Theo TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: Muối rất quan trọng đối với cơ thể con người. Trong muối có Natri - là một trong hai nguyên tố chính cấu thành nên muối, đóng vai trò quan trọng điều chỉnh, duy trì cân bằng dịch thể, hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng, bảo đảm chức năng bình thường của tế bào.
Ăn nhiều muối lại là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến mắc các bệnh không lây nhiễm
Ăn nhiều muối - con đường ngắn nhất đến nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng tiết lộ: Ăn nhiều muối lại là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp , tai biến mạch máu não , nhồi máu cơ tim... thậm chí còn làm tăng nguy cơ suy thận, loãng xương và ung thư tiêu hóa, ví dụ như ung thư dạ dày.
Theo một số báo cáo gần đây, ở nước ta hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp, cứ trong 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu là tử vong do tai biến mạch máu não. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch có liên quan đến ăn nhiều muối.
Thói quen thích chấm mạnh tay
Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối/ngày để phòng chống bệnh tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.
Trong khi đó, theo kết quả điều tra toàn quốc gần đây nhất, trung bình một người trưởng thành ở Việt Nam đang tiêu thụ 9,4g muối/ngày - mức cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO).
70% lượng muối ăn vào hằng ngày của người Việt là từ muối, gia vị thêm vào trong khi nấu ăn, hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn. Tuy nhiên, nhiều người không biết mình đang trong tình trạng ăn quá nhiều muối. Đặc biệt, là khi được hỏi bản thân có ăn mặn hay không thì chỉ có khoảng 16% số người được hỏi cho rằng mình ăn mặn.
Kết quả này cũng cho thấy, có đến 89,2% số người Việt nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chuẩn bị chế biến.
70% thường xuyên trộn, chấm mắm, muối, bột ngọt, nước tương, mì chính và các gia vị có muối khác vào thức ăn trong khi ăn; 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như: dưa, cà muối, mì ăn liền, lạc rang, thịt muối và các loại thịt chế biến khác như xúc xích, giò, chả...
Trong khi đó, một gói mì ăn liền trung bình chứa 4,2 g muối, tương ứng 5-7g muối trong mỗi 100g sản phẩm, trong 100g xúc xích cũng có 1,5-2,3 g muối.
Giảm muối trong bữa ăn, bằng cách nào?
Để giảm muối trong khẩu phần ăn, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người dân, đặc biệt là những người nội trợ, đầu bếp tại gia đình hay nhà hàng ăn uống, hãy “Cho bớt muối khi nấu ăn - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn”. Mỗi hành động nhỏ tạo thói quen sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo tăng cường sử dụng các thực phẩm tươi và hãy hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: Mỳ ăn liền, rau củ muối, bim bim, giò, chả… Cùng đó, tăng cường ăn các món luộc thay cho các món kho, rim hay rang. Hãy đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm khi trước khi mua.
Đối với trẻ em, cha mẹ nên rèn cho con thói quen giảm ăn muối ngay từ nhỏ. Còn với người có thói quen ăn nhiều muối, nên tuân thủ nguyên tắc giảm muối dần dần trong các bữa ăn hàng ngày.