Hiếm gặp, nội soi gắp xương trong ruột thừa thành công

Lê Mai |

Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ Trung tâm Nội soi vừa can thiệp nội soi gắp xương trong ruột thừa thành công - một trường hợp hiếm gặp.

Khoảng 5 tháng trước, bệnh nhân Nguyễn Huy Đ. (nam, 63 tuổi) ở Bà Rịa - Vũng Tàu thấy xuất hiện đau bụng hố chậu phải, đau âm ỉ liên tục, không nôn, không sốt, không bí trung tiện.

Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được chụp phim cắt lớp, chẩn đoán : Viêm manh tràng, điều trị kháng sinh 5 ngày, bệnh nhân hết đau, ra viện.

Sau đó, thỉnh thoảng bệnh nhân lại có những cơn đau tương tự, với mức độ đau nhẹ hơn, đã đi khám và uống thuốc theo đơn thì hết đau.

Hiếm gặp, nội soi gắp xương trong ruột thừa thành công - Ảnh 1.

Hình ảnh nội soi và mảnh xương đã được gắp ra khỏi ruột bệnh nhân.

Ngày 28/4/2019, bệnh nhân thấy đau bụng vùng hố chậu phải với tính chất giống như trước nên đến nhiều cơ sở y tế khác nhau, được khám, nội soi đại tràng với chẩn đoán: TD Viêm ruột thừa/Polyp đại trực tràng (chưa cắt hết), test dương tính với vi khuẩn HP, được chụp CT-Scanner ổ bụng có kết quả là: TD Viêm đáy manh tràng/dị vật (TD xương) trong lòng manh tràng.

Ngày 8/5/2019, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được thăm khám toàn diện, đánh giá dựa trên các kết quả cận lâm sàng mới được thực hiện, các bác sĩ nghi ngờ có dị vật trong đại trực tràng.

BS CK2 Trần Quốc Tiến, Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại Học Y cho biết, sau khi tiến hành nội soi đại tràng gây mê, phát hiện dị vật là một mảnh xương dài khoảng 3cm, hình thù sắc nhọn nham nhở cắm ở vị trí gốc ruột thừa, các bác sĩ đã gắp mảnh xương an toàn.

“Mảnh xương tồn tại và đi qua các cơ quan tiêu hóa trong cơ thể tôi đã gần 6 tháng nay, nhưng bệnh nhân hoàn toàn không biết mình hóc xương sau khi ăn” - BS Tiến cho biết thêm.

Hiện tại, bệnh nhân hoàn toàn hết đau bụng, bụng mềm, ấn hố chậu phải không đau, đại tiện bình thường, không sốt, bệnh nhân đã ra xuất viện.

Dị vật người lớn thường bị hóc là hàm răng giả, xương gà, xương cá, hạt sapôchê, dao lam, cây sắt... trên thực tế Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân trên 18 tuổi mà bị hóc các dị vật đến khó tin như tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng, chai dầu gió, nắp bia, cục gân bò to, hạt ôliu, hạt mít, chìa khóa, đồng tiền xu, viết bi, các vỉ thuốc có cạnh sắc nhọn.

Các bác sĩ cho rằng rơi vào tình trạng này phần lớn bệnh nhân bị hóc dị vật là do sơ ý trong khi ăn uống. Chỉ một sơ ý nhỏ trong ăn uống nhưng khi bị hóc dị vật có thể gây ra “thảm họa” cho bệnh nhân. Bệnh nhân có thể trải qua một cuộc đại phẫu, tốn kém thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có trường hợp còn bị tử vong.

Các bác sĩ phân tích dị vật bị hóc theo hai con đường: đường ăn (thực quản) hoặc đường thở (khí quản, phế quản). Khi dị vật được nuốt vào thực quản, nếu sắc nhọn hoặc có kích thước lớn sẽ mắc vào thực quản, cổ hoặc trong lồng ngực.

Nếu không được lấy ra sớm, dị vật nhanh chóng gây loét ở nơi bị kẹt, rồi gây thủng thực quản, dịch và thức ăn trong thực quản thoát ra gây viêm trung thất. Người bệnh thường thấy đau ngực, nuốt khó, nuốt đau, thậm chí ói ra máu. Nặng hơn nữa, dị vật có thể đâm thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng.

Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ để tránh bị hóc dị vật là nên tập trung khi ăn uống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại