Hơn 50% bệnh nhân Covid-19 bị rối loạn lo âu: Chuyên gia tâm lý đã phải thốt lên "bất lực"

Ngọc Minh |

Đây là con số được Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) đưa ra sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá sức khoẻ tinh thần của bệnh nhân các khoa tại bệnh viện.

Hơn 50% bệnh nhân mắc Covid-19 rơi vào tình trạng rối loạn âu lo, ảnh minh hoạ.

Hơn 50% bệnh nhân mắc Covid-19 rơi vào tình trạng rối loạn âu lo, ảnh minh hoạ.

Nhiều bệnh nhân bị rối loạn lo âu ở mức trầm trọng

Dịch Covid-19 quét qua không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ về thể chất cho người mắc mà còn ảnh hưởng cả sức khoẻ tinh thần.

Vừa qua, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) đã tiến hành khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở bệnh viện. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%.

Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỷ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở ô xy qua mặt nạ hoặc thở máy cũng có tỷ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy bệnh nhân hài lòng về mọi mặt trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Đồng thời, 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.

Trước nhu cầu có quá nhiều bệnh nhân gặp rối loạn lo âu, Ban Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã mời Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19 tại đây.

Hơn 50% bệnh nhân Covid-19 bị rối loạn lo âu: Chuyên gia tâm lý đã phải thốt lên bất lực - Ảnh 1.

Khảo sát của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cho thấy tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, ảnh minh hoạ.

Những ngày đầu đến bệnh viện, TS tâm lý Trì Thị Minh Thúy cảm nhận sự bất lực trước những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. "Ngành tâm lý có thể giúp khi bệnh nhân trao đổi, chia sẻ, nghe bệnh nhân giãi bày. Nhưng với bệnh nhân nặng, nằm máy thở không nói được thì tôi không biết mình giúp được gì", TS Thúy nói.

TS Thúy có tiếp cận bệnh nhân khác tỉnh hơn thấy khá nhiều bệnh nhân có vấn đề lo lắng, hoảng loạn, trầm cảm: "Khi bị bệnh cần người thân trong gia đình chăm sóc nhưng những người ở đây hoàn toàn cách ly, rất dễ rơi vào tình trạng buồn, chán nản, chán ăn. Có những bệnh nhân không chịu nói gì. Tôi kiên nhẫn nói chuyện với họ, khơi gợi những gì cụ thể như cho ăn, mát xa giúp bệnh nhân có dấu hiệu nói với mình để giao tiếp".

Những bệnh nhân trong ICU rơi vào sợ hãi thông thường bị ám ảnh bởi nhiều dây chung quanh, nhìn thấy người tử vong, thấy ác mộng, hoảng loạn vì sợ chết, sợ người thân trong gia đình chết. Nếu lúc đó có người tư vấn tâm lý sẽ giúp được họ từ từ trở về thực tại.

TS Thúy nhấn mạnh, những lo âu, hoảng loạn, trầm cảm là vấn đề chính hiện nay cần hỗ trợ để giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn. Điều này đòi hỏi phải có người kế bên đồng hành, lắng nghe và có những kỹ thuật tâm lý để giúp cho họ.

Tự chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19

Ths.BSNT Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện E, cho hay để có một sức khoẻ tinh thần tốt trong đại dịch Covid-19, ngay từ lúc chưa mắc bệnh mọi người cần lưu ý các vấn đề sau:

- Lắng nghe lời khuyên và khuyến nghị từ chính quyền địa phương và quốc gia của bạn. Theo dõi các kênh tin tức đáng tin cậy, chẳng hạn như đài phát thanh và truyền hình địa phương và quốc gia, đồng thời cập nhật những tin tức mới nhất từ ​​WHO trên các phương tiện truyền thông.

- Có một thời khóa biểu và cố gắng thực hiện nó càng nhiều càng tốt. Hãy thức dậy và đi ngủ vào những thời điểm tương tự mỗi ngày; Giữ gìn vệ sinh cá nhân; Thường xuyên ăn các bữa ăn lành mạnh, đúng giờ; Luyện tập thể dục đều đặn; Phân bổ thời gian cho làm việc và thời gian cho nghỉ ngơi; Dành thời gian để làm những việc bạn yêu thích.

- Giảm thiểu tin tức tiêu cực: Cố gắng giảm thời lượng xem, đọc hoặc nghe những tin tức khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc chán nản. Nên xem thông tin mới nhất vào những thời điểm cụ thể trong ngày, một hoặc hai lần một ngày nếu thực sự cần.

- Giữ liên lạc là quan trọng: Nếu việc đi lại của bạn bị hạn chế, hãy giữ liên lạc thường xuyên với những người thân thiết qua điện thoại và các nền tảng online khác như zalo, viber,....

- Giảm thời gian ngồi trước màn hình: Hãy biết bạn dành bao nhiêu thời gian trước màn hình mỗi ngày. Đảm bảo rằng bạn thường xuyên nghỉ ngơi sau các hoạt động trên màn hình tivi, máy tính hay điện thoại, ipad.

- Trò chơi điện tử: Mặc dù trò chơi điện tử có thể là một cách để thư giãn, nhưng bạn có thể dành nhiều thời gian cho chúng hơn bình thường khi ở nhà trong thời gian dài. Đảm bảo giữ cân bằng phù hợp với các hoạt động thể chất trong thói quen hàng ngày của bạn.

- Mạng xã hội: Sử dụng các tài khoản mạng xã hội của bạn để chia sẻ những câu chuyện tích cực và đầy hy vọng. Chỉnh sửa thông tin sai lệch ở bất cứ nơi nào bạn nhìn thấy.

- Giúp đỡ người khác: Nếu bạn có thể, hãy hỗ trợ cho những người trong cộng đồng của bạn, họ có thể cần nó, chẳng hạn như giúp họ mua sắm thực phẩm.

- Hỗ trợ nhân viên y tế: Tận dụng cơ hội trực tuyến hoặc thông qua cộng đồng của bạn để cảm ơn các nhân viên chăm sóc sức khỏe của quốc gia, tỉnh thành hay nơi bạn sinh sống cũng như tất cả những người đang làm việc để phòng chống COVID-19.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại