Vọp bẻ nhiều khi gây nguy hiểm đến tính mạng?
Cơ thể người có 3 loại cơ, đó là cơ vân là loại gắn vào xương và được sử dụng vào các vận động tự ý của cơ thể; cơ trơn là thành phần chủ yếu hình thành cơ quan đường ruột, mạch máu, niệu quản, bàng quang, tử cung, âm đạo (ở phụ nữ) và cơ tim hình thành trái tim.
Chuột rút là khi cơ vân co cứng, rất khó để giãn ra và không tự ý (ngoài ý muốn của con người) và khi co cứng cơ kéo dài liên tục được gọi là chuột rút hay.
Nguyên nhân gây chuột rút
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh như hoạt động thể lực trong thời tiết nắng nóng (chơi thể thao, lao động nặng...).
Hiện tượng thiếu ôxy và chất điện giải do vận động nhiều, liên tục không nghỉ ngơi làm cho lượng mồ hôi bài tiết quá nhiều mà không được bù đắp hoặc bù đắp nhưng không đủ.
Riêng chuột rút về đêm chiếm đến 60% gặp ở người cao tuổi (nữ giới nhiều hơn nam giới), nguyên nhân được cho là do cơ bị mệt mỏi và rối loạn thần kinh.
Bởi vì, ban ngày đứng hoặc ngồi quá lâu nhất là đứng lâu trên một mặt phẳng, cứng làm cho cơ bắp không hoạt động, cứng nhắc gây nên hiện tượng thiếu ôxy đến cung cấp cho cơ và rối loạn một số chất điện giải quan trọng (canxi hoặc ka li máu).
Chuột rút ban đêm ở thai phụ thường gặp ở bắp chân do người có nồng độ nước và muối khoáng trong cơ thể thay đổi thất thường hoặc do tăng áp lực lên thần kinh vùng chậu hông (hoặc cả hai), đặc biệt ở những phụ nữ mang thai bị nghén nhiều (nôn), kéo dài nhiều ngày thậm chí nhiều tháng trong khi đó không ăn được hoặc ăn rất ít.
Chuột rút các bắp chân càng tăng lên khi thai nhi càng lớn và đồng nghĩa với tử cung cũng ngày càng to ra, lúc này chuột rút có thể xảy ra bất cứ lúc nào không kể ngày hay đêm.
Một số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong thời kỳ hành kinh bị đau bụng (đau bụng kinh) cũng là một dạng chuột rút tại vùng bụng gây nên hiện tượng đau lan tỏa vùng thắt lưng và đùi với lý do là máu phải đến cổ tử cung và tử cung nhiều hơn.
Ngoài ra, chuột rút có thể xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tuyến giáp trạng, rối loạn chuyển hóa, rối loạn thần kinh thực vật (hay ra mồ hôi và ra liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm) hoặc chuột rút xảy ra ở những người bệnh đang dùng một số thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc điều trị cholessterol máu cao, insulin điều trị đái tháo đường, một số thuốc ngừa thai, thuốc chứa hen suyễn (loại beta- agonist).
Các thuốc này gây chuột rút theo nhiều cơ chế khác nhau có thể do làm xáo trộn chất điện giải.
Chuột rút là một bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào với bất kỳ ai nhưng có thể gây tử vong đối với một số trường hợp như vận động viên bơi lội, vận động viên leo núi, lái xe đường trường, thợ lặn hoặc phi công lái máy bay do không thể xử trí kịp.
Các cách xử trí khi bị chuột rút.
Biểu hiện thế nào?
Chuột rút có thể thay đổi (từ nhẹ đến nặng) từ vô hại đến khó cử động và rất đau đớn. Vị trí cơ bị chuột rút thấy đang bị xoắn hoặc nổi thành cục u. Vùng cơ bị chuột rút khi sờ vào thấy rất cứng (do cơ co mạnh) có thể trong chốc lát (vài giây) nhưng đôi khi kéo dài 15-20 phút hoặc lâu hơn.
Cách xử trí
Đang vận động bất ngờ bị chuột rút sẽ rất đau bắp thịt, khiến phải dừng lại ngay không cử động được nữa. Muốn khỏi đau nhanh chóng cần thực hiện các thao tác sau đây: dừng vận động, cố gắng thả chùng chi bị bệnh để thư giãn bắp thịt đang bị co rút.
Nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ, nếu có dầu nóng thì thoa dầu lên vùng da của bắp thịt đang bị co rút rồi xoa bóp nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về đầu gối.
Khi chân hay bị chuột rút ở bắp đùi, cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống.
Trường hợp chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Uống nước trà đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh...
Sau khi đã qua cơn đau, về nhà bạn có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Bạn nên đi giày vừa chân, gót giày không quá cao.
Biện pháp phòng bệnh
Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách: uống nước đầy đủ, tốt nhất là các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước dừa... trước, trong và sau khi luyện tập, lao động, đi bộ, leo núi.
Khởi động thật tốt trước khi vận động cơ thể, trước mỗi buổi tập. Tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện. Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy.
Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, để máu dễ dàng lưu thông ở bắp thịt cẳng chân. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ các chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia. Ðiều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây bệnh.
Khi bị chuột rút uống thuốc gì?
Có thể dùng một số loại thuốc điều trị chuột rút như: vitamin E, thư giãn cơ... Bình thường chuột rút không kéo dài và không gây nguy hiểm. Nhưng nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc, đang bơi dưới nước... thì có thể gây tai nạn, chết đuối. Nếu thỉnh thoảng bạn mới bị chuột rút không đáng ngại.
Còn khi bạn thường xuyên bị hoặc bị đớn thì cần đi khám bệnh, xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh gây ra.