Việt Nam tự cải tiến tên lửa Kh-29, nâng tầm bắn pháo phản lực BM-21

Sao Đỏ |

Sau khi công bố chương trình nâng cấp tên lửa chống tăng, mới đây Tổng cục Kỹ thuật tiếp tục thông báo về một số dự án hiện đại hóa vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự khác.

Theo bài viết "Sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ công tác tham mưu kỹ thuật" đăng trên báo Quân đội Nhân dân, trong những năm qua Bộ Tham mưu Tổng cục Kỹ thuật đã chỉ đạo và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật.

Một trong những hạng mục đã hoàn thành chính là cải tiến thành công tên lửa không đối đất Kh-29T/L.

Việt Nam tự cải tiến tên lửa Kh-29, nâng tầm bắn pháo phản lực BM-21 - Ảnh 1.

Tên lửa không đối đất Kh-29T

Kh-29 (AS-14 Kedge) là một "gia đình" tên lửa không đối đất tầm ngắn mang đầu đạn lớn do Liên Xô/Nga chế tạo, có thể trang bị cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 hoặc tiêm kích đa năng Su-30MK2.

Phiên bản Kh-29T là loại sử dụng cơ chế dẫn đường TV, được lắp đầu dò quang học tự động nhận dạng vật thể Tubus-2, tên lửa trước khi phóng sẽ "nhận diện" hình ảnh mục tiêu và sau khi phi công bấm nút khai hỏa, Kh-29 tự động bay tới theo dạng "phóng và quên".

Việt Nam tự cải tiến tên lửa Kh-29, nâng tầm bắn pháo phản lực BM-21 - Ảnh 2.

Tên lửa không đối đất Kh-29L

Trong khi đó Kh-29L là phiên bản sử dụng hệ dẫn đường laser bán chủ động, đầu dò 24N1 của tên lửa sẽ tự động bám theo chùm laser do máy bay phóng chiếu vào đối tượng để chỉ thị đường bay. Sau khi khai hỏa, tên lửa leo lên độ cao 5.000 m rồi bổ nhào thẳng đứng xuống mục tiêu.

Cả hai biến thể Kh-29 trên đều lắp đầu nổ tiếp xúc và được đẩy bằng động cơ nhiên liệu rắn, tầm bắn ước tính nằm trong khoảng 10 km, đặc biệt hiệu quả khi dùng để chống lại boong ke, công sự kiên cố, thậm chí cả tàu mặt nước.

Hiện tại chưa có thông tin chính thức về những cải tiến áp dụng trên Kh-29, tuy nhiên có khả năng đạn tên lửa đã được thay thế những thành phần công nghệ cũ bằng linh kiện mới cho độ tin cậy cao hơn.

Việt Nam tự cải tiến tên lửa Kh-29, nâng tầm bắn pháo phản lực BM-21 - Ảnh 3.

Pháo phản lực nâng cấp BM-21M-1. Ảnh: Hoàng Hà - Báo Quân đội Nhân dân

Tiếp theo là chương trình tự động hóa dàn phóng và tăng tầm đạn pháo phản lực BM-21. Theo bài viết "Tính ưu việt của pháo phản lực cải tiến BM-21M-1" cũng của Báo Quân đội Nhân dân thì phiên bản BM-21M-1 của Việt Nam có nhiều tính năng vượt trội bản gốc.

Cụ thể, BM-21M-1 có khả năng tính toán, hiệu chỉnh và điều khiển tự động lấy phần tử bắn nhanh, chính xác; tích hợp hệ thống thông tin, truyền dữ liệu bảo đảm tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, ngày và đêm.

Trước đây kíp chiến đấu của BM-21 có 5 người, với BM-21M-1, kíp xe rút gọn còn 4 người. Thời gian chuẩn bị trước bắn của BM-21 là 14 phút, thông số này của BM-21M-1 chỉ còn 1,5 phút.

Việc điều khiển tầm, hướng của pháo phản lực BM-21 là bán thủ công hoặc thủ công, sau khi cải tiến thành BM-21M-1, thao tác trên có thể được thực hiện tự động, bán thủ công hoặc thủ công.

Tương tự, trước kia pháo phản lực BM-21 tính toán phần tử bắn thủ công, nay với BM-21M-1, việc tính toán phần tử bắn được thực hiện hoàn toàn tự động.

Thông số tầm bắn của đạn BM-21M-1 chưa được công bố, nhưng hiện tại Quân đội Nga đã đưa vào biên chế đạn rocket 122 mm thế hệ mới có tầm hoạt động lên tới 40 km (so với chỉ 20 km nguyên bản).

Những cải tiến trên đã góp phần nâng cao chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật, giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của môi trường tác chiến công nghệ cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại