Hé lộ chi tiết đời thực trong bộ phim tình báo nức tiếng một thời

Nguyên Phong |

Bộ phim tình báo nhiều tập 'Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân' được xem là một hiện tượng độc đáo trong đời sống văn hoá văn nghệ Liên Xô vào những năm 1970.

Bộ phim đã thành công trong việc khắc hoạ nhân vật Đại tá tình báo Liên Xô Maksimmov hoạt động tại nước Đức phát xít dưới vỏ bọc Đại tá tình báo Đế chế Stirlitz. Bộ phim cũng đưa diễn viên Vyacheslav Tikhonov - người thủ vai Stirlitz vào đội ngũ những nghệ sĩ điện ảnh hàng đầu của Liên Xô.

Được đích thân Đại tướng Xvigun, Phó chủ tịch KGB làm cố vấn nghiệp vụ, bộ phim trước hết là một tác phẩm nghệ thuật được hư cấu. Song nhiều nhân vật và tình tiết được lấy từ nguyên mẫu của hoạt động tình báo Liên Xô và được nhà văn Iulyan Semenov chuyển tải dưới lăng kính nghệ thuật.

Hé lộ chi tiết đời thực trong bộ phim tình báo nức tiếng một thời - Ảnh 1.

Tạo hình nhân vật Stirlitz của Vyacheslav Tikhonov trên phim. Ảnh: Wikipedia

Chẳng hạn, cuộc tiếp xúc giữa trùm tình báo Mỹ Allen Dulles với Đại tướng SS Volph - đại diện của Himmler tại Bern (Thuỵ Sĩ) nhằm tìm kiếm một giải pháp riêng rẽ mà không cho Liên Xô biết, là hoàn toàn có thật.

Linh mục Slanger được Stirlitz phái đến Thuỵ Sĩ để theo dõi sự kiện này cũng có nguyên mẫu, đó là nhân viên tình báo Anh (MI-6) Ronald Set làm việc cho Walter Sellenberg - Cục trưởng Tình báo đối ngoại Đức (SD), nhà dàn dựng chính của cuộc gặp.

Thực ra, Sellenberg theo lệnh của Himmler đã trực tiếp đến Thuỵ Điển từ 8 tháng trước đó để tiến hành các cuộc đàm phán bí mật với người Anh, và cuộc gặp Bern chỉ là một trong những công đoạn cuối cùng của điệp vụ này.

Như đã biết, hai bên bất đồng chủ yếu ở điều kiện đầu hàng của cụm quân Đức đóng ở Italia dưới quyền chỉ huy của Thống chế Kessel Ringer. Ngày 13/4/1945, đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt từ trần, Đại sứ Anh tại Thuỵ Điển gửi báo cáo về London các điều kiện hoà bình riêng rẽ do Himmler đưa ra.

Toàn bộ tiến trình các cuộc tiếp xúc Đức - Anh, Đức - Mỹ cũng như các kết quả của nó được tình báo viên Liên Xô tại London Konstantin Kunkin theo dõi, nắm bắt và báo cáo đều đặn về trung tâm, do vậy Moscow biết hết mọi việc.

Trên cơ sở các báo cáo của Kunkin, Stalin đã quyết định chơi bài ngửa bằng cách gửi cho Tổng thống Mỹ bức thư "thông báo" mọi chi tiết. Ngày 25/4, Churchill buộc phải gửi cho Stalin bức điện xác nhận sự việc là có thật.

Không chỉ Himmler tìm kiếm sự dàn xếp riêng rẽ với Anh, Mỹ. Các cơ quan tình báo Đức (gồm Tình báo quân sự - Abwer của Đô đốc Kanaris, Phản gián (Gestapo) của Heinrich Muller, Tình báo đối ngoại của V. Sellenberg và Đặc vụ thuộc Bộ Ngoại giao) đều hăng hái tham gia việc này.

Ngoài các cuộc gặp do Sellenberg tổ chức, Liên Xô cũng nắm được thông tin về một cuộc gặp quan trọng khác do Thứ trưởng (trước là Bộ trưởng Ngoại giao) Phon Ribbentrop điều hành, tất nhiên là cũng với nội dung mặc cả sau lưng Liên Xô: Tháng 8/1944, Thủ tướng Anh Churchill có cuộc tiếp xúc tại Vatican với Đại sứ Đức tại đây Ernest Phon Waizekker và Thứ trưởng Ngoại giao Ribbentrop.

Vụ này được ghi chép đầy đủ, cẩn thận trong hồ sơ riêng của nhà tình báo Xô-viết Pavel Sudoplatov - Phó giám đốc Cục Tình báo đối ngoại. Trước cuộc gặp này, đầu tháng 7/1944, Đại sứ Đức tại Thuỵ Điển Thomsend đã thông báo cho phía Anh những điều kiện hoà bình riêng rẽ (với Anh và Mỹ) mà Berlin có thể chấp nhận.

Đó là quân đội Liên Xô phải dừng lại phía bờ Đông sông Wistule; các "đồng minh" sẽ "hành động vừa phải". Nếu được vậy, phía Đức sẽ sẵn sàng chống cự quân Anh, Mỹ một cách chiếu lệ để tạo điều kiện cho hai nước này tiến vào Đức... Toàn bộ nội dung cuộc gặp "trù bị" này đã được điệp viên Liên Xô Vasily Roshin tại Thuỵ Điển nắm được và báo cáo về trung tâm.

Còn nội dung cuộc gặp tháng 8/1944 của Churchill tại Vatican, Moscow nhận được thông qua điệp viên hai mang có mật danh Dulcan, nhân viên Cơ quan Phản gián Italia làm việc trong Đại sứ quán Anh.

Dulcan báo cáo: "Cuộc gặp kéo dài 30 phút. Churchill đưa ra các điều kiện mang tính tối hậu thư: 1. Đức phải đầu hàng vô điều kiện, lực lượng đồng minh sẽ chiếm đóng Đức; 2. Quy chế về lãnh thổ Đức sẽ được thảo luận chi tiết sau khi (Đồng minh) chiếm đóng Đức; 3. Phải phục hồi các đảng phái Dân chủ Thiên chúa giáo; các đảng này phải chiếm đa số trong chính phủ (tương lai); 4. Chính phủ lâm thời (Đức) phải nằm trong tay Anh, Mỹ; 5. Đức phải nhanh chóng trả lại những lãnh thổ đã chiếm đóng; 6. Đức phải hợp tác trong việc loại trừ nguy cơ chủ nghĩa cộng sản; 7. Nhanh chóng thành lập chính phủ (Đức) để không xuất hiện bất kì chính phủ nào thân Liên Xô...".

Như vậy, Anh, Mỹ một mặt do lo ngại sức mạnh quân sự của nước Đức phát xít nên liên kết với Liên Xô chống lại Đức. Mặt khác, họ ngấm ngầm đàm phán với Đức để quân Đức chĩa mũi nhọn chủ yếu về phía Liên Xô, giảm gánh nặng thương vong cho Anh, Mỹ và sớm có âm mưu biến Đức thành bàn đạp tiền tiêu chống lại Liên Xô thời hậu chiến. Sự tiến công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô đã phần nào chặn đứng các cuộc mặc cả này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại