Hoạt động tình báo trong cơn đại dịch

Nguyên Khang |

Đại dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó ngành tình báo đang gặp không ít khó khăn do phải đối mặt với các biện pháp phòng dịch. Nhưng các cơ quan tình báo khắp thế giới không chỉ ngồi chờ vận may đến…

Hoạt động thế nào khi bị cách ly?

Đại dịch COVID-19 đang gây khó khăn cho đời sống người dân toàn thế giới, khiến hàng triệu người mất việc làm, mất thu nhập và thậm chí mất mạng. Không những thế, đại dịch còn đặt ra vấn đề khó khăn không nhỏ cho ngành tình báo.

Nghề tình báo là nghề tiếp xúc nhiều để xây dựng mối quan hệ cần thiết cho mục tiêu nhiệm vụ. Từ khâu tuyển mộ điệp viên nội gián cho đến việc thu thập thông tin tình báo, tất cả đều cần đến hoạt động của tình báo con người (HUMINT).

Hoạt động tình báo trong cơn đại dịch - Ảnh 1.

Giám đốc MOSSAD, ông Yossi Cohen.

Một điệp viên CIA ở châu Á có một cuộc hẹn bí mật với "tài sản" của CIA tại địa phương nhưng không thể thực hiện việc giao dịch theo cách thức thông thường. Điệp viên hoạt động bí mật ở nước ngoài cần được bảo vệ bởi một vỏ bọc nhất định.

Cái khó của các điệp viên trong đại dịch là làm sao tránh gây sự chú ý của cơ quan chức năng sở tại. Khi việc ra khỏi nhà bị hạn chế, việc tiếp xúc cũng bị hạn chế thì bất kỳ cuộc tiếp xúc nào ở một nơi công cộng, như công viên, nhà hàng, bến tàu, trạm xe buýt… đều khó thực hiện.

Tờ tạp chí Time mới đây cho biết, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã gặp vô vàn khó khăn khi hoạt động của mạng lưới điệp viên ở nước ngoài gần như đứng yên vì đại dịch.

Đối với CIA, việc quan trọng trong hoạt động tình báo con người là thực hiện quy trình tuyển mộ "tài sản", tức điệp viên nội gián ở nước ngoài. Quy trình này bao gồm việc phát hiện, đánh giá, tuyển mộ và quản lý "tài sản".

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho từng khâu trong quy trình này đều gặp khó. Việc đánh giá một "tài sản" tương lai cần phải có sự tiếp xúc trực tiếp không chỉ một mà nhiều lần.

Để ứng phó đại dịch, nhiều quốc gia châu Âu, châu Á hiện đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế tiếp xúc giữa người với người khiến cho hoạt động đánh giá "tài sản" gặp khó khăn, thậm chí không thực hiện được.

Đó là chưa nói đến công tác quản lý, giám sát và tiếp nhận thông tin từ "tài sản" chuyển giao. Khi việc ra khỏi nhà bị hạn chế, thì việc tiếp nhận thông tin tình báo theo cách truyền thống hầu như là không thể.

Chính phủ Mỹ đã đầu tư hàng tỉ USD cho việc xây dựng các hệ thống vệ tinh tình báo và các công nghệ khác có khả năng quan sát, do thám, nghe trộm siêu đẳng, thu thập thông tin hàng ngày từ khắp thế giới với khối lượng vô cùng lớn từ các nguồn mở, với hơn 150 ngôn ngữ.

Việc sàng lọc thông tin, dữ liệu thu thập được đã là một việc vô cùng khó khăn, quá tải đối với các cơ quan tình báo Mỹ.

Dĩ nhiên, CIA, MI-6, MOSSAD hay các cơ quan tình báo khác đều có phương án ứng phó với hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch COVID-19. Một trong những phương pháp đang thịnh hành trên thế giới là làm việc từ xa, làm việc trực tuyến thông qua mạng Internet.

Hoạt động tình báo trong cơn đại dịch - Ảnh 3.

Tình báo chuyển sang hoạt động từ xa, qua mạng Internet trong đại dịch COVID-19.


Đối với ngành tình báo, đây là phương pháp làm việc có phần rủi ro cao. Các điệp viên khi làm việc từ xa đều cần phải có phương án bảo vệ an toàn thông tin bí mật, đặc biệt là phải ứng phó với các đối thủ đang ngày càng đạt nhiều tiến bộ về công nghệ tình báo mạng.

Một số cuộc gọi điện thoại có thể phải thực hiện bằng phương tiện mã hóa hoặc thông qua hệ thống trao đổi thông tin bí mật được Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng bấy lâu nay có tên gọi là SIPRNET (Secret Internet Protocol Router Network).

Hệ thống này tuy không đắt lắm (khoảng 25.000 USD chi phí cài đặt), nhưng phạm vi xử lý thông tin hạn chế trong nội bộ các cơ quan. Một hệ thống khác có tên là Joint Worldwide Intelligence Communications System (JWICS) có thể xử lý thông tin tình báo tối mật. Chi phí lắp đặt cho hệ thống này hiện khá đắt tiền, lên đến 70.000 USD.

Các nhà ngoại giao, quan chức cao cấp, các điệp viên trong phạm vi mạng lưới liên lạc luôn di chuyển, thay đổi địa điểm khắp nơi trên thế giới nên việc lắp đặt hệ thống này trở nên lãng phí, gây tốn kém không cần thiết.

Nhưng phương tiện công nghệ dù tiên tiến đến đâu cũng không thể thay thế con người trong hoạt động thu thập thông tin tình báo. Công nghệ không thể "đọc và hiểu" được đối phương đang suy nghĩ gì trong đầu, có tâm trạng, tình cảm ra sao để có thể nắm bắt được chiều hướng hành động.

"Chỉ có tình báo con người mới có thể hiểu được làm cách nào để thu thập thông tin và nắm bắt được động cơ của đối tượng chia sẻ thông tin" – cựu điệp viên CIA Douglas London chia sẻ.

Tình báo trong cuộc chiến chống COVID-19

Trung tuần tháng 4/2020, báo chí Mỹ bỗng rộ lên thông tin rằng ngay từ tháng 12-2019, các cơ quan tình báo Mỹ, đặc biệt là CIA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ virus corona từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc lây lan rộng khắp thế giới.

Thế nhưng, khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bỏ qua thông tin cảnh báo này, vì cho rằng virus corona không thể chạm đến nước Mỹ. Thực tế ngày nay cho thấy nước Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất, chết chóc nhất thế giới.

Hoạt động tình báo trong cơn đại dịch - Ảnh 4.

Các y bác sĩ quân đội Nga được cử sang Italy bị cáo buộc có cài "điệp viên".


Tại Israel, Cơ quan tình báo MOSSAD cũng đã có những dự báo từ sớm về đại dịch COVID-19. Dự báo ban đầu cho rằng Israel có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, từ đó Giám đốc MOSSAD Yossi Cohen trở thành quan chức tình báo đầu tiên trên thế giới lăn xả vào cuộc chiến chống COVID-19.

Báo chí Israel thường xuyên đưa hình ảnh ông Cohen làm việc cùng Bộ trưởng Y tế Yaakov Litzman, cho thấy Cơ quan tình báo MOSSAD đóng vai trò khá lớn trong cuộc chiến chống COVID-19.

Đầu tháng 3/2020, MOSSAD thành lập một trung tâm chỉ huy và điều hành công tác chống COVID-19 do ông Cohen đứng đầu nhằm quản lý việc phân phát các trang thiết bị y tế.

Trung tâm này đặt trụ sở tại thành phố Sheba, với thành phần bao gồm người của MOSSAD, Bộ Quốc phòng Israel và đơn vị tình báo Unit 81 của quân đội Israel. Từ khi đi vào hoạt động, trung tâm này đã giúp chính phủ Israel thu mua hàng chục nghìn trang thiết bị y tế phục vụ công tác chống dịch.

Cũng như tình báo Mỹ, các cơ quan tình báo Israel, Nga, Italy và một số nước sử dụng công nghệ cao, hệ thống vệ tinh do thám để giám sát, theo dõi các nguồn lây nhiễm COVID-19.

Tình báo Trung Quốc được cho là đã khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu công dân điện tử để giám sát những người mang COVID-19, treo thưởng cho những người phát hiện và báo với cơ quan chính quyền về trường hợp nghi nhiễm COVID-19.

Trong khi đó, tình báo Israel đã triển khai chương trình giám sát kỹ thuật số toàn quốc sử dụng công nghệ phần mềm gián điệp để theo dõi điện thoại di động cá nhân nhằm xác định phạm vi, địa điểm phân bố người nhiễm COVID-19.

Chương trình này vốn được chính phủ Israel sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố và các hoạt động chống Iran, Palestine và một số đối thủ khác trong khu vực.

Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình giám sát qua điện thoại, giám sát kỹ thuật số nêu trên lại gây ra những phản ứng trái chiều, vì chúng xâm phạm các quyền tự do cá nhân, nhất là quyền riêng tư của công dân.

Trong những ngày đầu đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, Mỹ đã lên tiếng đề nghị cử phái đoàn sang hỗ trợ Trung Quốc chống dịch nhưng đã bị từ chối. Bắc Kinh không giải thích vì sao từ chối, nhưng nhiều người cho rằng một trong những lý do quan trọng nhất là vấn đề tình báo.

Không thể không cảnh giác trong trường hợp này, vì bất kỳ thành viên nào trong phái đoàn chuyên gia được Mỹ cử sang cũng đều có thể là điệp viên.

Đầu tháng 4/2020, đến lượt Nga và Italy khẩu chiến vì những vấn đề liên quan đến hoạt động tình báo trong đại dịch. Truyền thông Italy cáo buộc Nga đã cài điệp viên vào trong hàng ngũ các y, bác sĩ cử sang hỗ trợ dập dịch ở miền bắc nước này.

Bộ Quốc phòng Nga ngay sau đó phản bác luận điệu xuyên tạc, gọi đó là sự bài xích không có lợi cho quan hệ hai nước. Thủ tướng Italy đã phải lên tiếng đề nghị hai bên tạm gác tranh cãi để cùng nhau chống dịch.

Theo các chuyên gia, sự nghi ngờ của Trung Quốc hay cáo buộc của truyền thông Italy đều có liên quan đến hoạt động tình báo trong đại dịch mà mục tiêu quan trọng được cho là nhằm thu thập những thông tin bí mật về dịch bệnh của nước sở tại.

Một cựu quan chức CIA cho biết, các cơ quan tình báo tìm cách thu thập thông tin tình báo từ các quốc gia khác nhằm tìm kiếm sự thật mà họ nghi ngờ là bị che giấu về tình hình dịch bệnh. Gần đây, truyền thông Mỹ cũng rộ lên thông tin tình báo nghi ngờ Trung Quốc che giấu một phần sự thật về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19.

Không chỉ tìm kiếm thông tin sự thật, các cơ quan tình báo còn tham gia vào công tác chống tin giả liên quan đến đại dịch COVID-19.

Trên thế giới hiện đang diễn ra một cuộc cạnh tranh thế dẫn dắt toàn cầu trong cuộc chiến cam go này. Trong cuộc cạnh tranh này, thông tin giả được xem là một công cụ quan trọng nhằm gây tâm lý lo sợ, thậm chí hoảng loạn, gây rối ren tình hình của quốc gia đối thủ.

Hoặc, thông tin giả cũng thường được sử dụng để bôi bác hình ảnh một quốc gia được xem là "thủ phạm" làm lây lan COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Gần đây, trên truyền thông phương Tây cũng như mạng xã hội toàn cầu xuất hiện thông tin về những lô hàng khẩu trang và bộ kit xét nghiệm COVID-19 do Trung Quốc cung cấp cho châu Âu trong cái gọi là "con đường tơ lụa y tế" không đạt chất lượng, gây nên phản ứng chống lại Trung Quốc tại nhiều quốc gia.

Để chống lại những thông tin như thế này, nhiệm vụ của các cơ quan tình báo Trung Quốc là đưa ra những thông tin phản hồi để bác bỏ những luận điệu sai trái, tăng cường tuyên truyền những thông tin tích cực nhằm xây dựng hình ảnh đất nước Trung Quốc đáng tin cậy hơn, không phải là "kẻ phá hoại" như phương Tây cố tình tô vẽ.

Những thay đổi của tình báo sau đại dịch

Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi phương thức hoạt động của các cơ quan tình báo mà còn làm thay đổi cả mục tiêu, định hướng gián điệp của nhiều cơ quan tình báo trên thế giới.

Thông thường trước đây, bản báo cáo tình báo hàng ngày đặt trên bàn làm việc của một nguyên thủ quốc gia luôn chứa đựng thông tin về an ninh chính trị, quân sự…

Mỗi giai đoạn lịch sử, vấn đề trọng tâm hàng đầu trong bản báo cáo tình báo thay đổi khác nhau. Thời Chiến tranh Lạnh, nội dung báo cáo tình báo luôn là tình hình chính trị, quân sự của các quốc gia khối xã hội chủ nghĩa.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, sự đối đầu về chính trị, quân sự đó không còn nữa, tình báo đã chuyển mục tiêu quan tâm sang lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ.

Kể từ sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, khủng bố trở thành vấn đề an ninh quốc gia bao trùm trong bản báo cáo tình báo trình lên Tổng thống Mỹ. Trong tình hình hiện nay, trọng tâm quan trọng hàng đầu là đại dịch COVID-19, những thông tin về dịch bệnh tại các nước…

Sau đại dịch, các chuyên gia cho rằng nội dung thông tin tình báo sẽ có thêm phần dự báo nguy cơ các loại dịch bệnh tiềm ẩn đe dọa an ninh và sức khỏe người dân để làm cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết sách tránh để xảy ra đại dịch như COVID-19 hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại