Bệnh nhân có tiền sử ho khạc đờm, khó thở nhiều đợt trong năm. Đợt này, biểu hiện khó thở, đờm đặc xanh, tức ngực phải, bệnh nhân đã điều trị kháng sinh, thuốc giãn phế quản tại tuyến huyện nhưng không đỡ.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có tiền sử hay ăn ớt và sặc nhiều lần. Lần gần nhất bị sặc cách đây hơn 1 tháng, bệnh nhân được đưa đến khám tại chuyên khoa hô hấp, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hải Phòng.
Qua thăm khám, phổi bệnh nhân có rên rít 2 bên, rên ngáy, đặc biệt đáy phổi phải có rên ẩm. Chụp CTscan ngực có hình ảnh đông đặc thùy dưới phổi phải.
Bệnh nhân được bác sĩ tiến hành nội soi phế quản và phát hiện dị vật tại phế quản phân thùy 9 phổi phải. Sau đó, tiến hành gắp thành công dị vật đường thở ra ngoài và mắt thường dễ dàng nhận thấy đây là mảnh ớt dài 2cm. Dị vật đã gây tổn thương - viêm phổi, giãn phế quản bội nhiễm và viêm mủ phế quản thùy dưới phổi phải.
Sau gắp, bệnh nhân đã đỡ ho, đỡ khó thở, hết đờm đặc xanh, được chăm sóc, theo dõi và xuất viện sau 1 tuần.
Theo bác sĩ Lê Thị Trâm, trên nền bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các biểu hiện của dị vật "bỏ quên" rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh nền như: ho dai dẳng, khó thở, tức ngực… nhất là khi các triệu chứng xâm nhập của dị vật không rõ ràng, chỉ được phát hiện qua những "triệu chứng vay mượn" của bệnh lý khác.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo: Dị vật đường thở rất đa dạng, nhằm sớm phát hiện các nguy cơ dị vật đường thở, mọi người nếu ho nhiều, khó thở, khi có phản xa sặc cần đến khám, tư vấn bởi các chuyên gia hô hấp và có chỉ định soi phế quản để chẩn đoán và gắp loại bỏ dị vật đường thở kịp thời, càng sớm càng tốt để tránh biến chứng lâu dài.