Hành trình tìm lại sổ đỏ cho dinh thự vua Mèo

Hữu Tuấn |

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã thu hồi sổ đỏ của dinh thự vua Mèo cấp cho Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, nhưng vẫn chưa cấp cho con cháu họ Vương, những người thừa kế hợp pháp.

Hành trình tìm lại sổ đỏ cho dinh thự vua Mèo - Ảnh 1.

Ông Vương Duy Bảo kể về chuyện đi tìm sổ đỏ cho dòng họ

Được vinh danh, dòng họ Vương bị “mất” nhà

Trong căn nhà công vụ thuê của Nhà nước trên phố Trần Quang Diệu, quận Đống Đa (Hà Nội), ông Vương Duy Bảo, cháu của vua Mèo Vương Chí Sình, chắt của vua Mèo Vương Chính Đức và là hậu duệ đời thứ 5 theo thứ tự đã được 7 đời của nhà họ Vương (các tên lót 7 đời là Chính, Chí, Đình, Quỳnh, Duy, Văn, Lập) vừa trở về từ dinh thự tại Đồng Văn, Hà Giang. 

Ông Bảo tỏ ra khá mệt mỏi vì quãng đường dài đi trong đêm khi thời tiết trở lạnh. 

Ông Bảo cho biết, dù Hà Giang đã thu hồi sổ đỏ của dinh thự vua Mèo cấp cho Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, nhưng đến nay, các con cháu vua Mèo sống ở dinh thự này vẫn chưa được cấp quyền sử dụng cho mảnh đất cha ông để lại.

Từng giữ cương vị Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH, TT&DL, từng quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Ba Vì nay đã về hưu, ông Bảo luôn nặng lòng về câu chuyện dinh thự của cha bị cấp quyền sử dụng đất sai chủ sở hữu này. 

“Tỉnh Hà Giang đã lừa dối khi cấp sổ đỏ cho Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn và tự ra quyết định giao cho trung tâm quản lý, khai thác”, ông Bảo bắt đầu câu chuyện.

Cầm trên tay những tài liệu có sẵn và những “chứng cứ bí mật” tự đi tìm, ông Bảo kể, toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000m2, được vua Mèo Vương Chí Sình (hay Vương Chính Đức) cho khởi công vào năm 1919 và hoàn thành sau đó 9 năm, tức năm 1928. Tổng kinh phí xây dựng ước tính tới 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương.

Với tính lịch sử và nét độc đáo nên năm 1993, Bộ Văn hóa, thông tin đã ra quyết định công nhận, vinh danh dinh thự này là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2002, khi tỉnh Hà Giang tiến hành trùng tu dinh thự, mời 6 hộ gia đình, toàn là con cháu của vua Mèo sinh sống trong dinh thự ra ngoài, gia tộc họ Vương mới biết có quyết định này.

“Năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang vận động 6 hộ gia đình nhà họ Vương đang sinh sống tại dinh thự di dời ra ngoài để phục vụ công tác trùng tu, làm bảo tàng nhưng 6 hộ không đồng ý. 

Sau đó, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định không quốc hữu hóa quyền sở hữu dinh thự họ Vương, những người trong gia đình được quyền sở hữu hợp pháp. Lúc này, 6 hộ gia đình đã đồng ý di dời để phục vụ công tác trùng tu. 

Tới năm 2003, UBND tỉnh Hà Giang quyết định thành lập ban chỉ đạo điều hành thực hành dự án bảo tồn, tu bổ di tích họ Vương, nêu rõ, sau khi tu bổ, tôn tạo xong giao cho Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh quản lý và khai thác khu di tích. 

Điều lạ là tôi có tên trong ban chỉ đạo, tuy nhiên tôi không hề biết quyết định này, dù thời điểm đó tôi đang công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin”, ông Bảo kể.

Thế nhưng, năm 2012, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Giang bí mật cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất cho Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, trong khi dòng họ Vương không được thông báo. 

Mãi tới năm 2016, nghĩ đến việc dòng họ cần có nơi để tụ họp, sum vầy, nhất là phải có sổ đỏ để con cháu họ Vương ở thung lũng Sà Phìn an cư lập nghiệp, ông Bảo đại diện quyền sở hữu dòng họ Vương xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dinh thự ngã ngửa vì lúc này mới được thông báo sổ đỏ đã được cấp cho Trung tâm Văn hóa thông tin Đồng Văn.

“Theo Luật Di sản thì họ chỉ được quản lý giá trị di sản của khu di tích kiến trúc nghệ thuật họ Vương chứ không có quyền, trách nhiệm quản lý về mặt sở hữu. Sau khi biết tin, bà con ở Sà Phìn khá bức xúc, thời gian qua tôi phải thường xuyên về quê để động viên, khuyên răn mọi người bình tĩnh để chờ Chính phủ xử lý”, ông Bảo cho biết.

Hành trình tìm lại sổ đỏ cho dinh thự vua Mèo - Ảnh 2.

