Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg thời gian gần đây cảnh báo rằng xung đột đang bước vào "giai đoạn quyết định". Giai đoạn mới này có thể chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội để giành quyền kiểm soát một vùng lãnh thổ quan trọng đối với chiến lược quân sự của Nga tại Ukraine: đó là Crimea.
Khói bốc lên từ các vụ nổ gần một căn cứ không quân của Nga ở Crimea hồi đầu tháng 8/2023. Ảnh: Reuters.
Sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea ở Biển Đen vào năm 2014, Tổng thống Nga Putin đã thiết lập nhiều căn cứ quân sự kiên cố tại khu vực này. Crimea đã trở thành "bệ phóng" quan trọng khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, đồng thời giúp mở đường cho các lực lượng Nga giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền Nam Ukraine. Hiện giờ, nơi đây tiếp tục là cứ điểm để máy bay và tàu chiến Nga tấn công Ukraine.
"Vùng lãnh thổ quyết định đối với giai đoạn mới của cuộc xung đột là Crimea. Chính phủ Ukraine nhiều lần tuyên bố họ không chấp nhận việc Nga kiểm soát Crimea", Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu lưu ý.
Crimea có diện tích tương đương bang Massachusetts cũng là nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Giới quan sát cho rằng, cuộc chiến để giành Crimea trong thời gian tới có thể vô cùng khốc liệt và đẫm máu, sẽ dẫn đến thương vong lớn cho cả hai bên. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley – người luôn khẳng định các cuộc đàm phán là điều cần thiết để chấm dứt xung đột, hồi cuối năm 2022 cho rằng, khả năng Ukraine đẩy lùi Nga ra khỏi Crimea, về mặt quân sự "là không cao".
Nhưng một số nhà phân tích phương Tây lưu ý, việc giành lại Crimea là điều cấp thiết đối với sự tồn tại lâu dài của Ukraine và họ cho rằng Ukraine có khả năng hoàn thành mục tiêu này. Hoặc nếu không, chiến dịch đe dọa Crimea cũng có thể tăng cường đòn bẩy của Kiev trong bất cứ cuộc đàm phàn hòa bình nào trong tương lai.
Kịch bản tấn công Crimea
Tổng thống Ukraine Zelensky cam kết sẽ đẩy lùi Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ mà Moscow đang nắm giữ tại Ukraine, trong đó có Crimea. Trong bối cảnh Nga được cho là đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn vào mùa Xuân và muốn củng cố quyền kiểm soát những khu vực đã giành được ở Ukraine, Kiev đã kêu gọi phương Tây chuyển giao các loại vũ khí tiên tiến và hiện đại hơn.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tháng 1/2023, Tổng thống Zelensky nói rằng: "Crimea là lãnh thổ của chúng tôi. Hãy trao cho chúng tôi vũ khí, chúng tôi sẽ giành lại đất đai của chính mình".
Tuần trước, Đức và Mỹ đã cam kết chuyển giao xe tăng Leopard và xe tăng M1 Abrams tiên tiến tới Ukraine, đáp ứng yêu cầu lớn hơn của Kiev. Ukraine nhấn mạnh rằng, xe tăng là phương tiện cần thiết để hỗ trợ quân đội nước này bảo vệ mạng lưới chiến hào và đẩy lùi các lực lượng Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhấn mạnh: "Để giành lại lãnh thổ, Ukraine cần có khả năng chống lại chiến thuật và chiến lược của Nga trên chiến trường".
Một số chuyên gia quân sự hàng đầu của phương Tây cho rằng, sự e dè của phương Tây trong việc cung cấp các loại vũ khí tiến tiến cho Ukraine đang khiến xung đột kéo dài và cản trở khả năng của Ukraine khi đối phó với các cuộc tấn công của Nga vào thời điểm then chốt.
Theo họ, để giành quyền kiểm soát Crimea, Ukraine cần phải tìm cách cô lập bán đảo bằng các cuộc tấn công trên không và trên bộ nhằm phá vỡ các mối liên kết chính của Nga với bán đảo, đặc biệt là cây cầu Kerch, vốn đã bị hư hại một phần do các cuộc tấn công vào năm 2022.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại chính quyền Tổng thống Biden vẫn ngần ngại cng cấp cho Ukraine những hệ thống tên lửa tầm xa có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga hoặc một số căn cứ nhất định tại Crimea.
Liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân?
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu Ukraine tấn công Crimea, Nga có thể sẵn sàng bước qua "lằn ranh đỏ", với việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thống Putin đã cam kết sử dụng tất cả phương tiện sẵn có, trong đó có cả vũ khí hạt nhân để "bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này".
Tuy vậy, vẫn có một số ý kiến cho rằng, mối đe dọa hạt nhân của ông Putin chủ yếu được đưa ra để làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, vì thế nhà lãnh đạo Nga có thể không sẵn sàng sử dụng nó nếu Kiev tấn công Crimea. Phát biểu với New York Times, ông Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại RAND Corporation lưu ý: "Crimea đã bị tấn công nhiều lần song vẫn chưa thấy hành động đáp trả mạnh mẽ từ phía Nga mà có thể đẩy cuộc xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát". Khi mọi thứ tiến xa hơn một chút, có cơ hội mong manh là Nga và Ukraine sẽ tiến hành đàm phán để tạm dừng hoặc chấm dứt xung đột, ông Dara Massicot nhấn mạnh.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine thất bại? "Đối với phương Tây, sự thất bại của Ukraine là điều không thể chấp nhận được", ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Washington khẳng định: "Mỹ và châu Âu đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ Ukraine, thậm chí sẵn sàng bước qua ranh giới, do đó chiến thắng của Nga sẽ là thất bại thực sự phương Tây và phương Tây sẽ không chấp nhận điều đó".
"Chính sách đối ngoại phát triển dựa trên uy tín của mỗi quốc gia, đặc biệt là các cường quốc. Nếu Mỹ và các đồng minh không thể bảo vệ Ukraine thì điều nãy sẽ ảnh hưởng tới chính sách của họ ở những nơi khác", ông Araud ám chỉ những vấn đề có thể xảy ra với phương Tây nếu Nga giành chiến thắng.
Theo nhà phân tích này, xung đột chắc chắn sẽ kéo dài và sự can dự của phương Tây hiện giờ quá sâu đến mức họ không thể quay đầu lại./.