Hàng loạt biểu tượng quan tài "lính Pháp ở Ukraine"
Hãng thông tấn AFP ngày 9/6 đưa tin, cảnh sát Pháp vừa vây bắt khẩn các đối tượng bị tình nghi đứng sau vụ hàng loạt biểu tượng quan tài với dòng chữ "Lính Pháp ở Ukraine" xuất hiện trên đường phố thủ đô Paris.
Nguồn tin từ cảnh sát Pháp cho biết, vào ngày 7/6, ít nhất 8 biểu tượng quan tài cùng dòng chữ "lính Pháp ở Ukraine" và 3 dòng chữ có nội dung tương tự viết bằng chữ cái Kirin (chữ Cyrillic) đã được phát hiện trên mặt tiền một loạt tòa nhà ở Paris.
Trước đó, vào ngày 1/6, 5 cỗ quan tài với kích thước thực, phủ quốc kỳ Pháp kèm dòng chữ "Lính Pháp ở Ukraine" đã được phát hiện gần tháp Eiffel ở Paris.
Theo tờ Guardian, những dòng chữ này được cho là thông điệp gửi tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau khi nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố về kế hoạch đưa huấn luyện viên quân sự tới Ukraine – một động thái mà Moscow cảnh báo là "nguy hiểm" và có thể đưa quân nhân Pháp trở thành "mục tiêu hợp pháp" của lực lượng Nga tại Ukraine.
"Các cuộc điều tra đang được tiếp tục. Chúng tôi vẫn chưa loại trừ khả năng có sự can thiệp của nước ngoài trong giai đoạn này" – Văn phòng công tố Paris nói với AFP về vụ việc ngày 7/6.
Theo hãng thông tấn Pháp, ngay trong đêm 7/6 và ngày 8/6, cảnh sát Pháp đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng người Moldova bị tình nghi liên quan tới vụ việc. Một nguồn tin giấu tên cho biết, 3 người này đều mang theo những vật dụng như sơn xịt và các loại khuôn, có khả năng được sử dụng để tạo ra những dòng chữ và hình vẽ gây rối đó.
Pháp nghi vấn về "dấu vết Nga"
Theo tờ Guardian, ngay từ vụ 5 quan tài xuất hiện gần tháp Eiffel, cảnh sát Pháp đã tiến hành điều tra theo hướng: "Liệu đây có phải là hành động can thiệp của Nga hay không?".
Chính quyền Pháp cho rằng đây là "một phần của chiến dịch can thiệp quy mô lớn do Điện Kremlin hậu thuẫn, nhằm làm suy yếu dự luận ở Pháp trước Thế vận hội Mùa hè (Summer Olympics) dự kiến khai mạc vào tháng tới tại các địa điểm xung quanh Paris".
Ở vụ việc gây rối mới nhất bằng các hình vẽ quan tài, tờ Le Monde ngày 8/6 cho biết, một nhóm tự xưng là Mriya (tiếng Ukraine nghĩa là "hòa bình") đã đứng ra nhận trách nhiệm. Nhóm này còn tự giới thiệu mình là một "nhóm nghệ thuật Ukraine".
Le Monde cho biết họ đã liên lạc với đại diện phát ngôn của nhóm, đó là một phụ nữ tự xưng tên là Marina. Người này giao tiếp bằng tiếng Nga và cho biết mình là công dân Ukraine sống ở Tây Âu.
Marina gọi các hình vẽ "quan tài lính Pháp" là "buổi trình diễn nghệ thuật", đồng thời cho biết đó là "lời kêu gọi hòa bình" và chống lại cuộc chiến "chỉ mang lại lợi ích cho những đầu sỏ chính trị".
Cũng theo người phụ nữ này, hoạt động của Mriya được tiến hành để phản đối việc cảnh sát Pháp "bắt giữ trái phép" 3 người vào ngày 1/6 (đề cập tới 3 đối tượng người Bulgaria, Đức và Ukraine đã đưa quan tài tới gần tháp Eiffel), cũng như việc Tổng thống Macron cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ cho quân đội Ukraine.
Marina cho biết nhóm Mriya không có bất cứ mối liên hệ vào với Nga, toàn bộ hành động được tài trợ bởi "những người có cùng niềm tin".
Song, bất chấp tuyên bố của Marina, Le Monde cho biết họ phát hiện thấy điểm đáng ngờ: Trang Facebook của Mriya mới thành lập được 1 tháng nhưng có lượng lượt "like" cao bất thường. Trang này hiện đã bị Meta xóa bỏ bởi "hành vi không xác thực" (thường là dấu hiệu của việc sử dụng bot tự động và hồ sơ giả mạo).
Le Monde cho rằng, lý do duy nhất khiến nhóm Mriya tìm cách chủ động liên hệ với truyền thông (bao gồm tờ Le Monde và Libération) là nhằm phủ nhận sự liên quan tới Nga, trong bối cảnh các nhà điều ra Pháp cho rằng hành vi gây rối lần này cũng có liên quan tới các hoạt động tương tự "lấy cảm hứng từ Moscow" ở một số nước châu Âu.
Moldova - Nga phản ứng
Nga và Moldova đã lần lượt lên tiếng trước những vụ việc xảy ra gần đây tại Paris.
Thông qua mạng xã hội X, Bộ trưởng Ngoại giao Moldova Mihai Popșoi ngày 9/6 đã lên án hành động của 3 công dân nước này đang bị giam giữ tại Paris.
Ông Popșoi lưu ý, Moldova rất lấy làm tiếc về sự việc và "kiên quyết lên án" hành vi sai trái. Ông đồng thời gọi vụ việc lần này là một phần trong "cuộc tấn công phức hợp nhằm làm tổn hại hình ảnh quốc tế của Moldova".
"Chính quyền Chisinau sẵn sàng hợp tác với Pháp để làm rõ, và buộc những người liên quan phải chịu trách nhiệm" – Ông Popșoi nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Pháp khẳng định Moscow "không can thiệp vào Pháp", đồng thời bày tỏ sự phản đối quyết liệt trước chiến dịch bài Nga mới nhất mà truyền thông Pháp tung ra".
Trong tuyên bố chính thức, Đại sứ quán Nga tại Pháp nhấn mạnh, "Nga không can thiệp và sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Pháp".