Mổ xong mắt đục mờ, sợ ánh sáng
Bé Quỳnh Anh (sinh tháng 9/2016 tại TP.HCM) bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, nhãn cầu nhỏ do mẹ nhiễm virus Rubella trong thời kỳ mang thai.
Ngày 21/11/2016, bé được bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu Trang, Trưởng khoa Mắt Nhi (Bệnh viện Mắt TP.HCM) thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể. Phương pháp điều trị là: Phaco A + cắt PLT trước. Hai ngày sau bé xuất viện.
Tuy nhiên, sau ca mổ, mắt bé không đỡ hơn mà trở nên trắng đục. Bé gần như không nhìn thấy gì, chỉ có thể phân biệt sáng – tối. Gia đình nhiều lần đưa bé đi tái khám tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, ngày 7/4/2017, bé tái khám lần cuối cùng và được bác sĩ Châu Trang chẩn đoán bị đục giác mạc.
Chị Hồng Đào, mẹ bé Quỳnh Anh cho biết: “Mỗi lần tái khám, bác sĩ cứ nói cứ từ từ nhỏ thuốc rồi từ từ hồi phục.
Mình cứ làm theo như vậy. Đến lần khám cuối cùng, bác sĩ Châu Trang nói là bé bị đục giác mạc rồi, không chữa được nữa. Lúc đó, tôi có hỏi bác sĩ có thay được giác mạc không thì bác sĩ nói: “Không, không làm gì được nữa hết”.
Bức xúc với cách làm việc và câu trả lời của bác sĩ, chị đưa con đến một phòng khám nhãn khoa ở quận 7, TP.HCM vào ngày 17/6/2017 và được kết luận: “Bệnh nhi mờ đục giác mạc trong 6 tháng, đang nhỏ thuốc Betoptic.
Bệnh nhi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh 2 mắt, đã được phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể. Hiện không có thủy tinh thể. Toàn bộ giác mạc đục và phù, nhãn áp cao, không thể đo được bằng Tonopen, có phản xạ với ánh sáng, không có RD”. Phòng khám này không thể chữa trị nên đã giới thiệu mẹ con chị Đào sang Singapore.
Dồn hết tiền của, kêu gọi hỗ trợ của bạn bè, người thân, cộng đồng mạng, chị Hồng Đào đã đưa con gái sang Singapore. Tại bệnh viện mắt Singapore National Eye Centre (SNEC) bé Quỳnh Anh được khám và tại đây bác sĩ kết luận: Nhãn áp cao gấp 4 lần bình thường, giác mạc bị đục, phải điều trị hạ nhãn áp và phải thay giác mạc mới có hy vọng sáng mắt. Chi phí cho ca thay giác mạc 2 mắt lên đến khoảng 1,2 tỷ đồng.
Không chỉ riêng bé Quỳnh Anh, còn rất nhiều trường hợp bệnh nhi sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh tại Bệnh viện Mắt TP.HCM nhưng sau đó mắt không thể sáng được:
Bé N. K. G. L (Ninh Thuận) được phẫu thuật đục thủy tinh thể mắt phải vào ngày 5/12/2016, đến nay mắt bé mờ đục, không nhìn thấy gì, sợ ánh sáng và được bệnh viện kết luận sau nhiều lần tái khám: Thị lực mắt phải không thể phục hồi.
Bé T.T.M (Đắc Nông) được Bệnh viện Mắt TP.HCM chỉ định mổ cả 2 mắt, sau nhiều lần mổ đi mổ lại, bệnh viện kết luận mắt bé không thể phục hồi.
8 bệnh nhi bị đục giác mạc - chỉ là tai biến?
Sau hàng loạt sự cố tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua kiểm tra, xác minh, trong 2 ngày 5 – 6/12/2016, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật cho 25 bệnh nhi. Sau mổ 2 ngày, có 8 trẻ được xác định bị tình trạng đục giác mạc.
Hội đồng chuyên môn của bệnh viện và của Sở Y tế kết luận: 8 trường hợp đục giác mạc này do biến chứng ngẫu nhiên trong phẫu thuật. Không có hiện tượng nhiễm trùng hàng loạt.
Theo Sở Y tế TP.HCM, đục giác mạc có thể gặp ngẫu nhiên trong quá trình điều trị cho bệnh nhân suốt một thời gian dài, tuy nhiên cũng thừa nhận, đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này tại khoa Mắt Nhi, Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Nhiều gia đình bệnh nhi bức xúc cho biết, trước khi cho con đến mổ, họ đều được các bác sĩ Bệnh viện Mắt TP.HCM tư vấn rằng với bé bị đục thủy tinh thể, mổ sớm thì tỷ lệ thành công cao, khả năng phục hồi thị lực tốt hơn.
Và sau khi mổ đều được bác sĩ động viên: Mắt bé sẽ phục hồi thị lực nhưng chậm, cứ theo dõi và cho bé tái khám theo đúng chỉ định; để rồi cuối cùng nhận được câu kết luận cuối cùng: Mắt các bé không thể phục hồi (!)