Iran và TQ bắt tay tung đòn hiểm: Đánh sập thế bị bao vây, "trói buộc" Mỹ ở Trung Đông?

Hoài Giang |

Chính các biện pháp gia tăng áp lực kinh tế và quân sự của Mỹ và phương Tây đã khiến Trung Quốc và Iran phát triển quan hệ mang tính bước ngoặt trong kinh tế và an ninh.

Hỗ trợ kinh tế và quân sự cho Iran, Trung Quốc thu lại lợi ích gì?

Thỏa thuận kinh tế mới giữa Bắc Kinh và Tehran dự kiến ​​sẽ hướng vào lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng, viễn thông, xây dựng cảng và đường sắt.

Các nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng sự hợp tác giữa Bắc Kinh và Tehran sẽ giúp "mở đường" cho hàng tỷ USD đầu tư của Trung Quốc "chảy" vào Iran.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Iran, quốc gia này đã không thể quản lý một cách hiệu quả nền kinh tế của mình mặc dù có nguồn lực dồi dào - trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các biện pháp hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc được kỳ vọng là yếu tố vô cùng quan trọng, "chìa khóa" giúp Iran đứng vững trước các "làn sóng" trừng phạt.

Quan hệ kinh tế Trung Quốc - Iran được tăng cường cũng sẽ giúp cải thiện quan hệ quốc phòng, được hứa hẹn bao gồm các giải pháp đào tạo chung, trao đổi thông tin tình báo, cùng nghiên cứu và phát triển cho các chương trình vũ khí trong tương lai.

Iran và TQ bắt tay tung đòn hiểm:  Đánh sập thế bị bao vây, trói buộc Mỹ ở Trung Đông? - Ảnh 1.

Các đại diện Trung Quốc và Iran trong một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng-quân sự và chống khủng bố vào năm 2016.

Mặc dù Trung Quốc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với một số "kẻ thù" của Iran như Arab Saudi và Israel, nhưng sự hỗ trợ của họ dành cho Iran có thể được coi là một biện pháp kiềm chế các đối thủ phương Tây mà đứng đầu là Mỹ.

Trong thập kỷ qua, Iran đã phản đối các kế hoạch của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông, đặc biệt là trực tiếp chống phiến quân và hỗ trợ chính phủ Syria khi phương Tây tìm cách lật đổ.

Không những vậy, Iran cũng bị cáo buộc đã vũ trang các nhóm dân quân như Hezbollah ở Lebanon và Houthi (Ansar Allah) ở Yemen.

Bằng các hành động nói trên, Tehran đã vô tình giúp Bắc Kinh "trói chân" Mỹ và các đồng minh phương Tây ở Trung Đông và làm suy yếu khả năng "xoay trục" sang Châu Á - Thái Bình Dương.

Trên tất cả, Iran cũng là một nguồn cung dầu rất có giá trị cho Trung Quốc, và thỏa thuận hiện tại giữa hai nước dự kiến ​​sẽ bao gồm các điều kiện liên quan tới thương mại dầu mỏ trong vòng 25 năm tới.

Iran và TQ bắt tay tung đòn hiểm:  Đánh sập thế bị bao vây, trói buộc Mỹ ở Trung Đông? - Ảnh 2.

Dầu mỏ của Iran sẽ trở thành một vũ khí quan trọng trong cuộc đối đầu Trung - Mỹ.

Cố gia hạn cấm vận vũ khí Iran, Mỹ đang chơi trò "bắt cóc bỏ đĩa"?

Bắc Kinh và Tehran đã trở thành là đối tác thân thiết từ đầu những năm 1980, khi Trung Quốc cùng với Triều Tiên trở thành đối tác kinh tế lớn và cũng là các nước cung cấp vũ khí cho Tehran sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.

Từ lâu Iran đã là một khách hàng của CNQP Trung Quốc, được cấp phép sản xuất các biến thể tên lửa hành trình chống hạm và nhận được sự trợ giúp từ Bắc Kinh để nâng cấp các tiêm kích F-4 Phantom do Mỹ sản xuất thành các biến thể tác chiến hải quân hiện đại.

Các lực lượng không quân Iran cũng đã đưa vào trang bị các tiêm kích J-7 và được cho là đang hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc trong một số chương trình vũ khí, bao gồm cả chương trình máy bay không người lái (UAV) được cho là rất thành công của Tehran.

Iran và TQ bắt tay tung đòn hiểm:  Đánh sập thế bị bao vây, trói buộc Mỹ ở Trung Đông? - Ảnh 4.

Tên lửa chống hạm Noor của Iran là biến thể sản xuất trong nước của tên lửa C-802 do Trung Quốc sản xuất.

Cần nhấn mạnh rằng các thông tin mà Iran thu được từ chiếc UAV RQ-170 Sentinel cũng đã được chuyển đến cho Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Thông qua vai trò trong Hội đồng Bảo an, Trung Quốc đã phản đối các nỗ lực nhằm áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Iran, cũng như nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran - dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10/2020.

Trung Quốc cũng được coi là ứng cử viên hàng đầu để cung cấp cho Iran một số hệ thống vũ khí hiện đại, với các hợp đồng dự kiến ​​sẽ được công bố sau khi lệnh cấm vận vũ khí hết hạn.

Các vũ khí của Trung Quốc mà Iran có thể đang quan tâm là tiêm kích hạng nhẹ J-10C, tên lửa phòng không PL-15, xe tăng VT-4 và một số hệ thống phụ trợ như công nghệ sản xuất ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) được cho là phù hợp với các tàu chiến mặt nước của Iran.

Các tiêm kích J-20, J-16 và J-10C trong một cuộc tập trận (Nguồn: Nhân dân nhật báo Trung Quốc).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại