Theo Tư lệnh Không quân Italy Alberto Rosso, kết quả này phản ánh trình độ của lực lượng không quân Italy, sau một thời gian ngắn huấn luyện, đã làm chủ được tiêm kích F-35 trong điều kiện nhiệm vụ thực tế của lực lượng này.
Chương trình IOC kiểm tra khả năng ban đầu trong hoạt động tác chiến và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật của một phi đội thực hiện nhiệm vụ. Như vậy, F-35A là phiên bản đầu tiên của dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 được đưa vào sử dụng chính thức trong Không quân Italy.
Hiện tại, Italy đã tiếp nhận 10 chiếc F-35A và 1 chiếc F-35B. Trong đó, 2 chiếc F-35A và chiếc F-35B đang ở căn cứ hải quân Mỹ ở Maryland để huấn luyện phi công; số còn lại được đưa về Căn cứ Không quân Amendola ở tỉnh Foggia, miền nam Italy.
Số lượng F-35 này sẽ dần thay thế hoàn toàn 253 máy bay chiến đấu Panavia Tornado, AMX và AV-8B Harrier đã lỗi thời của quân đội Italy.Năm 2012, Italy đã giảm lượng đặt hàng máy bay F-35 từ 135 xuống còn 90 chiếc vì lí do khủng hoảng nợ công. Trong đó, lực lượng không quân sẽ mua 60 chiếc F-35A và 15 chiếc F-35B, trong khi hải quân mua 15 chiếc F-35B.
Thậm chí tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Elisabetta Trenta cho biết nước này sẽ không đặt hàng thêm F-35, đồng thời có thể xem xét lại hợp đồng mua 90 chiếc đã được ký kết bởi dòng máy bay này đã bị đội giá cho dù Italy có cơ sở lắp ráp F-35 duy nhất bên ngoài nước Mỹ, cũng như còn một số lỗi kỹ thuật chưa khắc phục được.
Gần đây, chính quyền Rome còn quyết định kéo dài thời gian đặt mua F-35 để dành ngân sách cho các hoạt động phúc lợi xã hội và bù đắp chính sách cắt giảm thuế, đồng thời sắp xếp lại ngân sách quốc phòng cho chương trình trang bị F-35 trong thời gian tới.