Binh sĩ Hồng quân Liên Xô chiến đấu ở gần Kharkov trong Thế chiến II. Ảnh: Sputnik.
Sau khi quân đội Đức Quốc xã bị đánh bại ở Moscow vào mùa đông 1941-1942, ban lãnh đạo Liên Xô tin rằng đã đến lúc giành quyền chủ động trong cuộc chiến. Trong vài khu vực dọc theo mặt trận Xô-Đức, Hồng quân mở một cuộc tiến công quy mô lớn với mục đích đẩy lui và tiêu diệt quân địch, nhưng đã không đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên ở khu vực đông bắc Ukraine, các binh sĩ Xô viết đã thọc sâu được 100km vào các vị trí do địch kiểm soát, bám vững chắc được vào mỏm Barvenkovo.
Từ đây, Hồng quân có thể đe dọa sườn và lưng của đội hình quân Đức và đột phá vào trung tâm công nghiệp chính của Kharkov, và có thể cả tới sông Dnieper. Nhưng đồng thời, cũng tồn tại mối nguy hiểm là quân Đức sẽ khóa chặt “mỏm” này và nhốt quân Liên Xô lại.
Hồng quân bị phản kích dữ dội
Vào ngày 12/5/1942, Hồng quân mở một cuộc tiến công theo hướng Kharkov. Cuộc tấn công này được phát động từ mỏm Barvenkovo và từ thị trấn Volchansk, nằm ngay về phía bắc của mỏm này. Sau ba ngày kịch chiến, quân đội Liên Xô tiến được 35-50km và xe tăng của họ xuất hiện ở ngoại ô Kharkov vào ngày 15/5.
Phía Đức đã huy động sức mạnh khủng khiếp để chặn cuộc tiến công của Hồng quân. Hai ngày sau đó, vào ngày 17/5, Tập đoàn xe tăng “Panzer” số 1 của Đức, được máy bay yểm trợ, đánh vào điểm yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của Hồng quân , đó là cổ của mỏm Barvenkovo.
Một sĩ quan trong Sư đoàn bộ binh 257 của Đức nhớ lại: “Tuyến phòng ngự Nga đầu tiên sụp đổ dưới cơn mưa bom và đạn pháo.
Tuy nhiên, những lính Nga sống sót vẫn kháng cự dữ dội. bị Trung đoàn Lựu đạn 466 tấn công vào các vị trí của mình, một tiểu đoàn Xô viết vẫn chiến đấu đến người lính cuối cùng. Tìm thấy 450 lính Nga chết ở vị trí tiểu đoàn của họ đứng chân”.
Trong các tháng tồn tại mỏm Barvenkovo, không có cơ cấu phòng ngự phù hợp nào được xây dựng.
Quân Đức tiến nhanh, đè bẹp các đơn vị của Tập đoàn quân Xô viết số 9 cùng với lực lượng dự bị được triển khai để chặn cuộc đột phá của Đức. Nguy cơ bị bao vây lơ lửng thường trực trên đầu toàn bộ lực lượng tiến công của Hồng quân, lúc đó vẫn đang tiến đánh Kharkov.
Trung úy Hồng quân Yevgeny Okishev nhớ lại: “Đối với tôi, các trận chiến ở Kharkov có lẽ là khó khăn nhất trong toàn bộ cuộc chiến. Vô số những trận ném bom, tổn thất thật kinh khủng, sự rối trí trong các chỉ huy, tình trạng thiếu đạn dược”.
Bộ chỉ huy Liên Xô đã đánh giá quá thấp quy mô cuộc tiến công do Đức thực hiện. Chỉ đến ngày 19/5/1942, khi đã quá muộn, họ mới ra lệnh ngừng tấn công Kharkov và đối mặt với quân địch đang đột phá vào sau lưng.
Tướng Kirill Moskalenko - Tư lệnh Tập đoàn quân 38 của Hồng quân, tóm tắt như sau: “Trong thời gian hạn chế còn lại lúc đó, điều cần thiết đầu tiên là tập kết lượng lớn quân đang bị phân tán ra một khu vực lớn. Và đến lúc đó chúng tôi không biết phải thực hiện điều đó sao cho thích đáng”.
Quân Đức vây chặt và tiêu diệt lực lượng Liên Xô
Vào ngày 22/5, cách thị trấn Balakleya 10km, Tập đoàn tăng số 1 của Đức tiến từ phía nam, đã hội quân với hai sư đoàn xe tăng thuộc Tập đoàn quân số 6 của Friedrich Paulus đang đột phá từ phía bắc, giăng bẫy quân Liên Xô.
Bị nhốt trong “vạc dầu” này là 16 sư đoàn súng trường và 6 sư đoàn kỵ binh, cùng 12 lữ đoàn xe tăng và 2 lữ đoàn súng trường cơ giới, với tổng quân số là 200.000 người. Trong lúc đó, lực lượng Xô viết tiến từ Volchansk đã bị đẩy lui về vị trí xuất phát.
Quân Đức siết chặt vòng vây một cách có phương pháp, tiêu diệt hoặc bắt giữ các đơn vị Hồng quân bên trong vòng vây.
Bất cứ nỗ lực đột nhập từ bên ngoài đều bị đánh bại. Dù thiếu nhiên liệu, đạn dược, lương thực và gặp phải đối phương đang chiếm ưu thế trên bầu trời, các chiến sĩ Hồng quân trong vòng vây vẫn chiến đấu một cách anh dũng cho đến ngày 29/5/1942.
Chỉ có 22.000 binh sĩ Hồng quân tìm cách thoát khỏi vòng vây.
Vào ngày 26/5, tư lệnh Tập đoàn quân phương Nam, Thống chế von Bock kiểm tra thế bố trí của quân Đức đang bao vây quân Liên Xô:
“Mọi nơi đều có chung một bức tranh. Đối phương bị bóp nghẹt cố gắng phá vây ở chỗ này chỗ kia nhưng vẫn ở bên bờ vực sụp đổ.
Từ vị trí trên cao ở phía đông nam của Lozovenka, người ta có thể chứng kiến các pháo đội của chúng ta đang nã đạn từ mọi hướng vào khu vực “túi” bị bao vây, và sự chống cự của đối phương mỗi lúc một yếu đi...
Các đám đông tù binh cứ chảy dài về sau. Các đơn vị xe tăng và các đơn vị thuộc Sư đoàn sơn cước số 1 đang thực hành tấn công. Cảnh tượng thật ấn tượng!”.
Hậu quả của trận đánh Kharkov lần 2 này như sau: Hồng quân có khoảng 270.000 quân nhân bị tử trận, bị thương, hoặc bị bắt. Nhiều viên chỉ huy nổi bật của Hồng quân đã hy sinh trong chiến đấu hoặc tự sát, trong đó có ít nhất 10 viên tướng. Tổn thất phía quân Đức và Romania chỉ là 30.000 người.
Thất bại ở Kharkov đã làm suy yếu đáng kể vị thế của Hồng quân ở các Mặt trận phía Nam và phía Tây Nam, loại bỏ khả năng họ có thể mở bất cứ cuộc tấn công nào. Điều này cho phép quân Đức giành lại quyền chủ động chiến lược và chỉ một tháng sau đó, chúng đã thực hiện Chiến dịch Blau, qua đó có thể đột phá tới vùng Bắc Kavkaz và thành phố Stalingrad.