Nga ra tay sát sườn: Nước vừa thề "buộc Nga quỳ gối ở Ukraine" không dám nổ súng, tìm vội đồng minh ứng phó

Nhật Minh |

Estonia cho hay, họ không thể nổ súng cảnh cáo khi phát hiện hành động của Nga. Căng thẳng giữa 2 phía dâng cao sau khi Tổng thống Estonia tuyên bố sẽ "buộc Nga quỳ gối ở Ukraine".

Estonia báo động trước động thái của Nga

Tờ Pravda ngày 29/5 cho hay, Estonia gần đây đã cáo buộc lực lượng biên phòng Nga xâm phạm lãnh hải của nước này để tháo dỡ hơn 20 chiếc phao phân giới trên sông Narva – tuyến đường thủy dọc biên giới Nga-Estonia.

Động thái diễn ra không bao lâu sau khi Bộ Quốc phòng Nga đăng tải bản đề xuất sửa đổi ranh giới trên biển (maritime border) ở Biển Baltic.

Trong đó, Bộ Quốc phòng Nga đề xuất điều chỉnh ranh giới xung quanh các đảo của Nga ở phía đông vịnh Phần Lan và xung quanh Kaliningrad.

Cách điều chỉnh mới sẽ tạo một đường cơ sở (đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy) kéo dài từ khu vực phía Đông Vịnh Phần Lan tới các huyện Baltiysk và Zelenogradsk của tỉnh Kaliningrad.

Bên cạnh đó, với điều chỉnh này, vùng nội thủy của Nga trên Biển Baltic sẽ được mở rộng, cũng như biên giới trên biển của Nga sẽ thay đổi.

Không bao lâu sau khi đăng tải, Bộ Quốc phòng Nga đã xóa bản đề xuất này khỏi cổng thông tin chính thức. Tuy nhiên, nó vẫn làm dấy lên phản ứng gay gắt của các nước liên quan.

Nga ra tay sát sườn: Nước vừa thề "buộc Nga quỳ gối ở Ukraine" không dám nổ súng, tìm vội đồng minh ứng phó- Ảnh 1.

Estonia công bố hình ảnh lực lượng biên phòng Nga tháo dỡ phao phân giới trên sông Narva. Ảnh: i.err.ee

Ông Eerik Purgel – quan chức biên phòng của Estonia cho biết, trước đây vào mỗi mùa xuân, Estonia và Nga đều lắp đặt phao trên sông Narva để đánh dấu biên giới. Do lòng sông thay đổi theo thời gian nên cả hai phía phải điều chỉnh luồng phao hàng năm. Từ năm 2023, Nga không đồng ý với quan điểm của Estonia về việc đặt phao.

"Tuy nhiên, chúng tôi quyết định lắp đặt phao vào mùa hè năm nay theo thỏa thuận giữa hai phía năm 2022 bởi những chiếc phao này rất cần thiết để tránh các sai sót trong việc điều hướng" – Ông Purgel cho hay.

50 trong tổng số 250 phao cần thiết đã được Estonia lắp đặt trên sông Narva vào ngày 13/5 nhưng gần đây, Nga đã loại bỏ khoảng một nửa số phao này.

Phản ứng lại, Tallinn đã triệu Đại sứ Nga để yêu cầu giải thích về điều mà nước này gọi là "sự cố mang tính khiêu khích ở biên giới".

Theo Tổng Giám đốc Cục Cảnh sát và Biên phòng Estonia Egert Belichev, lực lượng biên phòng Estonia không thể "dùng vũ lực" ngăn cản việc Nga dỡ phao vì điều đó sẽ dẫn tới tình huống leo thang.

"Bắn cảnh cáo có tác dụng gì? Hiện tại, tôi cho rằng Estonia đã đạt được kết quả khi cả thế giới phương Tây đang hướng về Nga. Đây là kết quả đúng đắn từ quan điểm chính sách đối ngoại" – Bộ trưởng Nội vụ Estonia Lauri Läänemets nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã lên án động thái này của Nga là "hành động khiêu khích các nước láng giềng".

Ông Josep Borrell - người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU nói: "Sự cố biên giới này là một phần trong mô hình hành động phức hợp với quy mô mở rộng hơn của Nga, bao gồm cả biên giới trên đất liền và trên biển ở khu vực Baltic".

EU cho biết, họ mong đợi một lời giải thích từ Nga về việc loại bỏ các phao trên sông Narva, và trả chúng về chỗ cũ ngay lập tức.

Căng thẳng giữa Nga và Estonia đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh Estonia và 2 quốc gia khác ở vùng Baltic (gồm Latvia và Lithuania) nhiều lần đưa ra tuyên bố về việc đưa quân tới Ukraine.

Hôm 25/5, theo cổng thông tin Yle (Phần Lan), Tổng thống Estonia Alar Karis đã có phát ngôn nhấn mạnh rằng, "điều quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn chỗ máy quân sự của Nga ở Ukraine".

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để buộc Nga phải 'quỳ gối'. Sau đó, các cuộc đàm phán nghiêm túc mới có thể bắt đầu nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine" - Ông Karis nói.

Nhà lãnh đạo Estonia đồng thời cho rằng, cần có sức ép từ phía phương Tây để Nga nhận ra rằng họ cần phải thực hiện những thay đổi.

Estonia họp với Phần Lan tìm cách đối phó Nga

Theo tờ Ivestiza ngày 29/5, nhằm ứng phó với "các động thái khiêu khích" của Nga, Estonia đã nhanh chóng tìm đến nước đồng minh Phần Lan.

Nga ra tay sát sườn: Nước vừa thề "buộc Nga quỳ gối ở Ukraine" không dám nổ súng, tìm vội đồng minh ứng phó- Ảnh 3.

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb (bên trái) và Tổng thống Estonia Alar Karis. Ảnh: Izvestia

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb hiện đang có chuyến thăm 3 ngày tới Estonia và gặp gỡ Tổng thống Karis để thảo luận về các hoạt động chung nhằm "chống lại Nga".

Izvestia cho hay, cả 2 nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh nhiều lần rằng đất nước của họ "đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tấn công phức hợp mà Nga có thể tiến hành".

Lấy ví dụ về cuộc tấn công phức hợp của Nga, ông Stubb đề cập dòng người di cư tìm cách vào Phần Lan trong năm ngoái.

Trước đó, Helsinki đã quyết định đóng cửa biên giới trên bộ với Nga sau khi cáo buộc Moscow dùng dòng người di cư như vũ khí để chống lại Phần Lan và châu Âu.

Về phần mình, ông Karis viện dẫn việc lực lượng biên phòng Nga tháo dỡ các phao phân giới do Estonia lắp đặt trên sông Narva.

Cả hai sau đó đã đề cập tới vấn đề được thảo luận "nóng" nhất hiện nay, đó là điều lực lượng tới Ukraine hỗ trợ Kiev chống Nga. Tuy nhiên, có phần trái với mong muốn của ông Karis, Tổng thống Stubb không muốn đưa quân Phần Lan tới Ukraine.

Ông Stubb nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc "cung cấp hỗ trợ kinh tế, vũ khí và đạn dược cho Kiev".

Nga phản ứng

Cho tới thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về việc tháo dỡ phao phân giới trên sông Narva, tuy nhiên, Moscow đã có phản ứng trước phát ngôn thách thức của Tổng thống Estonia về việc "buộc Nga phải 'quỳ gối'.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đặt câu hỏi: "Ông Karis sẽ làm như thế nào đây? Cứ để ông ta thể hiện".

Trong khi đó, RIA Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, ông không có gì để bình luận thêm về phát ngôn của Tổng thống Karis, bởi bà Zakharova đã bày tỏ rất rõ ràng lập trường của Nga.

Nga ra tay sát sườn: Nước vừa thề "buộc Nga quỳ gối ở Ukraine" không dám nổ súng, tìm vội đồng minh ứng phó- Ảnh 5.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS

Theo tờ Gazeta (Nga), Moscow nhìn nhận phát ngôn của ông Karis một cách mỉa mai. Bộ Ngoại giao Nga mời ông Karis "trở thành người đầu tiên làm gương về việc khiến Nga quỳ gối", trong khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Leonid Slutsky cho rằng, lời đe dọa của Estonia "có vẻ kỳ lạ" so với những thành công mà Nga đã đạt được ở Ukraine.

Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang Nga chỉ ra sự thiếu ảnh hưởng và quyền lực chính trị nhỏ bé của Tallin khi dám đưa ra những thách thức như vậy.

Theo nhà khoa học chính trị Nga Nikolai Mezhevich, với những tuyên bố như trên, Tallinn có thể khiêu khích Moscow tiến hành phản ứng quân sự hoặc bán quân sự. Tuy nhiên, xét trên tình hình thực tế, Nga không cần thiết thực hiện các phương pháp đáp trả này.

Lý do là bởi Estonia quá nhỏ bé so với Nga, kể cả về quy mô lãnh thổ và dân số. Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, quyền lực chính trị thực sự của Estonia không thuộc về Tổng thống, mà về Thủ tướng.

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Nga đã đưa Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Bộ trưởng văn hóa Lithuania và các thành viên tiền nhiệm của Quốc hội Latvia vào danh sách truy nã với cáo buộc "phá hủy các di tích thời Liên Xô".

Theo Financial Times, đây là lần đầu tiên Điện Kremlin ban hành cáo buộc hình sự đối với một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ khi phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại