Huyền thoại về Đội nữ lái xe Trường Sơn

Phương Thảo |

Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để thống nhất đất nước”, đã có biết bao nhiêu chàng trai, cô gái ở độ tuổi mười tám đôi mươi – thanh xuân đẹp nhất của đời người đã gác lại mọi hoài bão, mơ ước, gửi lại mối tình đầu đời nơi quê nhà để lên đường vào chiến trường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Trong đó, không thể không nhắc tới những chiến công xuất sắc của Trung đội nữ lái xe Trường Sơn đã trở thành huyền thoại – câu chuyện về các chị sẽ còn được thế hệ mai sau kể mãi.

Những ngày này, 51 năm về trước cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt. Đế quốc Mỹ huy động lượng lớn máy bay đánh phá các con đường trọng điểm trên chiến trường.

Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp hai lần thời gian trước đó.

Lái xe nam không đủ, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Binh trạm 9, Binh trạm 12 tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Những nữ thanh niên xung phong có sức khỏe tốt, tháo vát, biết chút ít về kỹ thuật được tuyển chọn và gửi đi đào tạo cấp tốc.

Trải qua khóa huấn luyện 45 ngày tại Nghệ An và Thanh Hóa, 40 nữ chiến sĩ lái xe và thợ sửa chữa máy được tuyển chọn. Ngày 18/12/1968, tại vùng rừng núi thuộc xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Trung đội nữ lái xe duy nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ra đời:

“Đất nước cần từng đoàn quân ra trận/ Vượt Trường Sơn như đi hội mùa xuân/ Có trung đội lái xe toàn con gái/ Tuổi thanh xuân, đẹp như những thiên thần”.

Huyền thoại về Đội nữ lái xe Trường Sơn - Ảnh 1.

Đội vận tải mang tên anh hùng Nguyễn Thị Hạnh. Ảnh tư liệu.

Đội nữ lái xe có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội lái xe phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.

Chuyến vận tải của các cô gái bắt đầu lúc 17 giờ chiều và kết thúc vào 5 giờ sáng hôm sau. Người giỏi đi một mình, tay lái yếu hơn thì đi hai người.

Họ phải chặt lá ngụy trang, đi ban đêm bằng ánh sáng hắt lên từ bóng đèn “quả táo” đặt dưới gầm xe để tránh máy bay phát hiện. Đến nơi tập kết hàng hóa, các cô kiêm luôn việc bốc vác; dọc đường về thì chăm sóc, động viên thương binh, làm thay cả nhiệm vụ của y tá.

Không thể kể hết những khó khăn, gian khổ mà đội nữ lái xe Trường Sơn phải đối mặt: thời tiết khắc nghiệt của chốn rừng thiêng nước độc mưa rừng, rắn rết, các chị phải vượt lên nỗi sợ hãi của phái yếu, sợ bóng tối, sợ những khoảng rừng trống, các chiến sĩ nữ cũng phải tập những thói quen của nam giới phải ăn, phải ngủ những giấc ngủ ngắn ngay trên xe, chui dưới gầm xe… chưa kể đến những mối nguy hiểm của cuộc chiến – nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc.

Những địa danh đã găm vào đầu đội nữ lái xe Trường Sơn như: bãi Dinh, Cổng Trời, bãi Đá Đẽo, phà Xuân Sơn, cầu Trạ Ang, ngầm Tà Lê, Ngã ba Đồng Lộc... được gọi là những túi bom của chiến trường.

Đoàn xe vận tải chủ yếu phải bám men theo sườn núi bên Tây Trường Sơn để đi, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có đoạn đường chỉ vừa cho chiếc xe lăn bánh, người lái căn đường không chuẩn là cả người, cả xe rơi xuống vực.

Huyền thoại về Đội nữ lái xe Trường Sơn - Ảnh 2.

Những đoàn xe của bộ đội Trường Sơn nối tiếp nhau tiến vào miền Nam. Ảnh tư liệu.

Trung đội nữ lái xe đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình vượt núi băng rừng, tải thương mà không một sức mạnh đạn bom nào có thể ngăn cản nổi.

Sức mạnh vật chất tàn bạo của kẻ thù những tưởng có thể hủy diệt sự sống con người nhưng từ trên những cung đường chông chênh các chị đã chứng minh điều ngược lại sự sống không chỉ tồn tại mà còn tồn tại trong một tư thế kiêu hãnh, hiên ngang – tư thế của người chiến thắng.

Sức mạnh quyết định, chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ... mà là con người - con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường dũng cảm, niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc:

“Vượt Cổng trời hàng đêm qua trọng điểm/ Rừng Cha Lo âu yếm vẫy tay chào/ Sang nước bạn ở bên kia biên giới/ Mỗi xe qua bao xương máu đồng bào/ Cứ như thế bao nhiêu ngày xe chạy/ Bao chuyến hàng vượt tuyến lửa vào Nam/ Và vũ khí vượt Trường Sơn vào trận địa/ Góp phần mình giải phóng miền Nam”.

Đầu năm 1972, Trung đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường đào tạo lái xe D255, thuộc Cục quản lý xe máy. 40 cô gái lái xe trở thành giáo viên đào tạo cho 2 khóa học viên gồm 300 lái xe nữ. Đội quân này tiếp tục phục vụ tại các kho xe, kho hàng, bệnh viện quân đội thay cho các lái xe nam ra trận.

Tại đây, Đại đội nữ lái xe C13 được thành lập với nòng cốt là Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh và 300 học viên lái xe nữ. Sau này, đội nữ lái xe được điều về trường đào tạo lái xe đi tập luyện tham gia lễ duyệt binh năm 1973, 1975, điều khiển những chiếc xe chỉ huy, xe thông tin, xe kéo pháo 157.

Huyền thoại về Đội nữ lái xe Trường Sơn - Ảnh 3.

Trung đội nữ lái gồm 40 cô gái, được tuyển chọn từ những nữ thanh niên xung phong trẻ tuổi, tháo vát. Ảnh tư liệu.

Năm 1975, đất nước được thống nhất, Đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa người phục viên, người tiếp tục làm bạn với tay lái.

Có người được hưởng cuộc sống yên ấm bên gia đình, nhưng người làm vợ không được làm mẹ, có người ở vậy không lấy chồng. Có 19 người trong số 40 chị là thương binh, 5 người mất bởi chất độc hóa học, cơ thể nhiễm chì bởi bao lần dùng miệng để hút xăng giữa rừng già.

Ghi nhận những đóng góp và cống hiến của các chị trong sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 2014, Đại đội nữ lái xe C13 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến tranh đã qua đi, sau hơn 40 năm, câu chuyện về trung đội nữ lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn, ta như được sống lại những năm tháng hào hùng của đất nước, sống lại hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của các chị cũng như của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Chiến công thầm lặng của họ mãi mãi là một bài ca bất tử./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại