Bị lây nhiễm Covid-19 quá nhanh
Khi dịch Covid-19 xảy ra ở TP HCM, cũng như bao người khác, anh Sơn đăng ký sớm để có thể tiêm được vắc xin vì gia đình anh có người già, nhưng chưa đến lượt. Chỉ đến khi anh trở thành F0 rồi mới đến lượt tiêm, anh bị Covid-19 và trải qua chuỗi ngày ám ảnh bệnh tật.
Anh Sơn kể, mẹ anh ở cùng em gái. Em gái là F0 đã đưa đi cách ly nhưng chỉ số SpO2 của mẹ anh thấp quá. Anh Sơn nghĩ mẹ mình đã bị ho cả tuần chắc chắn đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Nhà không còn ai cả, anh vội bảo vợ lấy đồ và tức tốc khoác lên bộ đồ bảo hộ, nghĩ đi chắc 99% sẽ nhiễm virus, nhưng biết sao được phải lo cho mẹ trước đã. Anh nghĩ mình còn trẻ bị nhiễm chắc cũng nhẹ hơn.
Anh Sơn đưa mẹ mình vào Bệnh viện Bình Dân cấp cứu, bà phải thở oxy. Vì nhân viên y tế có hạn, anh tự tay bế mẹ từ băng ca vào giường bệnh, từ giường bệnh chuyển vào phòng cách ly áp lực âm. Xung quanh đều là bệnh nhân Covid-19, cảm giác nguy cơ lây rất cao. Lúc test nhanh anh Sơn có kết quả âm tính, mẹ anh dương tính.
Hình ảnh những đống rác ở bệnh viện dã chiến.
Nhưng làm lại PCR thì cả hai mẹ con đều dương tính. Anh Sơn không biết mình bị lây Covid-19 từ lúc nào, chỉ thấy bệnh phát ra quá nhanh. Bác sĩ báo với anh rằng gia đình cần chuẩn bị đồ để đi cách ly.
Đến tối, xe cứu thương đến, mọi người được yêu cầu lên xe đi cách ly, đồ đạc vợ anh Sơn đã soạn sẵn và đưa lên xe. Anh Sơn chuyển mẹ lên xe cùng với 1 bệnh nhân khác nằm chung phòng áp lực âm.
Chiếc xe cứu thương được lái đến Bệnh viện dã chiến số 8 ở Bình Khánh, TP Thủ Đức. Mẹ anh Sơn được đưa vào khu bệnh nhân nặng thở oxy. Tại đây, anh quan sát thấy không chỉ có người già mới bị nặng, mà ngay cả người trẻ cũng phải thở oxy. Trong đầu anh linh cảm điều chẳng lành.
"Những tiếng ho rũ rượi của các bệnh nhân kéo dài từng tràng, sau này tôi biết tiếng ho rất đặc trưng của bệnh nhân Covid-19, ho khan đục từ trong lồng ngực. Trong bầu không khí như cô đặc, hàng chục bệnh nhân nặng ho khù khụ quanh mình" – anh Sơn nhớ lại.
Anh Sơn quan sát nhân viên y tế trong những bộ đồ phòng hộ kín mít, nóng nực, thiếu dưỡng khí, họ phải làm việc trong điều kiện căng thẳng về thể chất và tinh thần như vậy, không dám đi vệ sinh, không dám uống nước suốt 4 tiếng, trong bộ đồ đó mồ hôi tuôn như tắm, tất cả đã vắt kiệt sức lực của họ.
Những tình nguyện viên phải vận chuyển những bao rác rất lớn từ các tầng lầu xuống, hàng tấn rác như vậy từ các toà nhà được chuyển xuống. Họ kéo lê từng bao rác hàng chục ký tập trung ra đường để xe rác đến lấy, mỗi lần kéo được vài mét, nhân viên lại cúi gập người thở dốc vì kiệt sức. Những âm thanh kéo bình oxy cỡ lớn, tiếng ho của bệnh nhân tạo thành âm thanh thực sự ám ảnh – anh Sơn kể.
Nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 thở oxy tại BV dã chiến số 8.
Diễn biến chuyển nặng nhanh
Anh Sơn được đưa lên tầng 6 cách ly. Phòng của anh đã có 6 người đều là nhân viên bệnh viện bị nhiễm Covid-19, có 2 bác sỹ rất trẻ.
Những ngày sau đó, mẹ anh Sơn ổn hơn và được chuyển lên khu cách ly. Người thân ở cùng nhau. Các nhân viên bệnh viện và người nhà ở cùng với anh Sơn đều được chích ngừa nên trải qua giai đoạn F0 rất nhẹ nhàng, sau 7 ngày có kết quả âm tính là đều được về.
Thật kỳ lạ, sức khỏe mẹ anh tiến triển tốt rất nhanh, ăn ngủ được, tự tập thể dục, thi thoảng phải thở oxy qua máy tạo oxy.
Nhưng còn anh Sơn mấy ngày này cảm giác cơ thể ngày càng yếu đi, virus bắt đầu sinh sôi nảy nở và phát tán. Anh Sơn cảm thấy mình như cảm rất nặng, mỗi bước chân di chuyển cảm giác đau thốn vùng đầu bên phải nên anh không dám vận động mạnh, dáng đi xiêu vẹo.
"Tôi sốt, ngủ vùi nhiều giờ, mấy ngày liền. Lưng đau như muốn gãy, cả người ê ẩm. Có lúc SPO2 chỉ có 92% phải cố thở bụng để lên lại. Tôi ráng vận động, làm theo những gì chỉ dẫn, nhưng cơ thể quá nặng nề và cảm giác thốn lên vùng đầu không thể chịu được. Lúc đó tôi nghĩ "đây là chu kỳ của nó" gắng qua 5-7 ngày sẽ hết" – anh Sơn nhớ lại.
Ngoài ra, anh uống đều đặn kẽm, multivitamin, viên ORESOL sủi pha nước uống cả ngày, xông hơi... Anh cố gắng nghĩ tích cực sẽ không sao, không bệnh nền, không béo phì, mới 50 tuổi, chắc chắn sẽ vượt qua. Mỗi khi nghe tin tức xấu về Covid-19, anh cũng thoáng rùng mình, lại một linh cảm chẳng lành chạy vụt qua trong đầu.
Ở bệnh viện dã chiến, các bệnh nhân đều được cung cấp thực phẩm 3 bữa, ai muốn ăn cháo thì đặt thêm. Ngoài ra trong phòng còn có sẵn mì gói, cà phê. Vì thiếu rau xanh, anh Sơn nhắn gia đình gửi vào rau, cà chua, dưa leo, trái cây.
Tuy nhiên, anh Sơn là 1 trong 20% bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng. Anh bắt đầu khó thở và những cơn ho dữ dội ập đến. Mỗi cơn ho kéo dài nửa tiếng và thực sự rất sợ. Anh được chuyển sang phòng bệnh nhân nặng. Sang phòng này, anh chứng kiến có bệnh nhân nằm cạnh mình chỉ 28 tuổi cũng bị biến thể Delta đánh vật.
Gần 2 ngày bên phòng chăm sóc bệnh nhân nặng, anh Sơn chuyển sang phòng khác và được sự chăm sóc của điều dưỡng nên bệnh tiến triển tốt lên. Anh Sơn tự tập thở. Anh tập thở theo kỹ thuật của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện bao gồm cả yoga và khí công. Tập thở chính là cách người bệnh tự giúp mình.
May mắn, đến ngày ra viện thì bạn bệnh nhân nằm cạnh giường bệnh của anh cũng được ra cùng ngày.
Đã vượt qua Covid-19, bản thân anh Sơn thấy rằng mình may mắn. Còn nhiều hoàn cảnh không thể vượt qua bệnh tật, gia đình mỗi người cách ly một nơi. Anh Sơn nhắn nhủ, nếu đến lượt tiêm vắc xin, mọi người hãy tiêm ngay, đừng đợi. Bởi vì những người bệnh Covid-19 anh quen có tiêm vắc xin đều nhẹ nhàng vượt qua bệnh.
Dưới đây là video hướng dẫn cách tập thở của dược sĩ Thế Sơn dành cho bệnh nhân Covid-19 từ kinh nghiệm anh học của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện tới thực tế cá nhân đã thực hành trong thời gian điều trị Covid-19.
CÁCH TẬP THỞ PHÙ HỢP CHO BỆNH NHÂN COVID-19 - KỸ THUẬT THỞ BỤNG