Ảnh minh họa
Đây cũng là một triệu chứng cho thấy, có thể bệnh sốt xuất huyết đã bước vào giai đoạn trầm trọng.
Nguy cơ bùng phát cao
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã có 7.701 ca mắc sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng cảnh báo, TPHCM đang bước vào mùa mưa. Đây là thời điểm dễ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết do phát sinh nhiều muỗi và lăng quăng ở các ổ nước đọng.
Để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát, ngành y tế TPHCM kêu gọi người dân chung tay phòng, chống dịch bệnh này. Cụ thể, khi phát hiện những nơi có nhiều muỗi, nhiều ổ phát sinh lăng quăng thì phản ánh ngay thông tin qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” để các cơ quan chức năng kịp thời tiếp nhận và chuyển UBND quận, huyện và TP Thủ Đức xử lý triệt để.
Năm 2022, dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao, cả nước ghi nhận 361.813 ca mắc, trong đó 133 ca tử vong. Riêng TPHCM có 81.878 ca mắc. Từ ngày 22/5 - 15/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã thực hiện giám sát hoạt động phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở 25 phường xã, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Kết quả giám sát ghi nhận 47 điểm có lăng quăng trong tổng số 85 điểm được giám sát, chiếm tỷ lệ 55,2%. Trong số 9 điểm nguy cơ là hộ gia đình thì có đến 7 điểm có lăng quăng, chiếm tỷ lệ 78%.
Những số liệu này cho thấy nguy cơ sốt xuất huyết xuất hiện rải rác trên toàn thành phố và ở ngay trong những hộ gia đình.
Đặc biệt, sốt xuất huyết có nhiều triệu chứng tương tự các bệnh lý viêm đường hô hấp khác khiến người bệnh dễ nhầm lẫn như: Sốt cao, nhức đầu, mệt mỏi,… Theo ThS Nguyễn Diệu Thuý - Hệ thống Tiêm chủng VNVC, ho cũng là một triệu chứng cho thấy có thể bệnh sốt xuất huyết đã bước vào giai đoạn trầm trọng.
Lý do sốt xuất huyết có thể gây ho
Những đồ vật lâu ngày không dùng đến bị vứt bỏ xung quanh nhà là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi sốt xuất huyết khi mùa mưa đến. Chỉ cần một ít nước đọng trong xô, chậu bị bỏ quên cũng trở thành một ổ lăng quăng. Hay thậm chí, ít ai ngờ rằng khay hứng nước từ tủ lạnh, quạt hơi nước, bình nước nóng lạnh hay từ máy điều hòa nhiệt độ đều có khả năng trở thành ổ lăng quăng của muỗi...
Theo ThS Thuý, có nhiều cơ chế khác nhau khiến người bệnh sốt xuất huyết bị ho. Người bệnh có thể bị ngứa cổ, kích thích vùng hầu họng. Vào giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết, dịch từ các khoảng gian bào được tái hấp thu vào trong lòng mạch.
Sự tái hấp thu xảy ra tại các mô vùng hầu họng của đường hô hấp. Do đó, bệnh nhân thường có cảm giác ngứa cổ, kích thích vùng hầu họng. Từ đó, xuất hiện triệu chứng ho. Ho do tái hấp thu dịch trong giai đoạn hồi phục, thường là ho khan.
“Khi bị bệnh sốt xuất huyết, dịch từ huyết tương thoát ra các khoang ngoại bào của cơ thể, trong đó có cả khoang màng phổi. Tràn dịch màng phổi có thể khiến lá thành và lá tạng màng phổi bị kích thích dẫn đến triệu chứng ho.
Cũng như ho do kích thích vùng hầu họng, ho do tràn dịch màng phổi cũng là ho khan, ho có đờm hoặc lẫn máu. Ho tăng lên khi thay đổi tư thế, vận động. Ho sẽ ngày càng nặng theo các triệu chứng của giai đoạn nguy hiểm”, ThS Thuý giải thích.
Ngoài ra, phù phổi cấp cũng có thể là nguyên nhân gây ho khi sốt xuất huyết. Phù phổi cấp là hiện tượng dịch thoát quá nhanh vào lòng các phế nang, khiến phế nang ngập nước.
Do đó, phù phổi cấp còn được gọi là hiện tượng “chết đuối trên cạn”. Phù phổi cấp không chỉ đơn giản là gây ra những cơn ho đột ngột, có đờm, mà còn là một biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gặp biến chứng viêm phổi. Tỷ lệ mắc viêm phổi tăng lên ở những bệnh nhân nặng, phải điều trị dài ngày ở các khoa hồi sức tích cực. Viêm phổi khiến người bệnh có biểu hiện ho, khạc đờm.
Với bệnh nhân bị ho khi bị sốt xuất huyết, ThS Thuý cho biết, việc điều trị còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây triệu chứng. Trong đa số các trường hợp, bệnh nhân sốt xuất huyết chỉ ho khan do tăng tái hấp thu dịch gây ngứa, kích thích vùng hầu họng, hoặc tràn dịch màng phổi.
Lúc này, ho được xem là một triệu chứng trong quá trình diễn tiến tự nhiên của bệnh sốt xuất huyết. Khi đó, người bệnh hoàn toàn có thể tự khỏi khi sốt xuất huyết thoái lui mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, người bệnh ho dữ dội, gây khó chịu và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt. Lúc này, các loại thuốc kháng histamin H1 thường được các bác sĩ lựa chọn để giảm ho cho bệnh nhân có triệu chứng ho khan dữ dội do ngứa họng hoặc kích thích.
Trong trường hợp người bệnh ho có đờm, tình trạng này thường nghiêm trọng hơn và cần được điều trị tích cực. Ví dụ, những trường hợp bệnh nhân phù phổi cấp cần hồi sức cấp cứu ngay lập tức.
Bởi, phù phổi cấp có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị. Người bệnh hay ho do viêm phổi, cần sử dụng kháng sinh để xử lý tình trạng viêm nhiễm, nhưng phải có hướng dẫn và chỉ định của các bác sĩ.
Theo ThS Thuý, sốt xuất huyết có ho không còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Để ngăn chặn nguy cơ gặp phải biến chứng nặng, dẫn đến ho, người bệnh sốt xuất huyết cần phối hợp tốt với phác đồ điều trị của bác sĩ, có chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng khoa học và cần thông báo ngay cho bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ bệnh trở nặng.