Trong nhiều tháng, một tủ lạnh tại một cơ sở lưu trữ vaccine ở thành phố Leiden của Hà Lan đã chứa ít nhất 90 hộp AstraZeneca trị giá hàng nghìn USD. Nhưng hầu hết các liều vaccine này đều trở nên vô giá trị vào tháng 08.2021- hạn sử dụng của chúng.
Đối với Dennis Mook-Kanamori, bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Leiden, người tiêm vaccine ở trung tâm, việc đơn vị của ông có hàng nghìn liều vaccine sắp hết hạn thật bi thảm. Tuy nhiên, điều thực sự khiến ông tức giận là chính phủ Hà Lan quyết định cứ để cho những liều vaccine này hết hạn thay vì gửi chúng ra nước ngoài.
Đây cũng là tình huống được ghi nhận trong vô số tủ đông, tủ lạnh trên khắp thế giới, khi hàng triệu liều vaccine COVID-19 hết hạn sử dụng trong lặng lẽ. Và khi nhu cầu tiêm vaccine chậm lại ở các quốc gia giàu có như Hà Lan, ngày càng có nhiều liều vaccine hết hạn sử dụng.
Tháng trước, bác sĩ Mook-Kanamori và đồng nghiệp đã vứt bỏ 600 liều vaccine COVID-19. Đến cuối tháng 8, con số này sẽ tăng thêm 8.000. Trừ khi có điều gì đó thay đổi, đến tháng 10, tất cả 10.000 liều vaccine trong tủ lạnh ở Leiden sẽ bị vứt bỏ. Các bác sĩ ước tính có thể có 200.000 liều vaccine AstraZeneca ở Hà Lan đối mặt với số phận tương tự.
VACCINE COVID-19 HẾT HẠN
Phần lớn thế giới vẫn chưa có đủ vaccine COVID-19 để tiêm ngay cả cho những người dễ bị tổn thương nhất. Trên toàn châu Phi, tính đến cuối tháng 7, chỉ có 2,2% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi Hà Lan đã tiêm phòng cho hơn một nửa dân số. Chính phủ Hà Lan nói rằng vì lý do pháp lý và hậu cần, những liều vaccine này không thể được xuất khẩu, bất chấp những lời chỉ trích từ các bác sĩ Hà Lan.
Một hộp vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 trong một trung tâm tiêm chủng ở Amsterdam, Hà Lan vào tháng 4 năm 2021. (Ảnh: Peter Dejong / AP)
Dù các chương trình tiêm chủng luôn có tỷ lệ lãng phí nhất định, nhưng nếu xét trên quy mô tiêm vaccine COVID-19 toàn cầu, số lượng vaccine không được sử dụng có thể cao đến mức đáng kinh ngạc. Nhưng hiện vẫn không rõ có bao nhiêu liều đã hết hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng.
Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe tại tổ chức Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: "Không có ai theo dõi vaccine hết hạn một cách có hệ thống". Thay vào đó, thông tin chỉ xuất hiện trên truyền thông và các tuyên bố chính thức ít được công bố rộng rãi.
Tại Israel, 80.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech sắp hết hạn bị vứt bỏ vào cuối tháng 7.
73.000 liều vaccine từ các nhà sản xuất khác nhau đã được vứt bỏ ở Ba Lan.
160.000 liều vaccine Sputnik V sắp hết hạn đã được Slovakia trả lại cho Nga, số phận của những liều vaccine này vẫn chưa được xác định.
Tại Mỹ, riêng bang Bắc Carolina ước tính có 800.000 liều vaccine sắp hết hạn sử dụng.
Theo dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới tổng hợp, khoảng 469.868 liều vaccine từ các nhà sản xuất khác nhau đã hết hạn sử dụng ở châu Phi tính đến ngày 9 tháng 8.
Điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 vắng vẻ ở Expo Houten, phía nam Utrecht, Hà Lan, vào ngày 4 tháng 8. (Ảnh: Sander Koning / ANP / AFP / Getty)
"Hầu hết các loại vaccine được chuyển đến đây đều có hạn sử dụng rất sát", Richard Mihigo, điều phối viên về tiêm chủng và phát triển vaccine của WHO chi nhánh Châu Phi, cho biết.
Việc thiếu dữ liệu toàn cầu khiến chúng ta không thể ước tính được phí tổn của những liều vaccine bị vứt đi. Chỉ riêng ở Mỹ, ước tính tổng số liều vaccine đã hết hạn hoặc sắp hết hạn lên đến hàng triệu liều. Với một số loại vaccine có giá tới 20 USD/liều, chi phí có thể lên tới hàng chục triệu USD.
[Đọc thêm: Phụ nữ mang thai có nên tiêm vaccine COVID-19? Khuyến cáo mới nhất của CDC Mỹ]
Cái giá phải trả về sức khỏe cộng đồng thậm chí còn lớn hơn. Lawrence Gostin, giáo sư luật sức khỏe toàn cầu tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho biết: "Những liều vaccine chúng ta đang có là không đủ. Chúng sắp hết hạn sử dụng, chúng đang hỏng do thiếu điện, chúng sẽ không được chuyển đến người dân. Đó là một thảm họa toàn diện".
Trong một tuyên bố với The Washington Post, WHO nói rằng không giống như việc lãng phí những lọ vaccine đã mở (khi các lọ vaccine chứa nhiều liều được mở nhưng không thể sử dụng trước khi hết hạn), việc lãng phí những lọ vaccine chưa mở (chẳng hạn như vaccine hết hạn), là "có thể tránh được". Nhìn chung, WHO cho biết nên giữ cho phần trăm lãng phí vaccine ở mức dưới 1%.
Đó có thể không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Dữ liệu do liên minh vaccine toàn cầu Gavi tổng hợp về các vaccine không phải COVID-19 cho thấy tỷ lệ lãng phí thường có thể đạt 10%, và đôi khi cao hơn rất nhiều.
KHÔNG CÓ THỜI GIAN
Marco Blanker, một bác sĩ ở thị trấn Zwolle của Hà Lan, cho biết ông đã phải vứt bỏ 58 liều vaccine trong một ngày vào đầu năm nay vì nhiều người không đến tiêm trong bối cảnh có nhiều thông tin trái chiều về vaccine AstraZeneca.
Anh nói: "Cả đội đều rất buồn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức trong những tuần trước để không có bất kỳ sự cố nào - chúng tôi không để mất một giọt nào".
Ảnh chụp một lọ vaccine Moderna phòng COVID-19.
Blanker đã đăng ảnh chụp những liều vaccine bị vứt bỏ trên Twitter, làm dấy lên một cuộc tranh luận ở Hà Lan. Ngay sau đó, các bác sĩ Hà Lan khác đã hợp tác để tạo ra một ứng dụng giúp phân phối lại các liều vaccine.
Nhu cầu tiêm vaccine ở Hà Lan cuối cùng đã giảm thấp. Hà Lan đã tiêm chủng đầy đủ cho 55% dân số và vaccine AstraZeneca chỉ được khuyến cáo cho một số nhóm tuổi nhất định. Vì vậy, Blanker và các bác sĩ khác như Mook-Kanamori bắt đầu tìm kiếm các quốc gia khác có thể chấp nhận các liều vaccine.
Namibia, một quốc gia Tây Phi đang phải vật lộn tìm vaccine, có vẻ như là một điểm đến tốt. Thậm chí, có một bác sĩ người Hà Lan nói rằng ông sẵn sàng tự mình đưa vaccine đến đó, Mook-Kanamori nói. Nhưng chính phủ Hà Lan vẫn giữ nguyên quan điểm: Vaccine phải được vứt bỏ sau khi chúng hết hạn sử dụng.
Ngay cả khi vaccine đến tay những người cần, hạn sử dụng có thể là một vấn đề. Mihigo, điều phối viên của WHO, cho biết trên khắp châu Phi, hầu hết các quốc gia đều đưa ra khung thời gian cho các đợt triển khai tiêm vaccine là từ 3 đến 4 tháng. Nhưng trước tình hình vaccine có thể hết hạn sử dụng, một số quốc gia đã phải tiêm chủng nhanh hơn kế hoạch.
Liberia chỉ có 15 ngày để phân phối hàng chục nghìn liều AstraZeneca từ Liên minh châu Phi. Khoảng 27.000 liều cuối cùng đã hết hạn. Bộ trưởng Y tế của nước này, Wilhemina Jallah, cho biết: "Chúng tôi không có đủ thời gian".
Ông Landry Kaucley, giám đốc hậu cần vaccine của Benin (quốc gia ở Tây Phi), cho biết Benin đã vứt bỏ 51.000 liều vaccine vào tháng 7 sau khi vật lộn trong ba tháng để phân phối chúng.
Các quốc gia khác đã tiến một bước xa hơn. Malawi đã đốt gần 20.000 liều AstraZeneca hết hạn vào tháng 5. Các quan chức địa phương cho rằng đây là một động thái để cho công chúng thấy rằng họ sẽ không nhận được những liều vaccine đã hết hạn. Một số quốc gia, chẳng hạn như Palestine, đã từ chối nhận những liều vaccine gần hết hạn sử dụng.
Hạn sử dụng có thể thay đổi. Tháng trước, FDA đã gia hạn thời hạn sử dụng cho vaccine Johnson & Johnson ở Mỹ lên sáu tháng thay vì 4 tháng rưỡi. Một đại diện của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga cho biết họ dự kiến thời hạn sử dụng của Sputnik V sẽ được tăng từ sáu tháng lên một năm. Những động thái như vậy có thể giúp giảm số liều vaccine lãng phí.
Một số chuyên gia hy vọng rằng Covax, cơ chế chia sẻ vaccine do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, và các thỏa thuận song phương khác, sẽ giúp chuyển vaccine đến nơi cần trước khi hết hạn.
(Nguồn: Washington Post)