Tiêm kích F-22 có thể bị F-14 của Iran bắn hạ?

Anh Minh |

F-22 Raptor là chiếc tiêm kích thế hệ 5 tối tân của Mỹ, tập hợp gần như mọi tinh hoa của công nghệ quân sự. Tuy nhiên, cỗ máy nào, dù hiện đại, tân tiến đến đâu cũng tồn tại những điểm yếu.

Liệu trong một trận không chiến, có cơ hội nào cho những máy bay thế hệ 4 hay 4+ trước “Chim ăn thịt” hay không?

Khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, chiến tranh giữa Washington và Tehran là một khả năng có thể xảy ra. Một số người cho rằng sẽ là một cuộc chiến toàn diện bởi Mỹ chắc chắn muốn lật đổ chính thể ở Iran.

Nếu là một cuộc chiến toàn diện thì quân đội Mỹ phải tiêu diệt không quân Iran, lực lượng cho đến nay vẫn sử dụng một số chiến đấu cơ do chính Mỹ sản xuất. Những chiếc máy bay được xem là tốt nhất trong phi đội chiến đấu cơ già nua của Iran là những chiếc tiêm kích F-14 Tomcat, mua của Mỹ.

Không quân Iran đặt mua 80 máy bay thế hệ 4 này trước Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979 nhưng tổng cộng nhân được 79 chiếc. Thêm vào đó, Iran đã mua 714 tên lửa không đối không AIM 54A radar chủ động/bán chủ động của hãng Hughes (bây giờ là Raytheon), có tầm bắn hơn 180km, theo National Interest.

Khi chiếc F-14A ra đời, nó là một trong những tiêm kích tốt nhất của Mỹ trong nửa cuối những năm 1960. Máy bay này bắt đầu phục vụ trong hải quân Mỹ từ năm 1974.

Nó được trang bị radar tầm xa Doppler AWG-9 với tầm hoạt động hơn 200km. Đây là loại radar đầu tiên của Mỹ cho phép máy bay bắt bám và bắn hạ nhiều mục tiêu cùng lúc.

Cùng với các tên lửa AIM-54, radar AWG-9 cho phép phi công nhắm bắn 6 máy bay ném bom cùng lúc. Trên lý thuyết, tiêm kích Tomcat là một máy bay đầy năng lực, cho dù trong thực tế nó không được như những gì hải quân Mỹ quảng cáo về nó.

Iran đã nâng cấp những chiếc Tomcat của họ với hệ thống điện tử hàng không và có thể là vũ khí mới, nhưng chỉ còn một số ít F-14 còn trong điều kiện có thể tác chiến và con số này theo một số nguồn tin là không quá 20.

Như đã nói ở trên, dù tuổi cao, F-14 vẫn là phi đội chiến đấu cơ ở tuyến đầu của không quân Iran nếu chiến tranh với Mỹ nổ ra.

Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, tiêm kích F-22 Raptor gần như chắc chắn sẽ dẫn đầu phi đội tấn công. So với F-14 Tomcat, F-22 Raptor là một kiệt tác kỹ thuật, được trang bị các cảm biến tinh vi nhất từng được phát triển cho chiến đấu cơ.

Tiêm kích F-22 có thể bị F-14 của Iran bắn hạ? - Ảnh 1.

Phi đội tiêm kích F-22 Raptor bay trên Biển Nhật Bản

Tiêm kích F-22 có thể kết hợp khả năng tàng hình và tốc độ bay siêu âm, có thể đạt vận tốc hành trình ở mức Mach 1.8 (hơn 2.200km/h) mà không cần tới chế độ đốt sau, hệ thống điện tử hàng không tích hợp và cực kỳ nhanh nhẹn.

Radar AN/APG-77 (V)1 chủ động có thể phát hiện một chiếc F-14 từ khoảng cách hàng trăm km, trước khi F-14 có thể biết về sự hiện diện của một chiếc F-22 trong khu vực.

Khi đó, mũi máy bay của F-22 đã hướng tới F-14 để radar khóa mục tiêu và phi công chỉ việc ấn nút phóng tên lửa Raytheon AIM-120D AMRAAM, có tầm bắn gần 180km. Đó sẽ là dấu chấm hết cho chiếc F-14 , trước khi đội hình của Iran biết họ bị tấn công.

Ngay cả khi máy bay Raptor hết tên lửa AMRAAM và phải chiến đấu trong phạm vi quan sát của mắt thường, F-22 có thể tận dụng tính năng tàng hình và tiến sát F-14 mà không bị phát hiện ở khoảng cách 300m và tiêu diệt F-14 với tên lửa Raytheon AIM-9X Sidewinders hoặc pháo 20mm Vulcan.

Tuy nhiên, trong trường hợp hiếm thấy, khi F-22 phải cận chiến quần vòng với F-14, vẫn là F-22 tiêu diệt F-14 trừ khi phi công Mỹ hoặc rất không may, hoặc phạm sai lầm nghiêm trọng. Vì vậy, câu trả lời là nếu đối đầu với F-22 Raptor của Mỹ, những chiếc F-14 Tomcat của Iran gần như không có cơ hội sống sót.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại