Israel lại tấn công Syria giữa lúc căng thẳng
Hai chiến binh nhóm vũ trang Islamic Jihad đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel nhằm vào khu vực Damascus, Syria hôm 24/2. Đây là lần hiếm hoi Israel công khai thừa nhận tiến hành không kích mục tiêu trên lãnh thổ Syria.
Theo thông báo từ hãng thông tấn SANA, hệ thống phòng không của Syria đã được kích hoạt để chống lại các cuộc tấn công của Israel, trong đó "hầu hết các tên lửa của Israel đã bị bắn hạ trước khi tiếp cận mục tiêu".
Những cuộc không kích của Israel ở Syria trở thành vấn đề đau đầu của Damascus.
Cuộc tấn công của Israel được thực hiện giữa lúc liên quân Nga-Syria đang toàn lực tiến hành các hoạt động chiếm lại thành trì Idlib ở khu vực tây bắc, nguy cơ bùng nổ xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm chiến binh tại đây.
Dù không phải là mục tiêu bị nhắm đến, nhưng các động thái gây hấn của Israel chắc chắn sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sắp tới của Nga-Syria, trong khi đó Iran đang bị coi là gánh nặng vì gián tiếp gây ra điều này.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Syria năm 2011, Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công ở Syria, chủ yếu nhắm vào các lực lượng đồng minh Iran và chiến binh Hezbollah.
Trước đó, Israel bị cáo buộc thực hiện một cuộc không kích vào giữa tháng 2, khiến ba binh sĩ Syria và bốn người Iran thiệt mạng ở khu vực sân bay Damascus, theo Đài quan sát Nhân quyền Syria.
Các cuộc không kích đánh thẳng vào đầu não Damascus của Israel được coi là một vấn đề gây đau đầu cho cả chính quyền Tổng thống Assad, Nga và Iran. Thậm chí nó còn được coi là vấn đề gây cản trở cho các mục tiêu đề ra của Nga.
Cây bút bình luận Abdulrahman Al-Rashed của tờ Arab News tin rằng, nếu Israel tiếp tục dội bom các mục tiêu của Iran ở Syria, Tehran cuối cùng sẽ buộc phải rời khỏi và chấm dứt sự hiện diện quyền lực ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá.
Iran trở thành gánh nặng cho Nga-Syria
Từ trước đến nay, phía Iran đã không phản ứng gì trước các cuộc tấn công của Israel. Trong khi về phần mình, Nga đã chỉ bày tỏ sự phản đối thông qua các tuyên bố trên truyền thông thay vì có hành động bênh vực đồng minh.
Iran giờ đây bị coi là gánh nặng ở Syria.
Mới đây, Moscow đã đưa ra lời cảnh báo gay gắt chưa từng có sau khi một cuộc tấn công của Israel đã gây ra nguy hiểm đối với dân thường ở Damascus và các khu vực xung quanh, đồng thời suýt gây ra thảm kịch cho một chiếc máy bay dân sự của Iran.
Tuy nhiên, Israel không có vẻ gì là nao núng trong việc tiếp tục kế hoạch loại bỏ sự hiện diện của kẻ thù ở quốc gia láng giềng.
Các động thái của Israel được cho là đi kèm với các bước đi của Mỹ. Chúng là một phần trong kế hoạch chung nhằm gây sức ép buộc Iran rời khỏi Syria và đẩy lùi ảnh hưởng ở Iraq.
Vụ ám sát tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Iran và là người đứng đầu các hoạt động quân sự của Iran ở Syria – là một phần trong kế hoạch.
Tuy nhiên, có một số câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề này, cây bút Al-Rashed cho biết. Theo đó, giới quan sát không thấy dấu hiệu nào về việc Damascus đang có các nỗ lực bảo vệ đồng minh Iran. Phải chăng, cuộc đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib có liên quan đến suy tính nói trên.
"Chúng ta không thấy chính quyền Damascus sốt sắng bảo vệ đồng minh Iran. Nga cũng vậy. Do đó, một Iran đơn độc đang phải chiến đấu một mình", Al-Rashed nhấn mạnh.
Cuộc đối đầu của quân Chính phủ với Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib là chìa khóa cuối cùng để giải quyết cuộc xung đột ở Syria, với nhiều chủ đề xung quanh, bao gồm giải pháp hòa bình, người tị nạn, trục xuất các lực lượng nước ngoài.
Mục tiêu quan trọng nhất đối với Mỹ và Israel là buộc Iran rời khỏi Syria. Với việc Nga và Tổng thống Assad đang tận sức cho mặt trận Idlib, không quan tâm đến mối lo của Iran, dường như Damascus và Moscow cũng ngầm có mục tiêu chung như vậy.
Đối với Damascus và Nga, vai trò của Iran đã kết thúc. Tehran đã tài trợ cho cuộc chiến và chiến đấu để ủng hộ chính quyền Syria khỏi sự sụp đổ hoàn toàn, nhưng giờ đây Iran đã trở thành gánh nặng cho các đồng minh.
Mục tiêu của Iran ở Syria giờ đây đã khác. Trước đây, Tehran muốn Damascus tiếp tục tồn tại để trở thành đòn bẩy trong khu vực. Nhưng sau này, mục tiêu trở nên rộng lớn hơn.
Iran muốn biến Syria thành một Lebanon khác - một quốc gia vệ tinh và một nền tảng quân sự chống lại Israel - ngoài việc đảm bảo sự hiện diện của mình ở Iraq trong mọi cuộc xung đột ảnh hưởng ở khu vực. Một tham vọng như vậy sẽ khiến nhiều thế lực khác phải nhíu mày.
Nếu Iran bị trục xuất khỏi Syria, đó sẽ là một bước ngoặt chính trị và quân sự quan trọng nhất, vì ảnh hưởng của nước này ở cả Iraq và Lebanon cũng sẽ bị suy yếu nhanh chóng. Đây là mục tiêu chiến lược, nhưng quá trình sẽ không dễ dàng, dù là với Mỹ, Israel hay với Nga-Syria.