CNN mổ xẻ 9 vũ khí "đại nhảy vọt" của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi

Vy Lam |

Ngay từ đầu tháng 1, quân đội Trung Quốc đã gây choáng váng khi tiết lộ một loạt vũ khí mới tinh vi và mạnh mẽ.

Quá trình thử nghiệm một số mẫu được phô trương ầm ĩ, song với chất lượng vũ khí Trung Quốc từ trước tới nay, vẫn có một câu hỏi được đặt ra là: Trong tình huống chiến đấu, những công nghệ mới đó đáng tin cậy tới mức độ nào?

Hãng tin CNN của Mỹ đã đưa ra những nhận định cụ thể để trả lời câu hỏi này.

1. Mẹ của các loại bom

Đầu tháng 1, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin Trung Quốc đã thử nghiệm phiên bản "Mẹ của các loại bom" do nước này chế tạo. Tên này được gọi theo mẫu bom "Massive Ordnance Air Blast" (MOAB) mà Mỹ giội xuống một hệ thống hầm ngầm của khủng bố tại Afghanistan năm 2017.

Theo Hoàn Cầu, phiên bản MOAB của Trung Quốc có sức mạnh chỉ đứng sau bom hạt nhân. Các hình ảnh công bố cho thấy MOAB được thả từ khoang chứa của máy bay ném bom H-6K, và sau đó là vụ nổ khổng lồ, dữ dội dưới mặt đất.

"Vụ nổ lớn này có thể dễ dàng quét sạch hoàn toàn các mục tiêu kiên cố trên mặt đất như các tòa nhà được gia cố, pháo đài và hầm trú ẩn" – Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự Wei Dongxu cho hay.

Trung Quốc thử nghiệm "Mẹ của các loại bom". Nguồn: Best Tech

Tờ báo cho biết thêm rằng, bom MOAB của Trung Quốc nhỏ hơn và nhẹ hơn bom của Mỹ nên có thể được triển khai từ máy bay ném bom như vũ khí thông thường. Trong khi đó, Mỹ phải triển khai bom MOAB bằng máy bay vận tải C-130.

Bắc Kinh cũng tuyên bố rằng phiên bản MOAB của nước này sẽ có độ chính xác cao hơn MOAB của Mỹ.

Nhận định của CNN: Có khả năng.

Trung Quốc đang tìm cách sao chép công nghệ quân sự từ các nước khác và cải tiến để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, ngay cả với những gì họ tuyên bố (về phương thức mang phóng ưu việt) thì việc triển khai loại bom này trong chiến đấu cũng sẽ đòi hỏi Trung Quốc phải chiếm được ưu thế toàn diện trên không.

2. Vạn Lý Trường Thành bằng thép

Bài viết đăng trên website tiếng Anh của quân đội Trung Quốc (PLA) ngày 13/1 tuyên bố "Vạn Lý Trường Thành bằng thép dưới lòng đất" (USGW) sẽ là tuyến phòng thủ của Trung Quốc được bố trí sâu bên dưới những ngọn núi.

Cơ sở này được xây dựng nhằm bảo vệ các căn cứ quân sự Trung Quốc trước các cuộc tấn công của đối phương.

Ông Qian Qihu, viện sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết USGW sẽ mang lại cho Bắc Kinh khả năng phòng thủ trước các loại tên lửa và vũ khí siêu vượt âm tương lai – những loại di chuyển với tốc độ gấp 5-10 vận tốc âm thanh, mang đầu đạn hạt nhân và có thể thay đổi hướng bay để qua mặt hệ thống phòng không.

CNN mổ xẻ 9 vũ khí đại nhảy vọt của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi - Ảnh 2.

Ông Qian Qihu. Nguồn: AP

"Công trình của ông Qian đảm bảo an toàn cho các loại vũ khí chiến lược quốc gia, các cơ sở phóng, dự trữ, và sự an toàn cho các chỉ huy trong những thời điểm nước sôi lửa bỏng" – chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping nói.

CNN: Còn hoài nghi.

Mặc dù Nga tuyên bố đã có trong tay tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai nhưng trên thực tế, nó chưa từng được sử dụng trong chiến đấu. Vì vậy, việc phát triển "bức tường thép" có thể chống chọi với loại vũ khí như vậy dường như mang ý nghĩa lý thuyết nhiều hơn.

3. Tên lửa đạn đạo chống tàu

Không lâu sau khi Hải quân Mỹ điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tới gần đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông hôm 10/1, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa đạn đạo DF-26 "có khả năng tấn công các tàu cỡ trung và cỡ lớn" trên biển.

Bản tin của Thời báo Hoàn Cầu cho biết DF-26 có tầm bắn 5.471km, là "một lời nhắc nhở rằng Trung Quốc đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình".

CNN mổ xẻ 9 vũ khí đại nhảy vọt của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi - Ảnh 3.

Tên lửa đạn đạo DF-26 trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: CNN

DF-26, được giới thiệu lần đầu tiên trong cuộc duyệt binh năm 2015 tại Bắc Kinh, vốn được đánh giá là tên lửa đạn đạo tầm trung dùng để chống lại các mục tiêu mặt đất. Giới phân tích đặt cho DF-26 biệt danh "Sát thủ diệt Guam" do nó có thể đặt hòn đảo này và các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ tại đó trong tầm ngắm.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng nào cho thấy họ đã thử nghiệm DF-26 với cấu hình chống tàu, đủ khả năng tiêu diệt các tàu chiến di động.

CNN: Còn hoài nghi

Chuyên gia phân tích quân sự Carl Schuster, một cựu đại tá hải quân Mỹ, cho biết chưa từng có quân đội nào phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống tàu.

Việc triển khai loại tên lửa này trong chiến đấu sẽ đòi hỏi phải thực hành phóng rất nhiều để cải tiến chiến thuật và quy trình. Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được bằng chứng nào cho thấy họ đã làm được điều này.

4. Tiêm kích-bom tàng hình hai chỗ ngồi

Phiên bản mới của tiêm kích tàng hình J-20 [đưa vào trang bị của Không quân Trung Quốc tháng 2/2018] có thể được sửa đổi để trở thành tiêm kích-bom, cũng như tiêm kích hạm và máy bay tác chiến điện tử - Theo bản tin trên website tiếng Anh của PLA.

Bài viết cho biết thêm rằng, những phiên bản trên của J-20 có thể sẽ được bố trí thêm một chỗ ngồi cho phi công thứ hai.

CNN mổ xẻ 9 vũ khí đại nhảy vọt của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi - Ảnh 4.

Tiêm kích J-20 Trung Quốc. Ảnh: Asia Times

"Hiện tất cả các mẫu tiêm kích tàng hình hiện nay là một chỗ ngồi, vì thế phiên bản mới của J-20 có thể sẽ trở thành tiêm kích tàng hình hai chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới" – Bài viết dẫn lại thông tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho hay.

CNN: Có khả năng

Bản báo cáo của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết "Không quân Trung Quốc đang phát triển các máy bay ném bom tàng hình tầm xa có thể tấn công các mục tiêu trong một khu vực nhất định hoặc trên toàn cầu.

Công nghệ tàng hình tiếp tục đóng vai trò then chốt trong chương trình phát triển các mẫu máy bay ném bom mới này".

DIA cho hay, chúng có thể sẽ sẵn sàng hoạt động trong vòng 6 năm tới.

5. Siêu chiến binh với vũ khí tương lai

Dao cầm tay có thể bắn ra đạn, súng lục bắn góc và các loại súng trường có thể phóng lựu đạn… là những thứ mà Trung Quốc muốn trang bị cho lực lượng đặc nhiệm để tạo ra "siêu chính binh" – Theo bài viết trên trang tin của PLA.

Dao bắn đạn có thể được sử dụng khi bị đối thủ áp sát, súng lục bắn góc sẽ cho phép người lính núp phía sau các bức tường và ngắm bắn vào kẻ địch từ góc độ chính xác. Trong khi đó, súng trường phóng lựu "sẽ cung cấp hỏa lực cá nhân mạnh mẽ nhất trên thế giới", và kết nối chiến trường thông qua các cảm biến kỹ thuật số, hệ thống định vị, chia sẻ dữ liệu.

Chuyên gia quân sự Wei Dongxu gọi những trang bị mới này là vũ khí "viễn tưởng", khiến 1 lính Trung Quốc có sức mạnh đối chọi với 10 đối thủ.

CNN: Có khả năng

Nghe có vẻ viễn tưởng nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên phát triển các loại trang bị này. Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng tiên tiến của Mỹ cho biết họ đang phát triển loại đạn cỡ 50 cal với các cảm biến quang học cho phép thay đổi hướng bắn giữa không trung.

6. Trạm ăng-ten khổng lồ

Bản tin năm mới của tờ SCMP (Hồng Kông) cho biết Trung Quốc đã hoàn tất một trạm ăng-ten theo Phương pháp điện từ không dây (WEM).

Cấu trúc chính của dự án WEM là một cặp đường dây điện cao thế chạy từ bắc xuống nam, từ đông sang tây tạo thành một hình chữ thập ngang 60km và dài từ 80-100km.

Vị trí chính xác của trạm ăngten không được tiết lộ, nhưng với diện tích lên đến 3.700 km2, người ta đoán trạm nằm đâu đó ở vùng Hoa Trung bao gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hà Nam và Hồ Nam. Khu vực này có hơn 230 triệu người sinh sống, nhiều hơn dân số Brazil.

CNN mổ xẻ 9 vũ khí đại nhảy vọt của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi - Ảnh 5.

Tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc. Ảnh: CNN

Sóng radio không chỉ lan trong không khí mà còn xuyên qua vỏ Trái đất trong phạm vi lên đến 3.500km - bằng khoảng cách từ Trung Quốc đến Singapore hoặc đảo Guam. Bất cứ thiết bị cảm biến nào nằm trong khoảng cách đó sẽ nhận được tín hiệu.

Trạm ăngten khổng lồ của Trung Quốc được cho là mang mục đích dân sự lẫn quân sự. Sóng radio tần số thấp có thể truyền đến tàu ngầm đang hoạt động ở độ sâu hàng trăm mét dưới mặt biển, khó bị gây nhiễu và giảm rủi ro bị phát hiện so với trường hợp tàu phải trồi lên để bắt tín hiệu.

CNN: Có khả năng

Công nghệ này không có gì mới nên yếu tố quan trọng là mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chứ không phải là đột phá công nghệ. Hải quân Mỹ từng bố trí các hệ thống tương tự tại Michigan và Wisconsin nhưng đã cho dừng hoạt động đầu thế kỷ này do phát triển được các công nghệ tiên tiến hơn.

7. Pháo ray điện từ

Truyền thông Trung Quốc đầu tháng 1 cho biết, Bắc Kinh sẽ "sớm" có khả năng triển khai pháo ray điện từ trên tàu chiến.

Trên lý thuyết, pháo điện từ sẽ bắn ra đạn kim loại sử dụng lực điện, thay vì thuốc nổ - đây là bước phát triển mang tính cách mạng trong công nghệ vũ khí, khiến cho thuốc súng trở nên lỗi thời.

CNN mổ xẻ 9 vũ khí đại nhảy vọt của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi - Ảnh 6.

Hình ảnh được cho là pháo điện từ của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Với tầm bắn hơn 100 dặm, đạn pháo điện từ có thể di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh. Nó cũng sẽ sử dụng động năng, thay vì chất nổ để phá hủy mục tiêu.

Pháo điện từ dự kiến sẽ có độ chính xác cao hơn và dễ duy trì vận hành hơn các loại đạn pháo thông thường.

Hồi đầu tháng 1, trên internet đã lan truyền hình ảnh được cho là hệ thống pháo điện từ của Trung Quốc lắp đặt trên một tàu đổ bộ.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie cho biết, các hình ảnh này cho thấy pháo điện từ của Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Nó có thể sẽ được trang bị trên tàu khu trục Type 055 – một trong những mẫu tàu chiến "tinh vi nhất hành tinh" của Trung Quốc khi con tàu này đi vào hoạt động.

CNN: Có khả năng

Hải quân Mỹ cũng đang trong quá trình hoàn thiện pháo điện từ. Theo chuyên gia phân tích quân sự Schuster tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii (Mỹ), Trung Quốc đang bắt kịp rất nhanh và có thể sẽ đánh bại Mỹ để triển khai vũ khí này trên thực tế.

8. Máy bay không người lái "giống đĩa bay"

Đài truyền hình Trung Quốc đã phát sóng hình ảnh máy bay không người lái tàng hình Sky Hawk của Bắc Kinh cất cánh lần đầu tiên hồi đầu tháng 1, đồng thời tuyên bố nó có khả năng "bay nhanh hơn, xa hơn và tránh bị phát hiện".

Bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu ví Sky Hawk như chiếc đĩa bay. Tuy nhiên, trên thực tế, nó nhìn giống với máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ hơn.

Sky Hawk được trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải hồi tháng 11/2018. Tại đó, hãng thông tấn Xinhua đã phỏng vấn thiết kế trưởng của Sky Hawk – ông Ma Hongzhong.

CNN mổ xẻ 9 vũ khí đại nhảy vọt của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi - Ảnh 7.

Máy bay không người lái Sky Hawk của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

"Nó có thể tránh bị phát hiện, và có khả năng tấn công, phòng thủ cũng như sống sót cao hơn khi được triển khai chiến đấu" – ông Ma nói, đồng thời cho biết thêm rằng Sky Hawk đại diện cho bước tiến trong công nghệ khí động lực học, cho phép máy bay có khả năng hoạt động dài hơn, mang được nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn.

CNN: Có khả năng

Sky Hawk là một trong loạt máy bay không người lái được Trung Quốc phát triển để phục vụ quân đội và xuất khẩu. Mặc dù Sky Hawk được quảng cáo rùm beng nhưng chuyên gia quân sự Song Zhongping cho biết Trung Quốc vẫn tụt phía sau Mỹ trong lĩnh vực phát triển máy bay không người lái tàng hình.

Năm 2013, Hải quân Mỹ đã triển khai và thu hồi thành công một mẫu máy bay không người lái tương tự - X-47B – trên tàu sân bay. Trong năm 2015, mẫu máy bay này cũng đã thử nghiệm thành công tiếp dầu trên không.

9. Tàu sân bay nội địa

Các báo cáo cho biết, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc đã hoàn tất vòng thử nghiệm thứ 4 và trở về cảng của nhà máy đóng tàu Đại Liên – nơi nó được thi công.

Trước khi con tàu lên đường thử nghiệm, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, đợt thử nghiệm thứ 4 sẽ tập trung vào không đoàn tiêm kích hạm, hệ thống radar, kiểm soát không lưu, các thiết bị phóng và đáp máy bay trên tàu.

Wang Yunfei, chuyên gia hải quân – đồng thời là sĩ quan Hải quân về hưu của Trung Quốc, cho biết có thể J-15 sẽ thực hành cất-hạ cánh trong đợt thử nghiệm này.

CNN mổ xẻ 9 vũ khí đại nhảy vọt của Bắc Kinh: TQ sẽ bẽ mặt nếu tung hô mà không làm nổi - Ảnh 9.

Tàu sân bay nội địa Trung Quốc ra biển thử nghiệm lần 2. Ảnh: SCMP

Theo tờ SCMP, các bức ảnh chụp con tàu khi nó trở về Đại Liên sau 13 ngày thử nghiệm trên biển đã có thấy có một tiêm kích hạm J-15 và một trực thăng trên tàu.

Bản tin sau đó dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Li Jie cho biết, con tàu này có thể được chính thức chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc vào ngày 23/4 năm nay, và nó có thể sẽ tham gia màn duyệt đội hình quy mô lớn trong Ngày Hải quân Trung Quốc ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông.

CNN: Có khả năng

Nếu con tàu không tham gia màn duyệt đội hình như truyền thông Trung Quốc loan báo thì đây sẽ là một sự xấu hổ lớn đối với Hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Hoàn Cầu, Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và Type 055 – một trong những tàu chiến lớn nhất và tinh vi nhất châu Á, dự kiến cũng sẽ tham gia cuộc duyệt đội hình trên.

Hình ảnh 3 con tàu này xuất hiện trong cùng một đội hình sẽ là cảnh tượng tuyệt vời đối với người dân Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại