Khảo sát minh bạch
Kết quả khảo sát tại 30 quận, huyện của Hà Nội cho thấy, có 90,35% số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy.
Tuy nhiên, con số chỉ có hơn 15.000 người được lấy ý kiến trong khi có khoảng 5,2 triệu xe máy hàng triệu người đi xe máy đang đặt ra câu hỏi về việc liệu kết quả này có khách quan, phản ánh đúng ý kiến của người dân.
Nêu ý kiến tại tọa đàm "Hà Nội hạn chế xe cá nhân - Những lo lắng của người dân", ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho hay, trong một đề án không thể có một cuộc điều tra trên toàn thành phố mà chỉ có chọn mẫu tại các quận huyện, từ đối tượng sử sụng xe máy đến không, từ CBCNV, lao động tự do.
"Chúng tôi phối hợp với Công an Hà Nội, Sở GTVT, cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố đi phát phiếu đến tất cả các hộ dân đã được lựa chọn. Số lượng phiếu ra hơn 16.000 phiếu, thu về hơn 15.000 phiếu.
Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đề án tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân của người dân thủ đô là 84%, trong khu vực vành đai 3 là trên 85%.
Số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là trên 90%. Tuy nhiên, người dân thủ đô yêu cầu phải nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại", ông Mười nói.
Ngoài ra, theo ông Mười, trên 71% người dân được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; trong đó khu vực vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là hơn 67%.
Về độ minh bạch của việc lấy phiếu, ông Mười cho hay: "Trên mẫu phiếu khảo sát có chữ ký của từng người được hỏi, cả tổ trưởng tổ dân phố và cảnh sát khu vực.
Đây là phiếu chính danh đã được cụ thể hoá. Để đi tiếp xúc với những người hỏi một cách tỉ mỉ và thu nhập thông tin cụ thể".
Ông Lê Đỗ Mười.
Viện phó Viện chiến lược và phát triển GTVT cũng thông tin, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên làm đề án này vì vậy gặp khá nhiều khó khăn.
Trong quá trình xây dựng đề án Sở và Viện đã tổ chức rất nhiều toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý và đại diện các phương tiện truyền thông.
"Sau khi khảo sát và lấy ý kiến chúng tôi đã chỉnh sửa lại, nếu ban đầu chúng tôi đưa ra thời điểm dừng xe là năm 2025 thì sau đó sửa lại trong đề án là đến năm 2030 mới bắt đầu triển khai.
Bởi đến thời điểm ấy, các chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng mới phù hợp với nhịp độ và đáp ứng được việc có thể dừng xe máy. Đây là điều các chuyên gia cân nhắc, trao đổi rất nhiều và đã đi đến thống nhất.
Với dự án này, chúng tôi không chọn đối tượng bất kỳ trên đường như các đề án khác, mà có sự đầu tư và thông tin chính danh. Qua đây, tôi cũng mong các cơ quan báo chí sử dụng đúng từ dừng để phản ánh đúng vấn đề. Vì nếu dùng từ cấm là vi phạm Hiến pháp…", ông Mười nhấn mạnh.
Năm 2030 - hạn chế xe máy để phù hợp với cơ sở hạ tầng
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết thêm, khi nghiên cứu kinh nghiệm của các đô thị khi dừng phương tiện xe máy, ở một số nơi như Trung Quốc, Myanmar người ta đưa ra lộ trình chỉ từ 3-6 năm.
Và ban đầu, Sở GTVT cùng Viện chiến lược đưa ra mốc 2025, nhưng khi đưa ra hội thảo lấy ý kiến, các chuyên gia cho rằng, mốc từ 2016-2025, tức là khoảng 8-9 năm thì mốc thời gian ấy chưa đủ.
"Sau khi xem xét lại tất cả các điều kiện, chúng tôi nhận được chủ trương nghiên cứu làm sao đảm bảo mốc thời gian, nhu cầu đi lại của dân.
Chúng tôi cùng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) nhận thấy, thời điểm 2030 chúng ta đã đầu tư tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.
Như vậy, chúng tôi chọn thời điểm 2030 để thực hiện và đề án cũng đề cập đến việc mở dần vùng hạn chế phương tiện xe máy để phù hợp với cơ sở hạ tầng và mạng lưới vận tải hành khách công cộng", ông Viện nói.
Ông cho rằng, năm 2030, chúng ta đáp ứng được các phương tiện vận tải công cộng phục vụ cho dân nên dừng được xe máy.
"Chúng tôi đưa ra mốc này để định hướng các chương trình hành động, cũng là để người dân, doanh nghiệp có điều kiện thay đổi thói quen đi lại, phục vụ mục tiêu là đảm bảo nhu cầu đi lại của dân phù hợp với cơ sở hạ tầng", ông Viện chia sẻ.