Triển vọng Ukraine tiếp nhận chiến đấu cơ MiG-29 từ thành viên NATO đang hồi sinh sau nhiều tháng đình trệ. Ảnh: Wikimedia Commons
Trong cuộc tranh luận trên sóng truyền hình quốc gia mới đây, Thủ tướng Séc Petr Fiala thông báo rằng Không quân nước này sẽ sớm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bên trong không phận nước láng giềng Slovakia.
Điều đáng nói là mối quan hệ hợp tác giữa hai nước thành viên NATO này có thể sẽ khởi động việc chuyển giao máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine, một ý tưởng đã có từ những ngày đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine nhưng vẫn chưa được hiện thực hóa.
Hôm 3/7, ông Fiala tiết lộ một số chi tiết của thỏa thuận, nói rằng từ tháng 9 tới, nước này sẽ triển khai máy bay SAAB JAS-39C Gripen tham gia các chiến dịch tuần tra bầu trời Slovakia.
Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cũng có mặt trong cuộc thảo luận trên, nói thêm rằng thỏa thuận này vẫn đang được đàm phán và hoạt động tuần tra có thể kéo dài một năm. Tuy nhiên kết quả đáng chú ý nhất có thể là cơ hội hiện thực hóa việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Slovakia cũng như cơ hội để Không quân Slovakia tặng lại đội MiG-29 Fulcrum của mình cho Ukraine.
Slovakia từ lâu đã tìm cách chấm dứt phụ thuộc vào phi đội máy bay chiến đấu MiG-29. Chiếc MiG-29 đầu tiên của họ đi vào hoạt động từ năm 1982. Điều đó khiến Slovakia buộc phải duy trì một số mối quan hệ với Nga để đảm bảo công tác bảo dưỡng hệ thống vũ khí và máy bay của mình.
Trong một nỗ lực nhằm cắt đứt mối quan hệ kéo dài đó và nâng cấp đội phi cơ chiến đấu của đất nước, Slovakia đã cho nghỉ hưu phần lớn phi đội MiG-29 để chuẩn bị cho đơn hàng 14 chiếc F-16 do Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất, đã đặt từ năm 2018.
Phi đội MiG-29 của Slovakia gồm 11 chiếc, với các biến thể MiG-29AS một chỗ ngồi và MiG-28 UBS hai chỗ ngồi. Phi đội này đã được nâng cấp để tuân thủ các yêu cầu của NATO, bao gồm lắp đặt các radio đặc biệt cũng như thiết bị Nhận dạng Bạn bè (IFF), màn hình hiển thị đa chức năng…
Đơn đặt hàng F-16 được dự kiến hoàn tất trong năm nay, tuy nhiên, ngày giao hàng đã bị lùi sang năm 2024. Sự chậm trễ này cùng với tình trạng xuống cấp trong khả năng sẵn sàng tác chiến của phi đội MiG-29 đã khiến Slovakia rơi vào tình cảnh thấp thỏm lo ngại.
Nước này đã phải yêu cầu NATO hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn không phận của họ trong lúc Không quân Slovakia chờ đợi lô hàng F-16 mới đến tay.
Chính phủ Séc cũng thừa nhận lỗ hổng tạm thời về an ninh trên không của Slovakia và đang tìm cách hỗ trợ bằng cách triển khai nguồn lực của mình để tuần tra không phận quốc gia láng giềng.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ Slovakia cho đến khi họ có máy bay mới”, Thủ tướng Séc Fiala nói trong cuộc tranh luận trên truyền hình.
Trong khi đó, Thủ tướng Heger của Slovakia tin rằng đây là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu chuyển giao các máy bay phản lực MiG-29 cho Ukraine.
Slovakia, cùng với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu như Ba Lan và Bulgaria, những nước vẫn sử dụng MiG-29, đã tích cực thảo luận về việc tặng những chiếc phi cơ chiến đấu cũ này cho Ukraine từ tháng 2, nhưng đến nay vẫn không có cuộc chuyển giao thực tế nào diễn ra.
Tuy vậy, Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã tài trợ các bộ phận của MiG-29, có thể cả khung máy bay cho Ukraine để giúp họ hồi sinh đội máy bay trong nước. Sáng kiến này được cho là đã thành công ở một mức độ nào đó.
Việc chuyển giao những chiếc MiG-29 của Slovakia cho Ukraine phần lớn phụ thuộc vào việc Mỹ hoàn tất thỏa thuận chuyển giao F-16 và thiết lập sự đảm bảo của NATO trong hỗ trợ bảo vệ không phận Slovakia.
Trước đó, Mỹ đã tuyên bố rằng họ hoàn toàn ủng hộ các nước chuyển giao MiG-29 cho Kiev. Và với những diễn biến tích cực hiện tại, khả năng Ukraine nhận được lô MiG-29 trong tương lai gần có thể trở thành hiện thực.
Trước cuộc chiến với Nga, trang Janes Defense báo cáo rằng Ukraine có 44 chiếc MiG-29 còn hoạt động được. Tuy nhiên, rất khó có thể theo dõi con số này hiện nay vì xung đột đang diễn ra và các tổn thất có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Một vấn đề đặt ra nữa là làm thế nào Chính phủ Slovakia có thể vận chuyển các máy bay chiến đấu c cho Ukraine.
Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ nhắm mục tiêu vào những lô hàng vũ khí và khí tài quân sự được phương Tây cung cấp cho Ukraine. Moskva cũng nhấn mạnh rằng việc giao máy bay chiến đấu sẽ vượt qua lằn ranh đỏ.
Chưa hết, phi đội MiG-29 của Slovakia có thể không đủ khả năng thực hiện chuyến bay chuyển giao nếu không trải qua hàng núi công việc bảo dưỡng cần thiết. Vì vậy, có nhiều khả năng máy bay sẽ được tháo rời một phần và chuyển giao bằng phương tiện vận chuyển mặt đất.