Hãy quên tàu sân bay Trung Quốc đi: Đây mới là "át chủ bài" đối đầu tàu chiến Mỹ?

Trịnh Ngọc Tiến |

Trung Quốc liệu có "đi vào vết xe đổ" của Hải quân Liên Xô bằng các tuần dương hạm mang tên lửa khổng lồ nhưng kém hiệu quả?

"Cụm tác chiến tàu sân bay" kiểu Trung Quốc?

Với tham vọng "vươn ra biển xanh" (biển nước sâu), Trung Quốc đang tăng tốc đầu tư cho lực lượng hải quân, đặc biệt là chú trọng phát triển cụm tác chiến tàu sân bay theo mô hình của Hải quân Mỹ.

Cho tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay thứ 2 Type 001. Với số lượng máy bay tăng gấp đôi tàu sân bay thứ nhất có tên Liêu Ninh (36 chiếc), Type 001 được cho là đã vượt trội năng lực chiến đấu so với anh em của nó.

Hãy quên tàu sân bay Trung Quốc đi: Đây mới là át chủ bài đối đầu tàu chiến Mỹ? - Ảnh 1.

Tàu sân bay Type 001 của Trung Quốc.

Tuy nhiên nếu so với tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc đang "cách xa cả thế hệ". Ví dụ tàu sân bay lớp Ford mới nhất của Mỹ có lượng giãn nước đầy tải đạt hơn 110.000 tấn và số máy bay là gần 100, gấp đôi so với Type 001.

Sự hiện đại của máy bay trang bị trên các tàu sân bay cũng là một khoảng cách vô cùng lớn, rõ ràng J-15 không thể so sánh được với tiêm kích tàng hình F-35C.

Không có các hệ thống phóng máy bay trên tàu sân bay khiến máy bay cảnh báo sớm cánh cố định không thể có mặt trên tàu cũng như tiêm kích không thể mang đủ tải trọng vũ khí khi cất cánh.

Chính vì vậy, năng lực chiến đấu của tiêm kích trong các cụm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc cũng chỉ bằng phân nửa đối thủ bên kia Thái Bình Dương.

Hãy quên tàu sân bay Trung Quốc đi: Đây mới là át chủ bài đối đầu tàu chiến Mỹ? - Ảnh 3.

Một cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ.

"Át chủ bài" của Hải quân Trung Quốc?

Cụm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc sẽ được bảo vệ bởi các khu trục hạm lớp Type 055, các tàu chiến được tuyên bố là "thành tựu công nghệ lớn nhất trong thập kỷ qua, góp phần bảo đảm sự cân bằng chiến thuật so với các khu trục hạm của đối thủ như Nhật Bản và Mỹ".

Với chiều dài 183 mét, tốc độ tối đa 35 hải lý/ giờ và lượng giãn nước đầy tải lên tới gần 13.000 tấn, khu trục hạm lớp Type 055 hiện là chiến hạm có lượng giãn nước lớn nhất trên thế giới ( vượt qua Sejeong Đại Đế của Hàn Quốc, tàu chiến giữ kỷ lục trước đó).

Type 055 được trang bị 112 ống phóng thẳng đứng (VLS), có thể phóng 10 loại tên lửa khác nhau bao gồm tên lửa chống tên lửa đạn đạo HQ-26, tên lửa chống tên lửa hành trình DK-10A Quad, tên lửa phòng không hạm và chống tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối HQ-9B.

Các tên lửa nói trên được cho là có có tính năng tương tự như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ và tổ hợp phòng không đa năng tầm gần HQ-10.

Hãy quên tàu sân bay Trung Quốc đi: Đây mới là át chủ bài đối đầu tàu chiến Mỹ? - Ảnh 4.

Các ống phóng tên lửa thẳng đứng trên khu trục hạm Type 055.

Ngoài khả năng phòng không, Type 055 còn trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh YJ-18 có tốc độ cao và tầm bắn xa (hơn 500km) và sức công phá lớn.

Tính năng kỹ chiến thuật của YJ-18 được người Trung Quốc cho rằng vượt trội tên lửa chống hạm Tomahawk cận âm mới được Mỹ phát triển gần đây. Ở giai đoạn cuối, YJ-18 tăng tốc tới Mach 3 trước khi tấn công mục tiêu và có thể đánh chìm tàu chiến chỉ bằng một tên lửa.

Ban đầu YJ-18 được trang bị cho khu trục hạm lớp Type 052D, khi biên chế cho Type 055 tên lửa khiến khu trục hạm hạng nặng này có lợi thế hơn hẳn so với các khu trục hạm hiện đang trang bị cho các lực lượng hải quân trên toàn thế giới.

Type 055 cũng được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10 (tương tự tên lửa Kh-55 của Liên Xô cũ), pháo hạm tấn công mặt đất loại H/PJ-38 130 mm.

So với Type 052D , Type 055 có lượng giãn nước lớn hơn, mang nhiều vũ khí hơn (112 ống phóng so với 64), tuy vậy cải tiến đó có tính quyết định chính là nâng cấp radar từ radar mảng pha chủ động lên radar quét mảng pha điện tử chủ động băng tần kép đầu tiên trên thế giới.

Hãy quên tàu sân bay Trung Quốc đi: Đây mới là át chủ bài đối đầu tàu chiến Mỹ? - Ảnh 5.

Khu trục hạm Type 055 "Nanchang" mới được Hải quân Trung Quốc đưa vào trang bị.

Khu trục hạm lấn át tàu sân bay trong hạm đội?

Nhiệm vụ chính của Type 055 trong cụm tác chiến tàu sân bay là phòng không, chống ngầm, tấn công các mục tiêu trên mặt đất, thu thập thông tin…

Type 055 có lợi thế hơn khi đang vượt các khu trục hạm của Hải quân Mỹ về radar và các thiết bị điện tử.

Việc triển khai radar băng tần kép cho các khu trục hạm lớp Arleigh Burke 3 mặc dù đã được lên kế hoạch nhưng việc này vẫn chưa hoàn thành. Khu trục hạm tàng hình Zumwalt chỉ được lên kế hoạch đóng 3 chiếc do chi phí tăng cao và pháo điện từ (vũ khí chính) chưa hoàn thiện.

Theo đánh giá của Hải quân Trung Quốc, Type 055 đang "không có đối thủ" khi các lớp tàu Burke 3, Burke 4 của Hải quân Mỹ sẽ mất thêm vài năm nữa mới có thể đưa vào biên chế.

Hãy quên tàu sân bay Trung Quốc đi: Đây mới là át chủ bài đối đầu tàu chiến Mỹ? - Ảnh 7.

Khu trục hạm tàng hình Zumwalt đang gặp vấn đề về chi phí và vũ khí chưa hoàn thiện.

Nếu đánh giá vai trò của các loại tàu chiến trong biên đội tàu sân bay thì có vẻ Trung Quốc đang tập trung quá mức vào Type 055, điều này khiến một khu trục hạm phòng không lại trở thành "ngôi sao" trong một cụm tác chiến tàu sân bay.

Tuy nhiên theo các học thuyết hải quân trên thế giới, vai trò của tàu sân bay trong cụm tác chiến luôn là cao nhất.

Trong các cuộc tập kích mục tiêu mặt đất hoặc mặt nước, tên lửa phóng từ máy bay luôn tỏ ra hiệu quả hơn so với các tên lửa được phóng từ tàu chiến. Do đó, máy bay vẫn đóng vai trò chính trong các cuộc tập kích.

Nếu Trung Quốc coi Type 055 là quan trọng nhất, nó chỉ chứng tỏ được một điều đó là năng lực của tàu sân bay của họ đang "rất có vấn đề".

Trung Quốc được cho là đã "đi vào vết xe đổ" của Hải quân Liên Xô khi phát triển các "siêu tuần dương hạm" nhưng chỉ có khả năng phòng thủ ven bờ hơn là tác chiến tầm xa. Rõ ràng, người Trung Quốc không thể "vươn ra biển xanh" nếu vẫn tư duy như hiện tại.

Máy bay chiến đấu J-15 cất và hạ cánh trên tàu sân bay của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại