Israel liệu có tuyên chiến với Iran và Hamas vào năm 2022?

Ngọc Thạch |

Tel Aviv tuyên bố sẽ không chấp nhận kích hoạt lại thỏa thuận hạt nhân và yêu cầu Washington áp dụng một lựa chọn quân sự chống lại Tehran hoặc nước này có thể phải đơn phương hành động quân sự chống lại dự án hạt nhân của Iran, ngay cả khi Mỹ phản đối điều đó.

Căng thẳng giữa Iran và Israel được dự báo sẽ leo thang trong năm 2022. Nguồn: alkhanade

Căng thẳng giữa Iran và Israel được dự báo sẽ leo thang trong năm 2022. Nguồn: alkhanade

Israel sẽ bước vào năm 2022 với những thách thức bên trong và bên ngoài cùng những diễn biến khó dự đoán.

Đáng chú ý nhất là lời đe dọa phương án quân sự đơn phương nhằm ngăn chặn dự án hạt nhân của Iran, cũng như khả năng Tel Aviv đụng độ với chính quyền của Tổng thống Joe Biden về đàm phán với Palestine và Iran, những khó khăn trong việc mở rộng các thỏa thuận hòa bình và hợp tác với các nước Arab khác.

Những thách thức này khiến cho liên minh cầm quyền hiện tại do Thủ tướng Naftali Bennett đứng đầu sẽ phải đối mặt với việc duy trì quyền lực, sự leo thang chưa từng có của sự chia rẽ chính trị và xã hội bên trong Israel.

Israel đã thất bại trong việc thuyết phục Mỹ, dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden từ chối đàm phán với Iran để quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Tel Aviv tuyên bố sẽ không chấp nhận kích hoạt lại thỏa thuận hạt nhân và yêu cầu Washington áp dụng một lựa chọn quân sự chống lại Tehran hoặc nước này có thể phải đơn phương hành động quân sự chống lại dự án hạt nhân của Iran ngay cả khi Mỹ phản đối điều đó.

Tuy nhiên, có những nghi ngờ về khả năng Israel tiến hành một cuộc tấn công quân sự đơn phương chống lại Iran.

Trước hết, Israel khó có thể phá hủy tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran, vốn được phân bố ở các địa điểm tách biệt rộng rãi và được bảo vệ nghiêm ngặt.

Thứ hai, nếu Israel có thể chọn một địa điểm hoặc cơ sở hạt nhân duy nhất của Iran để tấn công và làm chậm quá trình làm giàu uranium trong vài năm tới, chắc chắn Iran sẽ tấn công tên lửa hoặc không kích đáp trả Israel.

Xung đột sẽ leo thang thành một cuộc chiến quy mô lớn và Tel Aviv ​​sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công tên lửa dữ dội từ nhiều phía trong lãnh thổ Iran cũng như đồng minh Iran ở Lebanon, Iraq, Syria và Yemen.

Đó là một kịch bản mà Israel không thể đối đầu một mình và cũng không mong muốn.

Thứ ba, bất chấp những lời đe dọa của Israel, Iran cho rằng đây là cuộc chiến tranh tâm lý mà Israel đang tiến hành không chỉ chống lại Iran, mà còn chống lại Mỹ cùng 5 nước ký kết khác trong thỏa thuận năm 2015.

Bên cạnh vấn đề Iran, Israel cũng chịu sức ép về đàm phán hòa bình với Palestine. Bất chấp những lời hứa của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng ông sẽ tìm cách vực dậy các cuộc đàm phán Palestine - Israel đã bị đình trệ trong nhiều năm qua, chính quyền của Thủ tướng Naftali Bennett đã từ chối một cách rõ ràng và công khai về giải pháp hai nhà nước.

Vấn đề lớn nhất ở đây nằm ở khả năng của Israel trong việc khai thác "lá bài an ninh" để loại bỏ áp lực của Mỹ đối với họ, vì lá bài này đã trở nên phụ thuộc vào mối quan hệ vô hình giữa hồ sơ Iran, vấn đề Palestine và việc Tel Aviv cố gắng thuyết phục Washington không thể tạo ra một cú đúp nguy hiểm cho an ninh của họ.

Nói một cách thẳng thắn hơn, nếu các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) thất bại, Israel sẽ lấy cớ Mỹ thất bại trong việc buộc Iran phải từ bỏ tham vọng hạt nhân để biện minh rằng họ không sẵn sàng để tiếp xúc với một mối nguy hiểm khác bằng cách nhượng bộ người Palestine.

Bên cạnh đó, chính quyền của Thủ tướng Bennett muốn tránh bất kỳ cuộc đối đầu nào với phong trào "Hamas" ở Dải Gaza, vì cuộc đối đầu này nếu xảy ra sẽ là một phép thử thực sự cho những gì mà Bennett tuyên bố có thể đánh bại phong trào này bằng quân đội mạnh hơn.

Nhưng nếu ông Bennett không ngăn cản hoặc đánh bại Hamas trong bất kỳ trận chiến nào trong tương lai, điều đó có nghĩa là sẽ phải chấm dứt sớm tham vọng điều hành Israel trong một thời gian dài, nếu không muốn nói là một đòn giáng mạnh vào tương lai chính trị của ông.

Trong khi đó, mặt trận Gaza luôn là mối đe dọa thường trực với Israel.

Các hiệp định hòa bình mà Israel ký với UAE, Bahrain, Morocco và Sudan thể hiện một thành công lớn đối với nền ngoại giao của Israel và sau này hy vọng sẽ duy trì, phát triển các hiệp định này, đồng thời có thêm nhiều nước Arab tham gia.

Tuy nhiên, những thành công này vẫn bị đe dọa bởi điều kiện bất ổn ở một số quốc gia chẳng hạn như Sudan.

Do đó, việc Israel mở rộng các thỏa thuận hòa bình Abraham với các nước Arab khác có thể khó xảy ra trong năm 2022, mà thay vào đó Tel Aviv sẽ nỗ lực để phát triển hoặc ít nhất là duy trì những gì đã đạt được từ các thỏa thuận đã đạt được.

Ngoài những thách thức này, Israel phải đối mặt với các vấn đề nội bộ đan xen nhau, mà trên hết là sự tồn tại của một liên minh cầm quyền với đa số hẹp, khiến nước này dễ bị tan rã bất cứ lúc nào cũng như có thể trở lại cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng như trước.

Những lo ngại này đang gia tăng do các thủ tục chậm trễ trong việc xét xử cựu thủ tướng và lãnh đạo phe đối lập hiện tại, Benjamin Netanyahu.

Liên minh cầm quyền do ông Bennett dẫn đầu đang tìm mọi cách để loại ông Netanyahu khỏi bản đồ chính trị, cho dù bằng cách thông qua luật hoặc bằng cách gây áp lực lên các cơ quan tư pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử ông.

Nguy cơ về các cuộc xung đột giữa Israel với Iran và Hamas là rất lớn, nhưng các bên sẽ kiềm chế tối đa để tránh xung đột bùng phát quy mô lớn và gia tăng các mối đe dọa khác. Năm 2022, sẽ là một năm nhiều khó khăn và thách thức trên chính trường Israel cả đối ngoại và đối nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại