Đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
Sau khi nhận vé, người dân lần lượt quẹt thẻ để lên tàu. Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội bố trí rất nhiều nhân viên để hướng dẫn người dân còn bỡ ngỡ trong lần đầu trải nghiệm đường sắt đô thị. Tính đến 11h sáng nay, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã thu hút hơn 9.000 hành khách đi trải nghiệm.
Ghi nhận lúc 9h sáng ngày 8/8, các toa tàu đều đông kín khách. Hành khách trải nghiệm tàu rất đa dạng, từ người già tới trẻ em, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng đều háo hức đi thử tuyến tàu điện thứ 2 của Thủ đô. Trong 3 tháng đầu, tàu sẽ thực hiện: Giờ mở tuyến: 05h30; Giờ đóng tuyến: 22h00; Giãn cách chạy tàu: đều đặn 10 phút/chuyến.
Anh Bùi Minh Hà (trú tại Nhổn, Nam Từ Liêm, Hà Nội); vợ chồng bác Cường và cô Hòa (trú tổ 5 phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và bác Bùi Xuân Môn (trú phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều bày tỏ sự yêu thích ngay trong lần đầu trải nghiệm tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Metro Nhổn - ga Hà Nội chật kín người dân đi trải nghiệm. CLIP: Thái Hà
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị đắt thứ nhì Việt Nam với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng. Tuyến còn lại của Thủ đô Hà Nội là tuyến Cát Linh - Hà Đông khánh thành năm 2021, có tổng mức đầu tư 18.002 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị có tổng mức đầu tư cao nhất Việt Nam hiện nay là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên với khoảng 43.700 tỷ đồng, dài khoảng 19,7 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.