1.Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh
Nguyên nhân chủ yếu cảm nhiễm hàn tà từ mùa đông, nhưng chưa phát bệnh mà ẩn lại trong cơ thể, uất lại lâu ngày hóa nhiệt. Khi mùa xuân đến dương khí phát tiết hoặc do phong hàn tác động vào, nhiệt ẩn ở trong mà sinh bệnh.
Bệnh thường xâm phạm vào các kinh can (gan), đởm (mật) và thận, chúng đều tác động và làm tổn thương đến dinh huyết.
Biểu hiện sốt nhẹ, sợ lạnh, miệng đắng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, khát nước, bực dọc, nước tiểu ít, bụng đau, tiêu chảy, mạch huyền sác.
2.Công dụng của hoàng cầm
Là một trong nhiều vị thuốc cơ bản của Đông y, hoàng cầm tính hàn, lạnh nên thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh do nhiệt sinh ra như ho có đờm , mụn nhọt sưng đau, tiêu chảy kiết lỵ…
Theo ghi chép trong Biệt Lục, hoàng cầm có tính hàn, không độc. Theo Bản Kinh, hoàng cầm có vị đắng, tính bình. Theo Trung Dược Đại Từ Điển hoàng cầm vị đắng, tính hàn. Theo Trung Dược Học hoàng cầm vị đắng, tính lành. Theo Dược Tính Luận hoàng cầm vị đắng và ngọt... đều lợi về kinh tâm, can, phế, đởm, đại trường.
Hoàng cầm phối hợp với gừng có tác dụng trị ho. Hoàng cầm sao đen tăng cường tính thu liễm cố sáp, cầm máu, chống ôxy hóa tốt. Ngoài ra, hoàng cầm còn có tác dụng dẫn thuốc, làm thay đổi tác dụng và giảm đi một số tác dụng phụ của vị thuốc.
Cây hoàng cầm
Trong nghiên cứu của y học hiện đại, hoàng cầm chứa chất flavon và flavonoid, có khả năng tiêu viêm, kháng khuẩn, tăng sức đề kháng. Nhờ tính kháng khuẩn rộng, hoàng cầm có tác dụng ức chế với nhiều loại vi khuẩn: Trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, ho gà , lỵ, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn viêm não, viêm phổi, liên cầu khuẩn tan huyết. Hoàng cầm còn có tác dụng hạ nhiệt, giảm ho, trừ đờm, lợi tiểu, hạ huyết áp .
3. Bài thuốc hoàng cầm thang
3.1 Thành phần:
Hoàng cầm 30g, cam thảo 12g, thược dược 36g, đại táo 12 quả.
Cách dùng: Cam thảo chích, đại táo xé ra. Bốn vị trên sắc với 1500 ml nước, lọc bỏ bã, lấy 250ml, chia làm 4 phần, uống trong ngày.
3.2 Công dụng bài thuốc:
Trị tiêu chảy, kiết lỵ do đại trường thấp nhiệt,
Vị thuốc hoàng cầm
Phương giải bài thuốc:
-Hoàng cầm thanh vị trường thấp nhiệt là chủ dược.
-Thược dược điều huyết hòa can, giảm đau bụng.
-Cam thảo, đại táo hòa tỳ vị.
3.3 Gia giảm bài thuốc, ứng dụng trong điều trị
-Trường hợp nhiệt lỵ, bụng đau mót rặn, dùng bài thuốc trên, bỏ đại táo (còn gọi là bài Hoàng cầm thược dược thang).
-Trường hợp lỵ trực trùng, phân có mủ máu, bụng đau mót rặn, bỏ đại táo, thêm hoàng liên, đại hoàng, binh lang, đương quy, mộc hương, nhục quế (òn gọi là bài Thược dược thang).
- Trường hợp thấp nhiệt lỵ, dùng bài thuốc trên, bỏ đại táo, tăng hàm lượng bạch thược, gia thêm thuốc hành khí đạo trệ: Chỉ thực, mộc hương…
- Kiết lỵ kèm theo nôn mửa thêm bán hạ, sinh khương (còn gọi là bài Hoàng cầm gia bán hạ sinh khương thang).