Gia tăng tình trạng ngộ độc rượu dịp Tết Nguyên đán
Theo thống kê ở Sở Y tế Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số người chết do ngộ độc rượu tập trung nhiều nhất vào thời gian từ tháng 2 - 4, trùng với thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Tính chung 5 năm qua, số ca ngộ độc rượu ở thời điểm tháng 2 - 4 hàng năm đều tăng vọt 40 - 50% so với các tháng còn lại. Trong số các vụ ngộ độc rượu, ngộ độc rượu do hàm lượng Methanol cao chiếm 32,1%.
Chỉ trong vòng 1 tháng sau Tết Nguyên đán đã có hàng loạt trường hợp ngộ độc rượu tử vong, người sống sót thì phải chịu di chứng nặng nề như mù lòa.
Cụ thể, mới đây, chiều 23/3, ông Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân Hôih Nhân (SN 1994; ngụ thôn Pà Păng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) đã tử vong vào 22/3 sau một tuần điều trị. Hiện bệnh nhân đã được đưa về nhà để lo hậu sự.
Theo kết quả xét nghiệm từ Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an (đóng tại Đà Nẵng), nồng độ methanol trong máu của bệnh nhân trên lên đến 60mg/100ml. "Nguyên nhân bệnh nhân tử vong được xác định chính xác là do ngộ độc methanol" – ông Nhân khẳng định.
Trước đó, ngày 13/3, Hôih Nhân, ông BNướch Chưm (SN 1962), anh A Lăng Minh (SN 1985), A Viết Giang (SN 1982), BNướch Gieo (SN 1982; cùng ngụ thôn Pà Păng) mua rượu tại cửa hàng của bà Kapu Nga (ngụ cùng thôn) về uống.
Đến sáng 15/3, anh Minh và ông Chưm bất ngờ có triệu chứng khó thở, tím tái rồi tử vong. Chiều cùng ngày, 3 người còn lại có triệu chứng tương tự, được người dân đưa đến bệnh viện (BV) cấp cứu nhưng anh Giang tử vong vào chiều tối cùng ngày và anh Hôih Nhân đã tử vong ngày 22/3. Hiện chỉ còn anh Gieo sống sót nhưng thị lực yếu, nguy cơ bị mù rất cao.
Sự việc đau lòng đáng lẽ sẽ không tái diễn nếu trong đám tang ông Chưm và anh Minh, nhiều người nhận biết nguyên nhân gây tử vong do rượu và không tiếp tục uống... Nhưng chỉ có điều là, rượu được mua tại cửa hàng của bà Nga lại khiến hàng chục người phải nhập viện điều trị sau đó.
1 bệnh nhân nhập viện trong vụ ngộ độc rượu ngày 12/3 vừa qua tại Nghệ An.
Trước đó, ngày 12/3, tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa tiếp nhận 4 bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng khó thở, tím tái; tuy nhiên 3 người được xác định đã tử vong, 1 người đã được điều trị trong tình trạng nguy kịch nghi do bị ngộ độc rượu.
Được biết, trong lúc ăn cơm, cả 4 người trên đều có uống một ít rượu trong một cái chai khoảng 1,5 lít. Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân ngộ độc có thể đến từ độc tố tự nhiên có trong rễ, thân cây ngâm trong rượu.
"Điếc không sợ súng"
Như chúng ta đã biết, methanol là hóa chất không được phép có trong cơ thể nên khi xâm nhập cơ thể, rượu cồn công nghiệp chuyển hóa thành các axít gây tổn thương cho các tế bào, đặc biệt ở mắt, não.
Ngộ độc methanol có thể gây hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác nên gây mù vĩnh viễn, viêm gan, sau đó trụy mạch và tử vong. Những người thoát chết cũng phải chịu di chứng nặng nề ở não, suy thận, mất trí nhớ...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, năm 2015 Việt Nam sản xuất 188 triệu lít rượu công nghiệp; năm 2017 sản xuất 360 triệu lít và rượu do hộ gia đình sản xuất khoảng 250 triệu lít.
Mặt khác, phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật là sản xuất các loại rượu "nhái", sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc từ các chai rượu ngoại có giá thành rẻ để sản xuất các loại rượu ngoại giả có giá thành cao; sử dụng các loại nguyên liệu, nguồn men không có xuất xứ để tăng nồng độ cồn, hiệu suất thu hồi cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại tình trạng pha chế các loại hóa chất vào các loại cồn thực phẩm để tăng nồng độ của rượu; quảng cáo và bán các loại rượu bổ với công dụng bồi bổ sức khỏe, các loại máy lọc rượu với công dụng có thể khử hết độc tố nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Thêm vào đó, chính cái lề thói "ép rượu" ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận nhỏ "ma men" Việt chính là lý do cho những con số biết nói về tình trạng ngộ độc rượu. Cụ thể, từ năm 2013 - 2017, cả nước xảy ra 862 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 24.954 người mắc, 22.213 người đi viện và 130 người chết.
Trong đó, ngộ độc rượu ghi nhận 28 vụ làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người tử vong. Năm 2017, ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha Methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.
Đó là còn chưa kể đến, rượu bia dẫn đến nhiều vụ ẩu đả và tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện giao thông say xỉn mất kiểm soát.
Tác hại của rượu bia là do chất cồn (ethanol) gây ra thông qua ba cơ chế trực tiếp. Với những người uống liều nhỏ và từ từ, chất cồn gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào. Đây là nguyên nhân gây các bệnh mạn tính như ung thư, tim mạch, đái tháo đường...
Những người uống nhiều bia rượu với lượng chất cồn hấp thụ vào cơ thể nhiều sẽ gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi.
Từ đó gây ra các hậu quả cho mình và người xung quanh, thường gặp là tai nạn giao thông, bạo lực, hành vi nguy cơ, chẳng hạn như quan hệ tình dục không an toàn.
Như vậy, cứ cái thực trạng "điếc không sợ súng" hiện nay thì liệu còn bao nhiêu người nữa trực chờ "cửa tử" sau một vài phút giây thăng hoa?
Xem thêm:
Tiến hành kiểm tra đột xuất sau nhiều ca ngộ độc rượu. Nguồn: Vietnamplus
*Tổng hợp