Vào ngày cuối cùng của năm 2016, tiến sĩ Sandra Lee, hay còn biết đến với danh hiệu "Nữ hoàng nặn mụn" đã đăng tải một video ghi lại cảnh xử lý u nang trên đầu một nữ bệnh nhân.
Chỉ vài ngày sau, "cục màu vàng" lăn ra từ vết mổ trên đầu bệnh nhân xuống sàn nhà đã thu hút hơn 500.000 lượt xem.
"Cục mụn này chính là một loại u nang Pilar hay còn gọi là u nang trichilemmal, 90% xuất hiện trên da đầu của người bệnh. Tuy nhiên, điều may mắn là những loại u nang này thường lành tính và chúng ta loại bỏ chỉ vì lý do thẩm mỹ", tiến sĩ Lee cho biết.
U nang Pilar thường mọc quanh nang lông trên da đầu. Nó được hình thành bởi các tế bào nằm ở lớp da trên cùng, vốn sản xuất keratin, protein nuôi dưỡng da.
Thông thường, các tế bào này di chuyển trên bề mặt da. Khi chết, chúng sẽ rơi rụng xuống. Nhưng đôi khi, tế bào này di chuyển sâu hơn vào da, tạo thành một "cái túi"chứa đầy chất lỏng.
Tại đó, chúng tiết ra keratin và dần dần hình thành một lớp dày màu vàng nhạt. Đó chính là mủ. Không giống như các loại u nang khác, u nang Pilar thường vô hại. Chúng thường xuất hiện ở những người ở độ tuổi trung niên, ở phụ nữ nhiều hơn là nam giới.
"U nang xuất hiện trên đầu thường không mấy phổ biến và có xu hướng theo gen di truyền, tức là trong gia đình có người bị thì bạn cũng có nguy cơ sở hữu khối u trên đầu", tiến sĩ Lee nói.
Đoạn video này còn nhận được rất nhiều lời bình luận của người xem.
Có người viết rằng: "U nang lăn ra khỏi đầu rồi rơi vào thùng rác, thật không thể tin nổi". Có người thì cảm ơn tiến sĩ Lee: "Hôm nay tôi vừa bị mất chiếc xe ô tô gắn bó 11 năm với mình nhưng vẫn cười được khi xem đoạn video này".
Video nặn u nang trên đầu.
Tiến sĩ Sandra Lee, hay còn được biết với cái tên là "bác sĩ nặn mụn", là một bác sĩ da liễu ở California, Mỹ. Cô đã sỡ hữu bằng chứng nhận bác sĩ da liễu cách đây 10 năm.
2 năm trở lại đây, Sandra Lee đã trở nên nổi tiếng trên Youtube, Instagram và các trang xã hội nhờ vào những đoạn video nặn mụn do chính cô đăng tải.
Cô thường xuyên chia sẻ những video ghi lại cảnh nặn những chiếc mụn khổng lồ hiếm gặp cho bệnh nhân và có gần 1 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội Youtube.
Hiện "Kênh nặn mụn" của Tiến sĩ Sandra Lee đã có hơn 300.000 người theo dõi trên Instagram cùng 200.000 người đăng kí trên kênh Youtube. Tính đến thời điểm này, có hơn 60 triệu lượt xem các đoạn video của cô.