Hỗ trợ tâm lý nạn nhân sau thảm hoạ: Tránh gợi lại ký ức đau buồn

Đức Trân |

Sau khi tiếp xúc với một sự kiện chấn thương tâm lý cực mạnh, nạn nhân thường dễ rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý, rối loạn căng thẳng với hậu quả nặng nề cho sức khỏe tâm thần.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân phản ứng với những chấn thương tâm lý này với nỗi sợ hãi và bất lực, họ luôn hồi tưởng lại sự kiện đau buồn và cố gắng để xa lánh nó. Sự kiện này có thể được sống lại trong những giấc mơ và suy nghĩ của bệnh nhân lúc thức (hồi tưởng).

PGS.TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) cho biết: Thông thường, các cá nhân có hồi tưởng về các sự kiện khó chịu đã xảy ra. Những hồi tưởng này tái phát một cách tự phát hay được kích hoạt bởi các kích thích gợi nhớ của những kinh nghiệm đau thương. Các bệnh nhân có thể mất khả năng để cảm nhận những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, niềm vui, sự hài lòng... Họ hầu như chỉ có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn rầu, giận dữ, tội lỗi hoặc xấu hổ. Một số bệnh nhân không có khả năng nhớ khía cạnh quan trọng của sự kiện chấn thương.

Đặc biệt, đối với trẻ em, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sau một tai nạn hay thảm họa như vụ cháy chung cư, những biểu hiện thường thấy nhất ở trẻ bị sang chấn tâm lý là dễ bị tổn thương, sợ hãi và lo âu; Các ký ức xâm nhập mạnh mẽ; Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ); Cảm giác tội lỗi/tự trách; Tránh né mọi chi tiết gợi lại sự kiện; Khó khăn trong việc tập trung; Tức giận; Buồn bã; Đau cơ thể; Thu mình, cắt đứt các mối quan hệ xã hội... Tình trạng này có thể kéo dài trong thời gian ngắn khoảng 1 tuần đến 1 tháng, nhưng cũng có thể lâu hơn. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài cả đời tùy từng mức độ.

PGS.TS Trần Thành Nam khuyến cáo, việc hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân sau tai nạn, thảm họa cần phải làm thận trọng. Cụ thể, cần tiếp cận nạn nhân một cách đầy tôn trọng. Nếu có thể, hãy tìm chỗ an toàn và yên tĩnh để nói chuyện. Giúp nạn nhân cảm thấy dễ chịu bằng những hành động nhỏ. Nếu nạn nhân đang bị sang chấn nặng, hãy cố gắng đừng để họ một mình và giúp họ trấn tĩnh. Sau đó, người tiếp cận hỏi về những nhu cầu và mối lo lắng của nạn nhân. Tìm hiểu được điều gì là quan trọng nhất đối với họ lúc này. Từ đó, mới sắp xếp được các mối ưu tiên. Người hỗ trợ không nên ép buộc nạn nhân phải nói. Thay vào đó, hãy lắng nghe và giúp nạn nhân trấn tĩnh bằng việc ở bên đồng hành. Việc sơ cứu cần giúp nạn nhân trấn tĩnh trở lại cả về trí óc lẫn cơ thể bằng cách giữ giọng nói nhẹ nhàng và bình thản. Cố gắng duy trì tiếp xúc mắt với nạn nhân. Nhắc nạn nhân rằng, rất nhiều người đang ở đó để giúp họ và họ đang được an toàn.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Quang Huy nhấn mạnh, nhân viên y tế hoặc các thành viên trong gia đình cần giữ vững tình trạng tâm lý cho bệnh nhân. Động viên an ủi bệnh nhân để họ nhận thấy rằng nguy hiểm đã qua, giúp họ thư giãn, hướng dẫn cách tập thở chậm để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về cơ thể. Tránh gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý để bệnh nhân không phải sống lại các ký ức đau buồn của chấn thương tâm lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại