Philippines nới lỏng các quy định đeo khẩu trang ở khu vực ngoài trời. Ảnh: Inquirer.
Theo đánh giá của Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 Indonesia, quốc gia này sẽ không quá vội vàng bước sang giai đoạn mới, nhưng việc chuẩn bị cho giai đoạn coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu sẽ bắt đầu tại Indonesia vào đầu năm 2023, tùy theo tình hình kiểm soát dịch trong giai đoạn cuối năm nay. Để chuẩn bị cho giai đoạn này Indonesia đang tập trung vào các bước chuẩn bị sau:
Nhóm người cao tuổi được coi là một trong những chỉ số quan trọng để thực hiện chuyển đổi giai đoạn. Người cao tuổi là đối tượng cần quan tâm do tuổi tác, hệ miễn dịch suy giảm và các bệnh đi kèm, đối mặt với nguy cơ tử vong cao hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh tật nếu mắc phải Covid-19. Theo các số liệu gần đây, số người cao tuổi Indonesia tiêm mũi thứ ba chỉ đạt 6,61 triệu người trong mục tiêu là hơn 21,55 triệu người. Bộ Y tế Indonesia đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng trong những tháng cuối năm cho nhóm đối tượng có hệ thống miễn dịch yếu, bao gồm người cao tuổi.
Yếu tố thứ 2 là tăng lượng kháng thể trong cộng đồng nói chung. Giới chức y tế nước này thừa nhận một trong những thách thức đối với Indonesia để thoát khỏi tình trạng đại dịch là tỷ lệ bao phủ tiêm chủng tăng cường vẫn tương đối thấp. Vaccine cũng sẽ giảm hiệu quả theo thời gian nên giới chức y tế nước này kêu gọi người dân tiếp cận ngay với các dịch vụ tiêm chủng tăng cường tại tất cả các cơ sở y tế để sớm chuyển sang giai đoạn coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu.
Yếu tố thứ 3 là nới lỏng các hạn chế theo giai đoạn và theo khu vực. Chính phủ đã nới lỏng các giới hạn đi lại và hoạt động kinh tế cũng được khôi phục. Theo Bộ Y tế Indonesia, trong giai đoạn chuyển giao, người dân có thể thực hiện các hoạt động theo mức độ được ban bố ở từng khu vực tương ứng. Chính phủ cũng phổ biến việc sử dụng ứng dụng xét nghiệm và theo dõi, có tên là PeduliLindungi, ghi lại địa điểm và tình trạng tiêm chủng của người dân.
Yếu tố thứ 4 là chuẩn bị cho các trường hợp tăng đột biến bằng cách đảm bảo hệ thống y tế quốc gia có đủ nhân lực và vật lực cần thiết. Tiếp tục kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cũng như bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu.
Để ban bố đất nước bước vào giai đoạn hậu đại dịch, Bộ Y tế Indonesia cho rằng cần sự nhất trí chung của chính quyền tất cả các khu vực trên cả nước, dựa trên tình hình kiểm soát dịch của từng địa phương.
Philippines duy trì tình trạng y tế khẩn cấp đến cuối năm
Bộ Y tế Philippines cũng nhất trí với nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng việc chấm dứt đại dịch đã trong tầm tay. Tuy nhiên nước này cũng cần phải chuẩn bị bước vào giai đoạn mới.
Trước đó có một số yêu cầu chính phủ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng vì Philippines được xếp vào danh sách quốc gia có nguy cơ thấp trong bối cảnh đại dịch. Việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp về sức khỏe y tế cộng đồng sẽ giúp đất nước trở lại các hoạt động bình thường và tăng tính linh hoạt cho các doanh nghiệp.
Theo Bộ Y tế Philippines, quốc gia này có thể vẫn phải đối mặt với các đợt dịch bùng phát mới, nhưng Philippines cần xây dựng khả năng sẵn sàng của hệ thống y tế cũng như đẩy mạnh mức độ kháng thể trong cộng đồng thông qua tiêm chủng.
Một trong số các biện pháp là đào tạo nhân viên y tế phân loại sớm bệnh nhân mắc Covid-19, giúp họ có thể điều trị tại nhà; xây dựng kho dự trữ thuốc kháng virus cho nhóm người có nguy cơ cao; tăng cường cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế để có thể chống chọi với các ca đột biến và thành lập các khoa điều trị cho những người bị triệu chứng Covid-19 kéo dài....Tuyên bố chấm dứt đại dịch dự kiến do Tổng thống Philippines quyết định dựa trên khuyến nghị của Bộ Y tế.
Tuy nhiên Philippines mới đây cũng quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng cho đến cuối năm nay.
Trong quyết định đưa ra, các quan chức nước này cho rằng việc duy trì tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ, cũng như chính quyền địa phương, tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng Covid-19, tăng cường quỹ đối phó với đại dịch, giám sát và kiểm soát giá cả các nhu yếu phẩm, hàng hóa cơ bản, cung cấp các dịch vụ cơ bản cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng.
Hiện Philippines vẫn đang nhận được sự hỗ trợ y tế của các tổ chức quốc tế đối phó với dịch Covid-19, trong đó có việc chuyển giao vaccine. Nếu tình trạng khẩn cấp bị dỡ bỏ, nguồn cung ứng vaccine có thể bị dừng lại. Hiện chính phủ Philippines đang lên kế hoạch sửa đổi một số luật mua sắm và quản lý vaccine trong tình trạng khẩn cấp./.