Trong một cuộc họp báo tổ chức tại lò phản ứng nước nặng Arak, phát ngôn viên Behrouz Kamalvandi nói rằng Iran đã tăng sản lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp lên gấp 4 lần và sẽ vượt qua mức giới hạn là 300 kg vào ngày 27/6.
Động thái này được xem như đòn chí mạng nhằm vào Thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) được ký kết giữa Iran và các cường quốc trong năm 2015.
"Nếu Iran cảm thấy rằng các đòn cấm vận không được gỡ bỏ và áp đặt trở lại, Iran có quyền được ngừng thực thi một phần các cam kết" – ông Kamalvani nói, nhắc tới các đòn cấm vận từng được gỡ bỏ như một phần trong Thỏa thuận hạt nhân nhưng sau đó lại bị Mỹ áp đặt lại. Chính quyền Washington cũng rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018.
Tuy nhiên, phát ngôn viên trên nói rằng vẫn còn thời gian để các nước châu Âu cứu vãn thỏa thuận này nếu họ "giữ vững các cam kết".
Cũng theo ông Kamalvani, sau khi vượt qua mức giới hạn dự trữ 300 kg uranium làm giàu ở mức độ thấp, Iran sẽ tăng cường làm giàu uranium ở mức 3,7% - tức cao hơn mức 3,67% mà Thỏa thuận hạt nhân quy định.
Làm giàu ở mức độ này là đủ để nước Cộng hòa Hồi giáo phần nào giải quyết nhu cầu điện năng trong nước, nhưng không đủ để chế tạo một trái bom nguyên tử.
Theo Thỏa thuận hạt nhân, Iran chỉ được phép dự trữ uranium làm giàu và nước nặng sinh ra trong quá trình đó ở mức giới hạn, mọi sản phẩm vượt quá mức giới hạn này sẽ được Iran xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhưng hoạt động đó đã trở nên cực kỳ khó khăn sau khi Mỹ ngừng các chương trình miễn trừ cho phép Iran xuất khẩu các phần dôi thừa này, từ đó đẩy Iran vào thế tiến thoái lưỡng nan: Một là phải ngừng làm giàu uranium, hai là phải phớt lờ mức giới hạn được quy định trong Thỏa thuận hạt nhân.
Tuyên bố mà Iran đưa ra hôm đầu tuần xuất hiện sau khi Tổng thống nước này, ông Hassan Rouhani, hồi tháng 5 ra tuyên bố Iran sẽ giảm thực thi "các cam kết trong thỏa thuận", nhưng không hoàn toàn rút khỏi nó.
Thời điểm đó, ông Rouhani nói rằng Iran sẽ giữ lại lượng uranium làm giàu và nước nặng dôi thừa, thay vì xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong thông điệp mới nhất, Iran một lần nữa nhắc lại rằng họ vẫn có thể đảo ngược các biện pháp trên, nếu các bên ký kết Thỏa thuận hạt nhân ở châu Âu (Pháp, Đức và Anh) nhập cuộc và nỗ lực nhiều hơn để chống lại các đòn cấm vận của Mỹ.
Tehran thường xuyên chỉ trích châu Âu vì chậm trễ trong việc thiết lập các kênh thương mại của riêng họ với Iran, và tuyên bố mà Tehran vừa đưa ra là một thông điệp cho thấy họ đang ngày càng mất dần sự kiễn nhẫn.
"Tôi nghĩ rằng đến giờ châu Âu vẫn chưa thực hiện phần việc của mình và họ đã để phí quá nhiều thời gian" – ông Kamalvandi nói trong cuộc họp báo – "Họ đã trao cho chúng ta nhiều mỹ từ, nhưng không có hành động cụ thể".
Iran đưa ra thông điệp mới sau khi 2 tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman hồi tuần trước. Mỹ và Arab Saudi đã đổ tội cho Iran, trong đó chính quyền Riyadh còn kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra "quan điểm cứng rắn đối với chế độ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, reo rắc giết chóc và hủy diệt".
Iran đã cực lực bác bỏ mọi sự liên quan tới vụ tấn công tàu chở dầu. Chủ tịch Quốc hội nước này, ông Ali Larijani , đã cáo buộc Mỹ đang thực hiện "hành động phá hoại" nhằm vào 2 tàu chở dầu nhằm gây sức ép với Tehran – theo hãng truyền hình nhà nước Press TV của Iran.