Mặc dù cái gọi là Nhà nước Hồi giáo của nhóm khủng bố IS gần như không còn kiểm soát bất kỳ làng mạc thị trấn nào ở Trung Đông. Thì tại Mindanao ở phía nam Philippine IS vẫn bám rễ và phát triển.
Chính phủ Philippine đang thực thi chiến lược hứa hẹn với người dân theo Hồi giáo tại Mindanao một quy chế tự chủ hơn để đổi lấy việc chống lại các tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Nhà nguyện Bato Ali đã từng là một tòa lâu đài tuyệt đẹp với mái vòm màu xanh lá cây đặc biệt.
Nhà nguyện Hồi giáo Bato Ali tại Marawi, Philippin.
Bây giờ nó là một hình ảnh xấu xí sau khi bị tàn phá bởi pháo kích và không kích. Nhà nguyện Hồi giáo bị tàn phá như một lời nhắc nhở về những gì đã xảy ra ở miền nam Philippines gần hai năm trước.
Norodin Lucman đến từ một trong những gia đình Hồi giáo có ảnh hưởng nhất ở thành phố Marawi, nơi lá cờ đen của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng đã cắm trong nhiều tháng nhớ lại.
"Lúc đầu, mọi người chỉ nghĩ đó "là một trò đùa". Không thể tin được rằng một nhóm chỉ vài trăm tên khủng bố có thể tấn công một thành phố và bắt hàng chục nghìn dân thường làm con tin?
Với hơn 200 nghìn dân, Marawi là thành phố Hồi giáo lớn nhất ở Philippines, quốc gia chủ yếu là người theo Công giáo. Nó nằm bình dị trên bờ hồ Lanao ở Mindanao, hòn đảo lớn thứ hai của Philippines.
Năm 2017, hai nhóm khủng bố Hồi giáo địa phương cam kết trung thành với IS, đã quyết tâm biến Marawi thành thủ đô ở Đông Nam Á của "Nhà nước".
Chúng chỉ có vài trăm chiến binh, nhưng từ tháng 5 đến tháng 10, chúng đã chiếm được khu vực phố cổ trung tâm. Các chiến binh IS đã sát hại người Công giáo, bắt giữ con tin và cố thủ trong các nhà nguyện Hồi giáo như Bato Ali.
Những kẻ khủng bố đã kéo các lực lượng vũ trang Philippines vào cuộc chiến trong đô thị khó khăn nhất mà họ phải đối mặt kể từ Thế chiến II. Cuối cùng, chính các cuộc không kích kết hợp với sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ đã quyết định cuộc chiến.
Nhưng hơn 1200 người đã thiệt mạng.
Sự tàn phá ở Marawi được cho là tương đồng với các thành phố Raqqa của Syria hay Mosul ở Iraq.
Thành phố sẽ được xây dựng lại, nhưng việc tái thiết mới chỉ bắt đầu. Hàng chục nghìn người phải di tản vẫn đang sống trong những nơi trú ẩn khẩn cấp. Thiết quân luật vẫn áp dụng trên toàn Mindanao.
Các chiến binh IS đã chui xuống các địa đạo lòng đất và tiếp tục hoạt động.
Gần đây nhất là vụ đánh bom nhà thờ trên hòn đảo nhỏ Jolo lân cận Mindanao vào ngày 17/1/2019, IS tuyên bố nhận trách nhiệm.
Norodin Lucman chỉ về hướng trung tâm phố cổ bị phá hủy của Marawi.
Norodin Lucman đã từng là một lãnh đạo băng đảng và được tôn trọng trong khu vực. Anh ta biết một số chiến binh IS ở Marawi: Chúng là những thanh niên giận dữ, bất mãn từ chính khu phố của anh.
Vào ngày thứ 12 của cuộc bao vây, chúng cho phép Lucman dẫn hơn 150 thường dân ra khỏi vùng chiến sự.
Norodin Lucman bình luận:
"Marawi chỉ là khởi đầu. Các cuộc không kích phá hủy Marawi đã để lại rất nhiều đau khổ, phẫn nộ, tức giận phía sau nó. Sự phẫn nộ vẫn tiếp tục gia tăng mỗi ngày.
Nếu chính phủ không có hành động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề, sẽ có một cuộc nổi dậy khác, và nó là một sự tiếp tục của cuộc chiến tranh chống lại thuộc địa kiểu mới.".
Mindanao và các hòn đảo nhỏ hơn ở phía nam, như Jolo có một bối cảnh lịch sử thuận lợi để kéo dài một trong những cuộc xung đột lâu nhất trong lịch sử châu Á.
Phiến quân MILF tuần tra tại Midanao, Philippine.
Một cuộc đấu tranh quyền lực đắng cay giữa đa số Công giáo cai trị nhà nước Philippine và thiểu số Hồi giáo.
Chỉ có khoảng 5% dân số theo đạo Hồi. Hầu như tất cả đều sống ở Mindanao, nơi từng được cai trị bởi những Sultan Hồi giáo. Đó là trước khi người định cư Công giáo xuất hiện.
Giống như Norodin Lucman, Samira Gutoc coi mình là đại diện của nhóm thiểu số Hồi giáo bị phân biệt đối xử ở Philippine.
Chính trị gia 43 tuổi đến từ Marawi muốn trở thành thượng nghị sĩ. Nhưng trong 25 năm qua, không có người Hồi giáo nào được bầu vào Thượng viện Philippines.
"Nếu chúng ta tiếp tục tin rằng hòa bình chỉ có thể đạt được bởi những người mặc quân phục và ở cấp độ quốc gia, mà không quan tâm đến người dân địa phương, Marawi sẽ vẫn là một thử nghiệm thất bại.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã hy sinh Marawi trong cuộc chiến chống khủng bố. Marawi là một ví dụ về phân biệt đối xử, không cho phép các hệ thống hòa giải bản địa truyền thống được can thiệp.".
Gutoc tin rằng Duterte đã sai lầm khi không đàm phán với các nhóm trung thành với IS địa phương.
Tuy nhiên chính phủ Philippines đã đàm phán, nhưng đối tượng của họ là một kẻ địch cũ - Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) để nhận được sự hỗ trợ trong cuộc chiến chống IS.
MILF là nhóm lớn nhất ở Mindanao đã mất khá nhiều thành viên về tay IS. Được người Hồi giáo địa phương ủng hộ, MILF đã chiến đấu trong nhiều thập kỷ cho mục tiêu độc lập và đã có một số thỏa thuận với chính phủ Philippine.
Video tổng hợp các hình ảnh ác liệt của trận đánh tại Marawi, Philippine.