Căng thẳng tột độ
Sự leo thang trong cuộc xung đột giữa Israel và Iran trên bầu trời Syria trong 24 giờ qua đã đưa cuộc chiến bí mật của cả hai được công khai cho công chúng sau hai năm âm ỉ.
Vào ngày 20/1, Israel đã thực hiện một loạt các cuộc không kích ban ngày hiếm hoi ở khu vực Damascus, sau đó là một nỗ lực của Iran trong việc bắn một tên lửa tầm trung đáp trả về phía Bắc Israel.
Lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau, Israel không chỉ tiến hành một loạt các cuộc tấn công thứ hai, với quy mô rộng hơn, nhằm vào các mục tiêu của Iran ở Syria, mà lần đầu tiên lên tiếng xác nhận hành động của mình ngay trong lúc cuộc tấn công diễn ra, theo Haaretz.
Israel và Iran hiện đang tham gia vào cuộc xung đột trực tiếp và cởi mở ở Syria - điều mà có lẽ sẽ không nhiều người ngạc nhiên, khi xem xét các sự kiện trong tám năm qua kể từ khi Syria rơi vào cuộc chiến đẫm máu cho đến nay.
Điều đáng chú ý là làm thế nào diễn biến mới nhất này đang diễn ra mà không hề có sự xuất hiện của một trong hai cường quốc thế giới – Mỹ và Nga – trong việc cố gắng tạo ra bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến kết quả?
Trong những năm gần đây, các nhà phân tích địa chính trị đã nói về thế giới và Trung Đông đang chuyển đổi từ một hệ thống quốc tế nơi Mỹ là siêu cường duy nhất sang sự cân bằng đa cực.
Tuy nhiên, những gì đang xảy ra ở Syria hiện tại là một tình huống không cực. Cả hai bên, Israel hay Iran, dường như đều muốn tiến tới chiến tranh toàn diện, nhưng không có bàn tay kiềm chế nào níu giữ mọi thứ không đi quá giới hạn.
Cây bút Anshel Pfeffer từ tờ Haaretz nhận định rằng, Nga đang đưa ra rất nhiều kế hoạch cho tương lai của Syria, nhưng dường như không làm được gì đáng kể để thực hiện chúng.
Mỹ, trong khi đó, thậm chí tỏ ra chân thật hơn. Giờ đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump rõ ràng không coi Syria hay khu vực xung quanh quốc gia này đủ quan trọng đối với bất kỳ sự can thiệp có ý nghĩa nào của Mỹ.
Vào ngày 19/12, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút toàn bộ 2.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria, tuyên bố khủng bố IS đã bị đánh bại. Hơn một tháng sau, vẫn chưa rõ quá trình rút quân này sẽ diễn ra nhanh chóng hay từ từ, và liệu việc rút quân có thực hiện đầy đủ hay không.
Vì IS rõ ràng là chưa bị đánh bại hoàn toàn (mặc dù nó đã mất hầu hết các thành trì và giờ đây hiện thân như một phong trào nổi dậy thay vì có căn cứ cố định) và Mỹ vẫn tuyên bố đi đầu trong cuộc đấu tranh khu vực chống lại Iran. Vẫn còn khả năng quân đội Mỹ sẽ giữ lại ở gần biên giới Syria với Iraq.
Nhưng trong khi các động thái này sẽ mang tính chiến thuật, và thậm chí là chiến lược quan trọng, chúng hầu như không thay đổi cán cân quyền lực ở Syria.
Nga-Mỹ im hơi lặng tiếng ở Syria.
Hai cuộc tấn công IS gần đây chống lại lực lượng Mỹ ở Manbij và mối quan hệ không thống nhất giữa chính quyền Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, thậm chí còn đặt nhiều dấu hỏi hơn cho chính sách Syria của Washington.
Năm ngoái, Nga hứa sẽ giữ lực lượng của Iran cách xa ít nhất 60 km từ biên giới của Israel. Họ cũng cho biết sẽ nâng cấp đáng kể khả năng phòng không của Syria và thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau, cảnh báo cứng rắn về các cuộc tấn công của Israel.
Bản chất của cuộc chiến
Theo cây bút Pfeffer, trong thực tế, không có điều gì đã xảy ra. Không có gì Nga nói hoặc làm trong những tháng gần đây có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào trên mặt đất.
Cảnh sát quân sự Nga đôi khi đã được triển khai đến các trạm kiểm soát trên Cao nguyên Golan, nhưng họ đã không ngăn Iran thiết lập các tiền đồn nhìn ra các vị trí của Israel.
Nga cũng không làm gì để loại bỏ căn cứ ở phía Nam Damascus, nơi Iran hiện đang đóng quân cho hàng ngàn lính đánh thuê hiện hữu.
Nga có thể đã vận chuyển hệ thống tên lửa phòng không mới tới Syria, nhưng chưa mang đến sự thay đổi nào đáng chú ý và chắc chắn không đủ để cản trở các cuộc không kích của Israel, vốn tiếp tục gia tăng, bất chấp sự bất mãn rõ ràng của Moscow.
Theo giới phân tích, việc Nga không thể hiện mình không phải là điều quá ngạc nhiên. Điện Kremlin muốn tạo ấn tượng rằng họ là nước kiểm soát các sự kiện ở Syria.
Nhưng sự thật là Moscow chỉ có hai mục tiêu thực sự tại đây: Bảo vệ chính quyền Assad; và thiết lập căn cứ không quân và hải quân trên bờ biển Địa Trung Hải của Syria. Nga đã đạt được cả hai điều này với cái giá phải trả tương đối ít.
Việc cắt giảm các hoạt động của Iran hoặc Israel ở Syria sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực ngoại giao và quân sự hơn so với những gì Nga đầu tư hiện tại. Những điều mà Israel muốn lúc này là một sự hòa hợp với lãnh đạo Nga nhằm đảm bảo không có cuộc đụng độ trực tiếp nào giữa máy bay của hai nước trên bầu trời Syria.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là bản chất của cuộc chiến Syria kể từ năm 2011. Cả chính quyền Assad và bất kỳ thế lực bên ngoài nào cũng có thể (hoặc muốn) kiểm soát hoàn toàn quốc gia này.
Nga muốn các căn cứ; Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc kiểm soát các khu vực phía Bắc để khắc chế người Kurd; Iran quan tâm đến một tuyến đường sẽ đóng vai trò liên kết ảnh hưởng của mình, bao gồm cả ở Iraq và Lebanon; trong khi Israel sẽ làm hầu hết mọi thứ để cản trở kế hoạch của Iran.
Với việc các cường quốc toàn như Nga-Mỹ đang để lại một khoảng trống ở Syria, Israel và Iran đang ngày càng gia tăng xung đột mà không ai cố gắng ngăn chặn.