điện tử đặt dọc thân máy bay. Hệ thống radar ở mũi được định hình lại, có thể để phù hợp với radar AESA tiên tiến hơn.
Quan trọng nhất, các giá treo vũ khí tác chiến điện tử mới được gắn trên các đầu cánh tương tự EA-18G Growler. Đây là những cảm biến điện từ có thể phân tích tần số radar và giúp xác định vị trí của các thiết bị truyền radar. Dữ liệu có thể rất hữu ích cho cả việc gây nhiễu radar lẫn nhắm mục tiêu phá hủy chúng.
National Interest kết luận: đó là tất cả những gì chúng ta biết về chiếc J-16D cho đến hiện tại. Quân đội Trung Quốc không có thói quen thông tin chi tiết về những chiếc chiến đấu cơ mới nhất của họ.