Nguồn tin này không tiết lộ vị trí cụ thể triển khai THAAD, nhưng khẳng định các thành phần của THAAD đã được triển khai ở khu vực phía Nam Hàn Quốc.
Còn theo truyền thông Hàn Quốc, rạng sáng 26-4, các thành phần của THAAD, bao gồm hệ thống ra-đa đa nhiệm băng tần X và 5 xe tải chở các thành phần của tổ hợp, đã được phát hiện trên đường tới tỉnh Seongju.
Ngày sau khi biết tin, nhiều người dân Hàn Quốc phản đối việc triển khai THAAD đã đổ ra đường phản đối sự việc trên.
Thậm chí, dòng người phản đối còn đụng độ với cảnh sát tại tỉnh Seongju. Rất nhiều người dân địa phương tin rằng, sau khi THAAD được triển khai tại Seongju, khu vực này sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhắm tới.
Các thành phần của tổ hợp THAAD được vận chuyển tới Hàn Quốc.
Người dân địa phương phản đối việc triển khai tổ hợp THAAD.
Tổ hợp THAAD.
Trước đó, đã có thông tin về việc THAAD sẽ được triển khai tại một sân golf thuộc sở hữu của Tập đoàn Lotte, nhưng chưa có thông tin chính thức xác nhận việc này.
Mỹ và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận triển khai các tổ hợp THAAD tại quốc gia Đông Á này vào tháng 7-2016. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau việc triển khai tổ hợp phòng thủ tên lửa này tại Hàn Quốc liên tục bị trì hoãn.
Cả Seoul và Washington đều coi việc triển khai THAAD là bước đáp trả lại các vụ thử tên lửa của Triều Tiên thực hiện trong thời gian qua.
Được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung của đối phương ở tầng cao nhất và tầng trung của quỹ đạo bay, THAAD tiêu diệt mục tiêu bằng cách sử dụng đạn tên lửa tấn công theo phương thức kinetic (va chạm trực tiếp và tiêu diệt đầu đạn tên lửa của đối phương bằng va chạm động năng).
Ngoài khả năng độc lập chiến đấu, tổ hợp THAAD cũng có thể trao đổi thông tin và hoạt động phối hợp với hệ thống đánh chặn tên lửa khác như: Aegis, Patriot PAC-2 và PAC-3.