Một góc dinh thự họ Vương - Ảnh: IT


Mỏi mòn chờ tỉnh mời họp

Việc cấp sổ đỏ dinh thự vua Mèo cho Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn sau đó được xác định là sai và sổ đỏ cấp sai này đã bị thu hồi. 

Tuy nhiên, sổ đỏ vẫn “lơ lửng” đâu đó. Ngày 21/7/2018, ông Bảo đại diện con cháu nhà họ Vương có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giải quyết trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự hơn 100 tuổi của họ Vương.

Ngày 16/8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VH, TT&DL báo cáo tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa dinh thự họ Vương. 

Văn bản nêu rõ, dinh thự vua Mèo được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật, quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất Khu dinh thự vua Mèo thuộc những người được quyền thừa kế hợp pháp của dòng họ Vương. 

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tư pháp làm việc với gia tộc họ Vương để chỉ đạo việc rà soát, xác định ranh giới khu đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất Khu dinh thự vua Mèo theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. 

Đồng thời, chỉ đạo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các hộ đã di dời ra ngoài khu di tích theo đúng quy định của pháp luật.

“Các con cháu dòng họ Vương rất phấn khởi trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng và mong muốn tỉnh Hà Giang sớm thực hiện nghiêm kết luận này, tuy nhiên, đến nay, chúng tôi chưa thấy các cấp ngành chức năng có động thái gì cấp lại sổ đỏ cho dinh thự vua Mèo”, ông Bảo thông tin.

Bên cạnh việc hồi hộp chờ được cấp sổ đỏ, các con cháu vua Mèo cũng mong muốn được cơ quan có thẩm quyền làm rõ các nội dung như từ năm 2002, tỉnh Hà Giang hỗ trợ 6 hộ gia đình dòng họ Vương di dời để tu bổ dinh thự và huyện đã cắm 150m2/hộ gia đình nhưng nay vẫn chưa có sổ đỏ? 

Tại sao năm 1993 không công bố cho người dân biết dinh thự vua Mèo là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; nếu đã là di tích sao không cắm biển, cắm mốc bảo vệ, xác định vùng đệm, không ai được xâm phạm, xây cất, đục đẽo công trình? Và những cá nhân, tổ chức cấp sai sổ đỏ cho dinh thự vua Mèo phải xử lý thế nào?

“Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyên Đồng Văn đã tổ chức thu phí tham quan tại dinh thự vua Mèo từ năm 2007, ước tính mỗi năm thu về cả chục tỷ đồng, thế nhưng dòng họ Vương lại không được tham gia trao đổi và không có quyền lợi nào, các con cháu họ Vương mong muốn làm rõ vấn đề này”, ông Bảo kiến nghị.

Chia sẻ về kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích dinh thự vua Mèo trong thời gian tới, ông Vương Duy Bảo cho biết, sẽ thực hiện việc đó trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm để phát huy giá trị di tích trong hiện tại và tương lai vì mục tiêu đại đoàn kết dân tộc. 

“Chính quyền tỉnh Hà Giang phải bàn bạc với dòng họ, gia đình tôi để thành lập bộ máy tổ chức quản lý để bảo tồn, phát huy giá trị di tích”, ông Bảo nói.

Theo ông Hoàng Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, việc thu phí tham quan dinh thự họ Vương do Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn thực hiện, mức phí tham quan cụ thể đã được nghị quyết của HĐND tỉnh Hà Giang thông qua.

Theo đó, đơn vị thu phí được trích lại 40% tổng số tiền thu được, còn nộp ngân sách Nhà nước 60%. Một phần số tiền thu được dùng để trả lương cho cán bộ công nhân viên, vệ sinh môi trường... ở di tích.

Ông Thịnh cho hay, sau khi thu hồi sổ đỏ tại dinh thự vua Mèo, UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, kiểm tra lại quy trình cấp sổ đỏ dinh thự họ Vương. Hiện, Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Đồng Văn vẫn đang là đơn vị tổ chức quản lý, thu phí.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện mức thu phí tham quan tại dinh thự "vua Mèo" có giá 20 nghìn đồng/người/lượt. Vào những ngày cuối tuần, lượng khách đổ dồn về đây khá đông.

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, việc cấp lại quyền sở hữu dinh thự "vua Mèo" cho dòng họ Vương có nhiều trắc trở.

Vì dòng họ không có ủy thác thừa kế của ông Vương Chí Đức, cụ thể là 3 gia đình Vương Chí Sình, Vương Chí Tinh và Vương Chí Chư. Ông Quý khẳng định, theo luật không cấp quyền sở hữu cho dòng họ.

Nếu cấp lại phải xác định được người thừa kế vì hiện nay dòng họ Vương có trên dưới 300 người. Cần phải bàn bạc kỹ nếu không sẽ xảy ra "nội chiến" dòng họ.

Trước câu hỏi bao nhiêu lâu nữa dòng họ Vương mới được cấp sổ đỏ sau khi có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, ông Quý nói: "Phụ thuộc hoàn toàn vào dòng họ Vương chứng minh được điều kiện cần và đủ thì làm theo đúng quy định và chỉ đạo của Phó Thủ tướng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại