BS. Dương Ngọc Thắng – Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết, ngày 19/8/2018, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân nam (49 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) do bị chó nhà cắn.
Giống chó cắn người này là giống bécgiê – loại chó được coi là rất dũng mãnh và được ưa chuộng hiện nay.
BS. Thắng cho biết, bệnh nhân này trước đây bị tai nạn giao thông nên cụt chân phải, di chuyển bằng chống nạng. Khi thấy 2 con chó nhà cắn nhau, anh này đã cầm nạng đánh vào con chó để can ngăn, thấy vậy cả 2 con chó quay lại cắn chủ vào vùng cổ.
Khi bị cắn, máu chảy rất nhiều từ vết thương, bệnh nhân được đưa vào sơ cứu cầm máu tại BV gần nhà rồi chuyển thẳng đến BV Việt Đức sau tai nạn 2giờ 30 phút.
Giống chó bécgiê hung dữ cắn chết người thương tâm. Ảnh minh họa.
Theo BS. Thắng, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc rất nặng do mất máu cấp, hôn mê sâu, huyết áp và mạch ngoại vi không đo được, băng vết thương sũng máu.
Có 2 vết thương ở vùng cổ bên phải, mép nham nhở - nằm trên đường đi của bó mạch cảnh (mạch máu chính nuôi não) đang tiếp tục chảy máu.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc mất máu rất nặng và rối loạn đông máu do vết thương cổ phải.
Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu, kiểm tra động mạch cảnh phải thấy bị vết thương giập nát, nham nhở trên suốt đoạn dài 5 cm – tới tận sát góc hàm, vết thương động mạch đốt sống phải.
Như vậy là bị tổn thương cả 2 động mạch chính nuôi não ở bên cổ phải.
Bác sĩ đã tiến hành cắt đoạn động mạch cảnh tổn thương, ghép bằng tĩnh mạch hiển tự thân, khâu cầm máu động mạch đốt sống.
“Tuy nhiên sau phẫu thuật do bệnh nhân sốc quá nặng trước mổ, mất tri giác và hôn mê sâu, rối loạn đông máu nặng với tiểu cầu còn 12.000 (bình thường là 150.000).
Do không còn khả năng điều trị, nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà”- BS. Thắng cho hay.
Tổn thương ở bệnh nhân do chó nhà cắn gây ra.
Điều đáng nói đây không phải là trường hợp đầu tiên bị chó cắn chết người. Trước đó không lâu, BV Việt Đức cũng tiếp nhận một trẻ bị chó Ngao Tây Tạng cắn tử vong.
Ngoài ra, các ca chấn thương thương tâm khác do chó cắn nhập viện rất nhiều gióng lên hồi chuông đáng báo động.
Để phòng tai nạn do chó cắn, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác với các tai nạn chó cắn – kể cả chó nhà, do mức độ tổn thương hết sức trầm trọng trong thời gian gần đây.
Trường hợp bị cắn vào chỗ hiểm, chảy máu nhiều qua vết thương thì nhiều khả năng bị tổn thương vào mạch máu lớn, khi đó cần dùng khăn bông dầy bịt và ép chặt vào vết thương để cầm máu tạm thời, rồi chuyển đến các bệnh viện lớn gần nhất để cầm máu và phẫu thuật cấp cứu – hoặc chuyển tuyến cao hơn.
Không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc mất máu không hồi phục.
Để chủ động phòng chó cắn và bệnh bệnh Dại do chó mèo cắn gây ra, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
5. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch -đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.
6. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
7. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
8. Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
9. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.