Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại nặng nề tại Idlib, Syria
Khi tình hình ở tỉnh Tây Bắc Idlib ngày càng diễn biến xấu đi trước các cuộc tấn công của Quân đội Chính phủ Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục đưa ra những lời cảnh báo sẵn sàng triển khai quân đối phó với các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad nếu Damascus không dừng ngay hoạt động tiến công này.
"Một chiến dịch quân sự ở Idlib đang rất cận kề", ông Erdogan phát biểu với các nhà lập pháp Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 19/2. "Chúng ta đang đếm ngược thời gian, chúng ta đang phát đi những cảnh báo cuối cùng".
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tuyên bố, giải pháp duy nhất cho tương lai của Idlib là Chính phủ Syria phải kịp thời rút quân khỏi thành trì cuối cùng của phiến nổi dậy này. “Nếu không, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề trước cuối tháng 2/2020”, ông Erdogan tỏ thái độ cương quyết.
Phiến quân phóng rocket vào một vị trí ở làng Nairab, cách Đông Nam Idlib khoảng 14km. Ảnh: AFP
Chỉ tính riêng trong tháng 2, đã có 17 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trước các cuộc tập kích của quân Chính phủ Syria và lực lượng đồng minh vào Idlib.
Ankara đã thiết lập tại khu vực 12 trạm quan sát quân sự trong khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018 theo tiến trình hòa bình Astana do Nga bảo trợ. Thỏa thuận này được đưa ra nhằm mục đích ngăn chặn xung đột leo thang ở Idlib thông qua việc thành lập một khu phi quân sự tại đây. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong việc thiết lập một khu vực như vậy.
Các vị trí quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục bị tấn công kể từ mùa Hè năm ngoái. Tháng 2 không phải là lần đầu tiên Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu những tổn thất to lớn ở Idlib trước đà tiến công của các lực lượng Chính phủ Syria nhưng chắc chắn lại là bước leo thang căng thẳng nhất.
Ankara sau đó ngay lập tức cũng đã tiến hành các hoạt động đáp trả. Sau vụ tấn công chết người ngày 22/2 ở Idlib, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phá hủy 21 mục tiêu của Syria.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ chiến đấu ở Idlib, Syria. Ảnh: AFP
Nga không cho phép, không máy bay chiến đấu nào của Thổ Nhĩ Kỳ dám cất cánh
Ông Erdogan cho biết, Ankara sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Nga vào ngày 5/3 tới đây để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tiến hành biện pháp quân sự như từng đe dọa trước đây hay không hoặc một chiến dịch quân sự như vậy sẽ ở quy mô như thế nào.
“Thổ Nhĩ Kỳ có thể giết hại một số binh sĩ Quân đội Syria như họ đã tuyên bố để trả thù việc quân nhân nước này bị chết”, Josh Josh Landis, Giám đốc Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma bình luận.
“Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng biến tuyên bố của mình thành hiện thực nhưng họ lại đang ở trong một tình huống chiến lược rất khó xử”.
Điều này là bởi vì nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS), lực lượng kiểm soát phần lớn Idlib, là một tổ chức bị quốc tế liệt vào danh sách khủng bố do có nguồn gốc từ Jabhat al-Nusra, một chi nhánh của Al-Qaeda.
“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào tình thế rất khó giải thích nếu họ có ý định vũ trang và bảo vệ các phần tử HTS này, thậm chí ngay cả khi Mỹ hối thúc Ankara phải có những hành động quyết đoán chống lại Nga và Quân đội Syria”, ông Landis lý giải.
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều chuyển thêm nhiều hệ thống vũ khí, phương tiện chiến đấu tới các khu vực dọc biên giới với Idlib nhằm đáp trả sự leo thang căng thẳng mới nhất tại đây.
Ankara cũng đã yêu cầu Mỹ triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới biên giới phía Nam với hy vọng có thể trả đũa các cuộc tấn công của Quân đội Syria mà không phải lo lắng đến các mối đe dọa trên không.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga triển khai tại Syria. Ảnh: BQP Nga
Tuy nhiên, toàn bộ không phận Syria trên thực tế lại do Nga kiểm soát. Tất cả các chiến dịch trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria chống lại các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) chỉ thực hiện được khi Moscow chấp nhận mở cửa không phận Syria cho các máy bay của Ankara hoạt động.
Thậm chí ngay cả khi Mỹ có triển khai tên lửa Patriot tới đây thì cũng không đồng nghĩa với việc nó có thể tấn công hoặc đe dọa được các máy bay của Nga hay Syria để hỗ trợ cho bất cứ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib xét tới nguy cơ một vụ đụng độ như vậy rất có thể thổi bùng xung đột lên cấp độ mới.
Không có được ưu thế trên không ở Idlib, mà điều này gần như là không thể cho tới khi nào Nga tiếp tục giữ quyền kiểm soát không phận Syria, thì Thổ Nhĩ Kỳ chẳng có nhiều không gian để hoạt động.
Türker Ertürk, Đô đốc Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu từng cảnh báo, nếu không bao quát được không phận Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có đưa quân vào chỗ chết. Hệ quả là, Ankara có rất ít lựa chọn quân sự ở Idlib.
Chuyên gia Landis cho rằng, thời gian của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria chỉ còn tính bằng ngày, kể cả ở biệt khu Afrin của người Kurd.
“Có thể ông Erdogan từng mơ ước sáp nhập được một phần lớn diện tích lãnh thổ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột nhưng những giấc mơ này đang dần trở thành ác mộng. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải tự dung hòa trước chiến thẳng của Tổng thống Assad trong những tháng tới đây”.
“Tổng thống Erdogan từng nhiều lần tuyên bố rằng ông ủng hộ chủ quyền của Syria và lên án mọi ý đồ chia cắt đất nước. Vì vậy, nếu đây không phải là những tuyên bố suông thì cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc phải rút quân ra khỏi lãnh thổ Syria”, ông Landis nhận định.