Sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động "Đăng ký hiến tặng mô tạng cứu người - Cho đi là còn mãi", đến nay, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp với các tỉnh thành phố, bệnh viện thành lập được 11 chi hội cơ sở.
Đơn vị mới nhất ra mắt chiều 12-11 là Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người thuộc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội).
Ngay sau lễ ra mắt, Chi hội đã phát động Chương trình đăng ký hiến tặng mô tạng, nhằm lan tỏa ý nghĩa cử cao cả và thúc đẩy việc đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người. Hơn 200 trăm y, bác sĩ của bệnh viện đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
Tiến sĩ - bác sĩ Tống Lê Văn, Phó Giám đốc bệnh viện - Chi hội trưởng Chi hội vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, cho biết bệnh viện là nơi có nhiều nguồn hiến mô tạng.
Bệnh viện sẽ theo dõi và vận động người nhà bệnh nhân đăng ký hiến mô, tạng khi bệnh nhân được chẩn đoán chết não. Đồng thời, vận động cộng đồng, đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân về mục đích, ý nghĩa của nghĩa cử hiến tặng mô tạng "cho đi là còn mãi".
Tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết nguồn mô tạng hiến tặng tại nước ta chủ yếu từ người cho sống, chiếm 96%.
Nguồn hiến từ người chết não còn rất hạn chế, chỉ chiếm 4%, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô tạng ngày càng tăng. Trong khi hàng ngày ở nước ta có tới 300 người chết não và hơn 6.000 mô, tạng bị lãng phí.
Bà Tiến cho rằng việc vận động hiến mô tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Đến nay, cả nước có khoảng 10.000 người đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời.
Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo do mô tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục như suy thận mạn, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc... Ước tính cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.