Tài liệu này được áp dụng tại cộng đồng, cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và các cơ sở y tế có liên quan khác trong cả nước. Mục đích của Hướng dẫn này nhằm giúp nhân viên y tế đánh giá, phát hiện sớm người có nguy cơ sức khỏe hoặc rối loạn, bệnh tật do uống rượu, bia gây ra từ đó có các biện pháp tư vấn, hướng dẫn và can thiệp ban đầu để dự phòng, giảm thiểu các nguy cơ và tác hại đối với sức khỏe do uống rượu, bia.
Theo Hướng dẫn, uống rượu, bia gây nhiều tác hại đến sức khoẻ con người, gia đình, cộng đồng, gây mất an toàn giao thông, mất trật tự và an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế và các vấn đề xã hội khác.
Rượu, bia là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích như được mô tả trong Bảng phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan của Tổ chức Y tế thế giới lần thứ 10 (ICD10). Một số bệnh và thương tích chính do uống rượu, bia gây ra gồm:
Ung thư: Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp rượu, bia là chất gây ung thư thuộc Nhóm I, tức là có nguy cơ cao gây ung thư tương tự như thuốc lá, amiang hay bức xạ ion hóa. Uống rượu, bia là nguyên nhân liên quan trực tiếp tới ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, đại - trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.
Bệnh tim mạch: làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý như đột quỵ, suy tim, tăng huyết áp và phình động mạch chủ.
Bệnh hệ tiêu hóa: gây tổn thương gan (gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan cấp do rượu…), xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do vi rút viêm gan C và B, viêm tụy cấp tính và mạn tính, các bệnh lý tại thực quản, dạ dày,…
Rối loạn tâm thần: làm suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, lo âu, trầm cảm, loạn thần, kích động, tự sát…
Các rối loạn và bệnh lý khác: gây lão hóa sớm, suy giảm miễn dịch, hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai, trẻ đẻ ra nhẹ cân.
Thương tích: uống rượu, bia là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và gây thương tích không chủ ý và cố ý khác.
Các vấn đề về xã hội: ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình, giảm hoặc mất khả năng làm việc, mất việc làm, bạo lực, quan hệ tình dục không an toàn, các vấn đề liên quan đến pháp luật…
Để áp dụng can thiệp tại cộng đồng, việc đánh giá nguy cơ do uống rượu, bia dựa theo hướng dẫn trong bộ công cụ sàng lọc AUDIT (Alcohol Use Disorder Identification Test - Công cụ xác định rối loạn do sử dụng rượu, bia) của Tổ chức Y tế thế giới. Khi trả lời 10 câu hỏi của bộ công cụ AUDIT một người có thể có tổng điểm từ 0 đến tối đa là 40.
Dựa vào điểm số để phân loại thành 4 mức độ nguy cơ do uống rượu, bia gồm: Uống rượu, bia ở mức nguy cơ thấp; Uống rượu, bia ở mức nguy cơ cao; Uống rượu, bia ở mức nguy cơ rất cao; Nguy cơ lệ thuộc/nghiện rượu, bia.
Hướng dẫn cũng đưa ra Bộ công cụ, quy trình thực hiện sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu bia, cụ thể gồm: Bộ câu hỏi sàng lọc nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia; Quy trình thực hiện sàng lọc, can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu, bia bao gồm 4 bước:
Bước 1 - Tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng được sàng lọc
Bước 2 - Tiến hành phỏng vấn bằng bộ câu hỏi sàng lọc
Bước 3 - Phân loại mức độ nguy cơ
Bước 4 - Thực hiện can thiệp giảm tác hại
Thực hiện can thiệp giảm tác hại cho người uống rượu, bia theo các nhóm nguy cơ:
Nhóm nguy cơ 1: Truyền thông nâng cao nhận thức
Nhóm nguy cơ 2: Giáo dục nhận thức và hướng dẫn
Nhóm nguy cơ 3: Thực hiện tư vấn nhanh
Nhóm nguy cơ 4: Giới thiệu chuyển đến cơ sở y tế