Hé mở lối thoát cho Nga và phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Hồng Anh |

Việc Tổng thống Nga Putin bất ngờ thay đổi giọng điệu, cho rằng các bên vẫn còn thời gian để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, đã mở ra hy vọng cho việc tìm kiếm một thỏa thuận với phương Tây.

Nga và phương Tây muốn tìm kiếm một "khe cửa hẹp"

Khi Tổng thống Putin điều động binh sỹ và khí tài quân sự tới khu vực gần biên giới Ukraine, Mỹ và các đồng minh châu Âu một lần nữa sử dụng chiến lược quen thuộc "cây gậy và củ cà rốt" nhằm ngăn chặn nguy cơ Nga tấn công Ukraine.

Hé mở lối thoát cho Nga và phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine - Ảnh 1.

Hình ảnh binh sĩ Nga khai hỏa một dàn pháo do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 28/1. Ảnh: RT

Chiến lược này bao gồm việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, triển khai quân đội tới Ba Lan và nhiều quốc gia giáp biên giới với Nga, cũng cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ có thể làm tê liệt nền kinh tế Nga. Edward Luce, cây bút bình luận chính trị của Financial Times nhận định rằng: "Tổng thống Putin đã khiến phương Tây đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Đây là điều vô cùng hiếm hoi trong suốt nhiều năm qua".

Song song với đó, các nhà ngoại giao phương Tây cũng nỗ lực tìm kiếm một "khe cửa hẹp" - thỏa thuận mà cả hai bên có thể thực hiện để giúp Tổng thống Putin thay đổi hướng đi dễ dàng hơn.

Cách đây 2 tuần, ông Putin yêu cầu Mỹ và phương Tây nhanh chóng chấp thuận yêu cầu của Nga, còn Washington thì liên tiếp cảnh báo rằng một cuộc xung đột sắp sửa xảy ra. Nhưng sau đó, nhà lãnh đạo Nga bất ngờ thay đổi giọng điệu, nhấn mạnh, các bên vẫn còn thời gian để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Vẫn chưa rõ điều gì dẫn đến sự thay đổi này, nhưng rõ ràng những yếu tố cần thiết cho một giải pháp tiềm năng đang dần hình thành.

Hai nhà phân tích tại Moscow, chuyên giải mã các tín hiệu từ Điện Kremlin cho biết, những bình luận của Tổng thống Putin sau nhiều giờ hội đàm với Tổng thống Pháp Macron hồi đầu tuần này cho thấy ông rất nghiêm túc đối với việc đàm phán.

Andrey Kortunov, người đứng đầu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga đánh giá: "Tất nhiên, ông Putin vẫn giữ vững lập trường của mình, nhưng tôi có cảm tưởng rằng ông không muốn tình hình leo thang căng thẳng hơn. Chắc chắn bạn sẽ không đủ kiên nhẫn để đối thoại với đối thủ trong 7 giờ đồng hồ nếu mục tiêu của bạn là muốn thuyết giáo cho bên kia và kết thúc mọi chuyện".

Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Ukraine

Khi thực hiện các hành động quân sự gần biên giới Ukraine được thực hiện, Tổng thống Putin nhiều lần cảnh báo NATO chớ bước qua "lằn ranh đỏ" của Nga là cho phép Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – mà ông coi là một liên minh chống Nga.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, triển vọng Ukraine gia nhập NATO rất khó thực hiện ở thời điểm hiện tại bởi liên minh này chỉ kết nạp thành viên mới khi được sự đồng ý của tất cả các nước trong khối. Trước đó, nhiều nước đã phản đối đơn xin gia nhập của Ukraine.

Vào tháng 1 vừa qua, Tổng thống Biden nói rằng: "Khả năng Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần là không cao. Vì vậy, vẫn có cơ chế để thỏa thuận nếu ông Putin muốn điều này".

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vào năm 2008, trước sự thúc giục của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, NATO đã hứa sẽ kết nạp Ukraine khi nước này đáp ứng các điều kiện cần thiết. Tổng thống Biden và nhiều nhà lãnh đạo trong NATO không thể thu hồi lời hứa này vì nếu làm như vậy sẽ đồng nghĩa với việc trao cho ông Putin quyền phủ quyết với các quyết định của NATO.

Theo đề xuất của một số cựu quan chức ngoại giao, một giải pháp khác là Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tự nguyện gác lại kế hoạch tìm kiếm tư cách thành viên của NATO.

Hé mở lối thoát cho Nga và phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RT

Douglas Lute, cựu đại sứ NATO tại Ukraine cho rằng: "Giải pháp khả thi nhất là việc ông Zelensky trì hoãn nộp đơn xin gia nhập NATO của Ukraine. Ông ấy có thể nói rằng, "chúng tôi vẫn có ý định gia nhập khối nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp". Khi đó ông Putin có thể đưa ra một số nhượng bộ để đáp lại.

Tất nhiên, bước đi này sẽ không có lợi về mặt chính trị đối với ông Zelensky. Cần phải nhắc lại rằng, do các động thái quân sự và những cảnh báo của Nga, Ukraine ngày càng nhận được nhiều sự huận thuẫn của phương Tây. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cũng cho thấy, gần 60% người dân Ukraine ủng hộ nước này gia nhập NATO.

Nhưng Tổng thống Putin vẫn có thể giải quyết tình trạng bế tắc này với việc khơi gợi những lời hứa riêng tư từ một số nhà lãnh đạo trong NATO nhấn mạnh rằng họ sẽ không đồng ý để liên minh này kết nạp Ukraine.

Cả Pháp, Đức và Hungary trước đây từng lên tiếng phản đối kế hoạch Ukraine gia nhập NATO. Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho biết: "Đó sẽ là một cách để giải quyết vấn đề, nếu ông Putin muốn một lối thoát.

Tuy vậy, yêu cầu mà Nga đặt ra với phương Tây còn nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc ngăn Ukraine gia nhập NATO. Tất cả những điều này đã được đề cập trong bản danh sách mà Nga gửi cho Mỹ và châu Âu vào tháng 12/2021.

Trong đó, Moscow đã tái khẳng định các yêu cầu cốt lõi rằng: NATO không được mở rộng về phía Đông, không triển khai tên lửa gần biên giới Nga và cắt giảm quy mô cơ sở hạ tầng quân sự tại châu Âu giống thời điểm năm 1997. Nga cũng yêu cầu Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân còn lại của nước này ra khỏi châu lục.

Thế nhưng, phản ứng của phương Tây lại trái ngược hoàn toàn với điều mà Nga mong muốn. NATO ngay lập tức tăng cường lực lượng ở phía Đông, trong đó có các nước từng thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Litva. Mỹ điều động 3.000 binh sỹ đến Ba Lan, Romania và Đức.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nhìn bề ngoài, tất cả những động thái này dường như khiến tình hình thêm leo thang căng thẳng, nhưng thực ra nó lại khiến các cuộc đàm phán trở nên dễ dàng hơn. Hiện Nga đang phải đối mặt với một số lượng lớn binh sỹ NATO ngày càng tiến sát biên giới của mình.

Nếu ông Putin sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán để hạn chế binh sỹ của cả hai bên thì nhiều khả năng Mỹ và đồng minh cũng sẽ như vậy.

Ông Lute cho rằng, không phải tất cả các yêu cầu mà Nga đưa ra đều khó thương lượng. Tổng thống Putin từ lâu đã bày tỏ lo ngại về việc triển khai bệ phóng tên lửa Aegis do Mỹ sản xuất tại Đông Âu.

Trong khi Washington khẳng định hệ thống này hoàn toàn mang tính chất phòng thủ thì Nga cho rằng nó có thể phóng tên lửa hành trình TLAM – một loại vũ khí tinh vi có thể tấn công Nga trong vòng vài phút. Để giải quyết tranh cãi này, các bên có thể nhất trí thỏa thuận giám sát tên lửa ở cả hai phía.

Theo nhà phân tích Lute, những giải pháp mà Nga lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào một câu hỏi cơ bản, đó là: Tổng thống Putin thực sự muốn gì? Song, việc ông Putin nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại giao trong những ngày qua cho thấy, nhà lãnh đạo Nga không hề muốn chiến tranh.

Ông có lẽ muốn thương lượng để tìm kiếm một sự nhượng bộ phù hợp từ Mỹ và phương Tây nhằm đổi lấy việc Nga giảm hoạt động quân sự ở biên giới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại