Theo tờ tạp chí này, các giám đốc điều hành Lockheed Martin, hãng chế tạo vũ khí hàng đầu của Mỹ đã đưa ra một số gợi ý không quá “đánh đố” về công việc tồn đọng ngày càng tăng của công ty, bao gồm cả một dự án xây dựng một tòa nhà mới tại cơ sở Skunk Works bí mật ở Palmdale, California.
Họ cũng chỉ ra sự tăng trưởng doanh thu của bộ phận hàng không của công ty, bao gồm Chương trình Phát triển Nâng cao, vốn đã tạo ra các loại máy bay do thám U-2 và SR-71 huyền thoại và máy bay tàng hình tấn công F-117.
“Chúng tôi dự đoán sẽ chứng kiến mức tăng trưởng hai con số mạnh mẽ tại Skunk Works - Chương trình Phát triển Nâng cao bí mật của chúng tôi,” Giám đốc tài chính Ken Possenriede cho biết trong cuộc họp báo cáo thu nhập hàng quý của công ty với các nhà phân tích ở Phố Wall.
Tháng trước, các nhà lãnh đạo của Lực lượng Không quân Mỹ tiết lộ rằng họ đã chế tạo và bay một mẫu máy bay thử nghiệm cho chương trình Thống lĩnh bầu trời thế hệ mới - một nỗ lực nhằm phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu mới.
Các quan chức không quân nói dự án chủ yếu dựa vào công nghệ kỹ thuật số, nhưng từ chối tiết lộ nhiều điều khác, ví dụ công ty nào được giao phát triển, máy bay mới đã và đang tiến triển tới giai đoạn nào. Dự án máy bay bí mật được cho là đã bắt đầu gần cuối thời chính quyền tổng thống Barack Obama.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Possenriede đã đề cập một dự án bí mật là ưu tiên hàng đầu của Bộ phận Hàng không thuộc Lockheed Martin khi ông làm việc ở đó từ năm 2016 đến năm 2019.
“Chúng tôi đã bỏ thầu mạnh mẽ và đã thắng,” ông nói. “Và chúng tôi rất vui với kết quả hiện tại”.
Trước đó, không quân Mỹ tiết lộ rằng họ đã bí mật chế tạo và bay thử một máy bay chiến đấu ở dạng nguyên mẫu có thể báo hiệu sự thay đổi trong cách quân đội Mỹ mua vũ khí và ai chế tạo chúng.
Will Roper, người đứng đầu bộ phận mua sắm của không quân Mỹ, đã tiết lộ sự tồn tại của chiếc máy bay chiến đấu mới, mà theo ông là một phần của dự án Thống lĩnh bầu trời thế hệ mới của không quân Mỹ gọi tắt là NGAD.
“NGAD hiện đang thiết kế, lắp ráp, thử nghiệm trong thế giới kỹ thuật số, khai phá những thứ tốn kém thời gian và tiền bạc mới có kết quả,” ông Roper cho biết trong một bài thuyết trình video tại Hội nghị Không quân, Vũ trụ & Không gian mạng của Hiệp hội Không quân Mỹ mới đây.
“NGAD đến nay tiến đến giai đoạn máy bay trình diễn quy mô đầy đủ đã bay trong thế giới thực. Nó đã phá vỡ rất nhiều kỷ lục trong quá trình làm việc”.
Ông Roper không cung cấp thêm thông tin chi tiết về chiếc máy bay mới, được cho là nỗ lực đầu tiên của Lầu Năm Góc nhằm chế tạo một máy bay chiến thuật "thế hệ thứ sáu" sau máy bay phản lực thế hệ thứ năm F-22 và F-35. Ông thậm chí từ chối nêu tên công ty chế tạo.
Tuy nhiên, ông cho biết công nghệ thiết kế kỹ thuật số được sử dụng để chế tạo chiếc máy bay mới có thể làm tăng sự cạnh tranh và tăng số lượng các nhà sản xuất máy bay phản lực quân sự của Mỹ.
“Kỹ thuật số đang làm giảm chi phí sản xuất và lắp ráp [vì vậy] bạn không cần phải có cơ sở vật chất khổng lồ, lực lượng lao động khổng lồ [và] công cụ đắt tiền,” ông Roper nói trong cuộc họp video với các phóng viên sau bài thuyết trình của mình.
“Công nghệ này đang cho phép chúng tôi đưa việc lắp ráp máy bay trở lại những năm 1970 và trước đó - khi chúng ta có 10 công ty trở lên có thể chế tạo máy bay cho Không quân Mỹ, bởi vì bạn có thể làm điều đó trong nhà chứa máy bay với đội ngũ kỹ sư và thợ máy nhỏ nhưng rất giỏi”.
Lockheed Martin và Boeing là hai công ty duy nhất của Mỹ hiện đang chế tạo máy bay chiến đấu.
Một lý do khác để tiết lộ dự án NGAD: ông Roper muốn các công ty đầu tư nhiều hơn vào công nghệ thiết kế kỹ thuật số. Trong những năm gần đây, Lầu Năm Góc đã cố gắng khai thác sự đổi mới, đặc biệt là công nghệ thương mại, có thể được áp dụng cho quân đội.