Thần tốc giải phóng Miền Nam: Chuyện lính bộ binh nhường nước uống "cứu" xe tăng

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Nói về "Thần tốc" trong Mùa Xuân 1975 người ta hay nhắc đến cánh quân Duyên Hải. Song kỷ lục về chiều dài đường hành quân lại thuộc về các đơn vị của Binh đoàn Quyết Thắng.

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần để Bộ đội ta thần tốc giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử cùng nhiều câu chuyện thú vị.

---

Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Chiến dịch Tây Nguyên đang thu được thắng lợi giòn giã. Phán đoán thời cơ thuận lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đến rất gần, Bộ Thống soái tối cao quyết định đưa một số đơn vị thuộc Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) - vốn có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô và Trung ương vào Nam sẵn sàng tham chiến.

Thần tốc giải phóng Miền Nam: Chuyện lính bộ binh nhường nước uống cứu xe tăng - Ảnh 1.

Trong số các đơn vị được vinh dự đi chiến đấu trong mùa Xuân lịch sử ấy có Tiểu đoàn TTG 66 và Tiểu đoàn TTG 244 của Lữ đoàn xe tăng 202 - những đơn vị đã dạn dày trong chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 cho đến tận khi Hiệp định Pa-ri được ký kết đầu năm 1973.

Chặng đường "thần tốc" dài nhất

Thực ra, nói như vậy không hoàn toàn đúng bởi kỷ lục về chiều dài đường hành quân của các đơn vị xe tăng trong kháng chiến chống Mỹ có những trường hợp còn dài hơn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 thì chiều dài hành quân của hai tiểu đoàn TTG này là dài nhất.

Lúc đó, Lữ đoàn TTG 202 đang đóng quân tại Ninh Bình. Đơn vị đầu tiên của Lữ đoàn xuất phát lên đường là Tiểu đoàn 66, bao gồm 1 đại đội trang bị xe tăng K63-85 và 2 đại đội trang bị xe thiết giáp K63.

Ban đầu, nhiệm vụ của Tiểu đoàn TTG 66 và các đơn vị thuộc Binh đoàn Quyết Thắng là tham gia tiến công Đà Nẵng từ hướng Bắc. Tuy nhiên, do chiến dịch Huế - Đà Nẵng giành thắng lợi quá nhanh nên các đơn vị này đã không được "trọng dụng".

Thần tốc giải phóng Miền Nam: Chuyện lính bộ binh nhường nước uống cứu xe tăng - Ảnh 2.

Xe tăng QGP trên con phố ở Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Ngay sau đó, Bộ Thống soái tối cao lại quyết định thành lập cánh quân Duyên Hải và cánh quân này "độc chiếm" Quốc lộ 1 nên toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 1 phải "lật cánh" lên phía tây để hành quân vào phía Nam.

Đích đến của cuộc hành quân lúc này là chiến trường B2 mà cụ thể là căn cứ Đồng Xoài. Lộ trình hành quân là Quốc lộ 1 - Đông Hà - Quốc lộ 9- Đường Tây Trường Sơn - Ngã ba biên giới - Kon Tum - Đường 14 - Đồng Xoài.

Tổng chiều dài đường hành quân ngót 1.800 km. Vấn đề đặt ra đối với các đơn vị lúc này là phải cơ động thật nhanh để có mặt tham gia chiến dịch cuối cùng - chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Nhận thức được điều đó, cán bộ chiến sĩ các đơn vị đã không quản ngại vất vả khó khăn, vừa đi vừa làm tốt công tác kỹ thuật để đảm bảo tốc độ hành quân. Đặc biệt, ngày 07.4.1975, bức điện "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền đạt đến đơn vị đã như một nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đến với mọi người.

Thần tốc giải phóng Miền Nam: Chuyện lính bộ binh nhường nước uống cứu xe tăng - Ảnh 3.

Bức điện đặc biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu.

Tình huống bất khả kháng và giải pháp bất ngờ

Bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh đến với Tiểu đoàn TTG 66 khi đơn vị đang hành quân trên địa bàn Tây Nguyên. Quán triệt tinh thần bức diện của Đại tướng, tất cả các xe của Tiểu đoàn TTG 66 đều kẻ lên tháp pháo hai chữ "Thần tốc" để nhắc nhở nhau hành quân với tốc độ cao nhất.

Để không ảnh hưởng đến tốc độ hành quân chung, tiểu đoàn quy định: gặp trường hợp hỏng hóc các xe sẽ phải tự sửa chữa. Nếu không khắc phục được thì chờ bộ phận bảo đảm kỹ thuật đi sau đến giải quyết, còn cả đơn vị vẫn tiếp tục hành quân không dừng lại đợi.

Tháng Tư, đang là cao điểm của mùa khô Tây Nguyên. Suốt ngày, mặt trời dọi xuống cao nguyên cái thứ nắng vàng như mật. Cả bầu trời và mặt đất cứ ong ong nóng khó chịu vô cùng.

Con đường đất bị hàng vạn bánh xe và xích sắt nghiền cho nát vụn bốc bụi mù mịt sau đoàn quân xa đang mải miết hành quân gấp táp vào mặt những người lính như có ai đang ném. Tuy nhiên, đó không phải vấn đề lớn. Vấn đề lớn nhất đối với tiểu đoàn này lúc này là nước.

Đã ba ngày nay, dọc đường hành quân Tiểu đoàn TTG 66 không gặp một con sông, con suối nào có nước. Số nước dự trữ trên các xe đã bắt đầu cạn mặc dù khi vượt qua sông Pô Kô ở bắc Tây Nguyên, các xe đã huy động tất cả những gì chứa được nước thì đều được chứa đầy. Một mệnh lệnh được ban ra:

"Sử dụng hết sức tiết kiệm. Nước chỉ dành cho ăn uống và bổ sung cho hệ làm mát của xe. Mọi nhu cầu khác đều phải cắt!".

Bất chấp tất cả, những chiếc xe tăng, xe thiết giáp vẫn cần mẫn tiến lên phía trước. Nhưng không phải mọi việc lúc nào cũng suôn sẻ như mong muốn.

Đến đúng khúc cua gấp giữa một con dốc, một chiếc xe tăng K63-85 của Đại đội 3 giở chứng, nhiệt độ nước làm mát tăng lên quá giới hạn quy định. Không thể dừng đội hình lại đợi, tiểu đoàn vẫn tiếp tục hành quân. Rất may, xe này đi cuối đội hình nên không ảnh hưởng đến đường cơ động của đơn vị.

Ngay sau đó, kíp xe kiểm tra và phát hiện nguyên nhân hỏng hóc là do vỡ ống nước của hệ làm mát. Đó là một đoạn ống nối bằng cao su. Chắc là do sử dụng lâu ngày, cộng với nhiệt độ cao liên tục... nó đã bị lão hóa và bục ra.

Nước trong hệ bị chảy ra ngoài, lượng nước làm mát giảm đi dẫn đến nhiệt độ tăng lên. May mà lái xe phát hiện sớm. Nếu không sẽ dẫn đến cháy động cơ.

Thần tốc giải phóng Miền Nam: Chuyện lính bộ binh nhường nước uống cứu xe tăng - Ảnh 4.

Xe tăng QGP đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975. Ảnh tư liệu.

Đoạn ống nước vỡ nhanh chóng được thay thế bằng phụ tùng dự bị. Tuy nhiên, khi bổ sung nước thì kíp xe mới tá hỏa: tất cả nước dự trữ trên xe chỉ còn chưa đầy 20 lít, thế mà hệ làm mát này đòi hỏi phải đủ 90 lít mới đảm bảo hoạt động bình thường. Không còn cách nào khác, kíp xe phải tìm bằng ra nước mới xong.

Đầu tiên, họ chia nhau ra lần theo các khe suối cạn để tìm nhưng rồi càng tìm càng vô vọng bởi không đâu có tý nước nào. Cuối cùng, đồng chí trưởng xe quyết định: tìm chỗ trũng nhất trong lòng khe để đào giếng. Mọi việc được tiến hành ngay. Bốn anh em và các thành viên dự bị theo xe lập tức thực hiện.

Tuy nhiên, có vẻ như việc họ làm hoàn toàn vô vọng. Giếng đã sâu hàng mét rồi mà vẫn chưa hề có dấu hiệu gì của nước cả.

Đúng lúc đó, một đoàn mấy chục chiếc xe tải chở bộ binh đã đến chân dốc phía sau và đang ùn lại. Chiếc xe tăng hỏng nằm ở một vị trí hết sức oái oăm giữa dốc đã chặn cả đoàn xe không thể vượt qua.

Một cuộc đấu khẩu căng thẳng xảy ra giữa cánh bộ binh với kíp xe tăng, thậm chí có người còn ý kiến: dùng bộc phá hất chiếc xe tăng xuống vực để lấy đường cho xe tải qua.

Vào giữa lúc căng thẳng nhất, một cán bộ chỉ huy đoàn xe tải chợt hỏi: "Xe tăng hỏng thế nào?". Khi nghe trưởng xe giải thích xong, anh bật cười:

"Có thế mà cũng chịu à? Cho người mang can, mang túi theo tôi! Tôi có cả ngàn lính trên mấy chục xe này. Mỗi người chỉ cần nửa bi đông thì... đủ cả cho các ông tắm".

Quả thật, cái sáng kiến bất ngờ này của người chỉ huy bộ binh đã làm sống lại chiếc xe tăng đang bất lực. Với nguồn nước mát những người lính bộ binh san sẻ cho, chỉ một ngày sau chiếc xe tăng hỏng đã đuổi kịp đội hình và cùng đơn vị đến đích trước thời gian quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại