Trinh sát, đánh giá chính xác tình hình - điều kiện cần để giành thắng lợi
Đó là một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc của nghệ thuật chỉ huy quân sự. Mà không chỉ trong quân sự, ở các lĩnh vực khác cũng vậy, đứng trước một nhiệm vụ, người đứng đầu cũng phải có đầy đủ thông tin trước khi đưa ra những quyết định, những kế sách mới có thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó.
Bởi vậy, trước mỗi trận đánh, mỗi nhiệm vụ người chỉ huy bao giờ cũng phải có bước đầu tiên là nghiên cứu, đánh giá tình hình. Qua đó hạ quyết tâm, xây dựng kế hoạch và tiến tới tổ chức thực hiện. Có đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình thì mới có cơ sở để hạ quyết tâm chính xác, xây dựng kế hoạch sát đúng.
Nhưng muốn nghiên cứu, đánh giá tình hình thì cần phải có thông tin, có các dữ liệu cần thiết... Và tất nhiên, không có gì tốt hơn là "mắt thấy, tay sờ"- nghĩa là phải đi đên tận nơi, tận mắt quan sát tình hình, theo dõi mọi động tĩnh liên quan đến nhiệm vụ đó.
Chính vì vậy, bước tiếp theo của người chỉ huy là tổ chức "trinh sát thực địa". Có nhiều phương pháp trinh sát khác nhau, từ xa đến gần, từ trên bản đồ tới thực địa... song đều có yêu cầu là phải nắm được lực lượng, hình thái bố trí trận địa, hệ thống công sự vật cản, trận địa hỏa lực, đường cơ động v.v...
Có đầy đủ các thông tin như thế, người chỉ huy mới có quyết định chính xác về cách đánh, về hướng mũi tiến công, về tổ chức sử dụng lực lượng như thế nào cho phù hợp cùng những biện pháp bảo đảm cần thiết cho trận đánh.
Vì lẽ đó, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã không hiếm lần các chỉ huy cấp trung, sư đoàn của ta đã bò vào tận hàng rào cứ điểm địch để trinh sát nắm đich.
Còn trong chiến tranh Biên giới phía Bắc, tướng Hoàng Đan vào tận hang làng Lò, Vị Xuyên- cách địch chỉ một tầm súng bộ binh để xác định lại cách đánh sau những trận đánh chưa thành công của chiến dịch MB84...
Còn trong trường hợp này, trên cương vị người đứng đầu Bộ chỉ huy tiền phương của Quân khu 4 khi đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn - Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và đồng đội có gì để hạ quyết tâm?
Đó là một cú điện thoại giữa đêm, ngắt quãng báo về sự cố sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 với khoảng 20 công nhân bị vùi lấp.
Vào thời điểm đó, nhiệm vụ cứu hộ Rào Trăng 3 là vô cùng cấp thiết! Nhưng thực trạng sạt lở đến mức nào, cần sử dụng lực lượng bao nhiêu, cần đưa những công cụ, phương tiện kỹ thuật nào vào, cơ động lực lượng, phương tiện bằng những gì, đi bằng đường nào? v.v... Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trước người chỉ huy cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên, với một lượng thông tin ít ỏi, mù mờ như vậy, đối với người chỉ huy có trách nhiệm thì chưa thể hài lòng để đưa ra những quyết định tiếp theo.
Ông quyết định phải đến tận nơi như những chỉ huy tiền bối của mình đã bò sát vào chân hàng rào cứ điểm để nắm tình hình địch. Đó là một quyết định cần thiết và dũng cảm!
Và thành phần đoàn cán bộ đi cùng đã nói lên mục đích của chuyến trinh sát thực địa đó: Có sĩ quan Tác chiến - cơ quan trung tâm lập kế hoạch; có sĩ quan Kỹ thuật xe máy để quyết định sử dụng phương tiện nào; có sĩ quan Công binh để nắm tình hình đường sá cơ động; có sĩ quan và chiến sĩ Thông tin cùng đài 15w chuyên dụng để đảm bảo liên lạc; có sĩ quan Hậu cần để tính toán bảo đảm và có cả đại diện địa phương v.v...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (hàng đầu, thứ ba từ phải qua)
Nhưng trước thiên nhiên hung dữ, sức người có hạn, các anh đã không thể tới đích như dự kiến, buộc phải dừng chân ở Trạm kiểm lâm TK 67 để rồi gặp nạn.
Ngay cả quyết định dừng nghỉ ở trạm kiểm lâm TK67 này cũng là một quyết định tối ưu lúc đó! Giữa rừng đêm đen kịt, mưa vẫn như trút nước, sức người đã cạn... gặp được trạm kiểm lâm- ngôi nhà đã được xây dựng khá vững chắc và nằm ở đó từ lâu - thì quả là một nơi nghỉ ngơi lý tưởng.
Và rồi tai nạn đã xảy ra - một tai nạn bất khả kháng, nằm ngoài sức tưởng tượng của con người đã cướp đi sinh mạng của các anh! Thật là đau xót, nhưng sự hy sinh đó không hề uổng phí!
Chấp nhận hiểm nguy, hy sinh vì nhân dân - Phẩm chất chói ngời của người lính QĐNDVN
Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh "vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân".
Từ nhân dân mà ra nên Quân đội luôn gắn bó mật thiết, đồng cam cộng khổ với nhân dân, là một trong các lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, xả thân trong hiểm nguy để cứu tính mạng và tài sản của nhân dân.
Quân đội còn tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh bao gồm rà, phá bom mìn, tẩy độc môi trường và các chính sách hậu chiến. Tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, quân đội chịu cả trách nhiệm phổ cập giáo dục và chăm sóc y tế với người dân.
Trong thời gian vừa qua, QĐNDVN đã làm rất tốt những nhiệm vụ trên.
Con gái một liệt sĩ hy sinh trong chuyến công tác cứu hộ Rào Trăng 3. Ảnh: Hải Long
Khi đại dịch COVD-19 lan tràn khắp thế giới và xâm nhập Việt Nam, QĐNDVN đã làm tốt nhiệm vụ người lính xung kích trên mặt trận phòng chống dịch: các chiến sĩ biên phòng "gội gió nằm sương", làm phên dậu ngăn không cho bệnh dịch tràn qua biên giới; nhiều doanh trại quân đội được trưng dụng làm nơi cách ly, các chiến sĩ QĐNDVN trở thành những hộ lý tận tình...
Và ở bất cứ đâu, khi có thiên tai, hoạn nạn... xảy ra, những chiến sĩ QĐNDVN luôn là những người có mặt đầu tiên để ứng phó, cứu hộ, cứu nạn.
Khi đất nước có chiến tranh, những người lính của QĐNDVN luôn ở tuyến đầu đánh giặc. Còn trong thời bình, họ cũng vẫn xả thân, sẵn sàng chấp nhận mọi nguy hiểm- thậm chí có thể hy sinh tính mạng mình để bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân. Đó là phẩm chất chói ngời của những người lính cách mạng.
Khi tôi đang viết những dòng này thì lại nhận hung tin ập đến: Tại Hướng Hóa, Quảng Trị đã xảy ra sạt lở đất, vùi lấp hơn 20 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, đơn vị đang trấn giữ miền rừng núi hiểm trở phía Tây Trường Sơn, vừa làm kinh tế vừa đảm bảo an ninh- quốc phòng cho một địa bàn quan trọng của đất nước.
Thật là đau xót! Nhưng phải thừa nhận một điều: không thể coi thường sức mạnh của thiên nhiên. Và một câu hỏi cấp bách đặt ra là: "Chúng ta phải làm gì, phải hành động thế nào để giảm thiểu những tổn thất đó?".